• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nỗi đau của những người cha cùng cảnh “Gà trống nuôi con”

Chiến tranh đã lùi xa gần 47 năm, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin mà Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam vẫn đọng mãi, đè nặng, tàn phá nhiều thế hệ gia đình. Đà Nẵng có nhiều gia đình đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của thứ chất độc quái ác này. Trong đó có những gia đình “Gà trống nuôi con” buồn nhiều hơn vui.

1. Phạm Hoàng Gia Nghi, sinh năm 2013 ở tổ 23 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

Ông Phạm Đình Tín cùng cháu bé Phạm Hoàng Gia Nghi

Cũng như bao đứa trẻ khác, Gia Nghi sinh ra trong niềm mong đợi, của cả cha và mẹ. Thế nhưng niềm vui ấy không trọn vẹn, bệnh viên phát hiện em bị khuyết tật não, không thể phục hồi được! Bất hạnh hơn, mẹ của bé tuyệt vọng khi biết bệnh tình của con đã bỏ nhà đi biệt tích khi em mới chỉ được vài tháng tuổi. Thương con, xót xa trước những bất hạnh mà con sớm phải gánh chịu, ông Phạm Đình Tín, cha của Phạm Hoàng Gia Nghi quyết ở vậy “gà trống nuôi con”. Ngày ngày một mình xoay sở chăm sóc, nuôi con. “Tôi vốn là bộ đội chiến trường Campuchia từ năm 1982, tôi lập gia đình khi tuổi đời không còn trẻ, tưởng rằng cuộc sống và hạnh phúc cũng sẽ như bao gia đình bình thường khác, thế nhưng niềm mong mỏi bình thường ấy lại là nỗi đau, sự bất hạnh...”. Bé Gia Nghi bị bại não nên không có khả năng nhận thức, vận động, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc hoàn toàn vào cha. Trong khi đó, ông Tín tuổi đã cao, sức khỏe lại hạn chế. Không có người chăm sóc Gia Nghi nên anh không thể đi làm để tạo nguồn thu nhập. Mọi chi phí sinh hoạt của hai cha con phụ thuộc vào số tiền trợ cấp xã hội ít ỏi và sự hỗ trợ của Hội NNCĐDC/dioxin các cấp, hỗ trợ đột xuất từ phía chính quyền và người thân. Với hai nhân khẩu, gia đình ông Tín là hộ đặc biệt nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn. Mong muốn duy nhất của ông là có tiền để chi phí thuốc men, trang trải cho cuộc sống cho bố con!

2. Cũng như hoàn cảnh của Ông Tín, Ông Nguyễn Hữu Hùng, trú tại thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, năm nay gần 67 tuổi. Ông là Cựu chiến binh, sau khi đất nước giải phóng, ông trở về với 1 bên tay bị thương tật. Ông xây dựng gia đình, sinh hạ được 5 người con (3 trai và 2 gái). Tuy nhiên, 3 đứa con trai sinh ra bình thường, nhưng có 2 người cô con gái thì đều bị nhiễm chất độc da cam. Cô con gái đầu là Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1981, tay chân, thân thể đầy đủ nhưng trí óc không bình thường. Hàng ngày, hàng xóm thương tình, ai cho gì ăn nấy, sống qua ngày, khi trời trở gió thường lên cơn động kinh co giật. Cô con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Hậu, sinh ra đã nhiễm chất độc da cam, bị liệt nằm 1 chỗ từ năm 1986 đến tháng 8/2021 thì mất. Mọi việc trong nhà, sinh hoạt của các con, một tay ông làm. Trớ trêu hơn, do đứa cháu nội - con của anh trai út - khi sinh ra bị ủng thủy não do di nhiễm chất độc da cam. Thấy cảnh con cái như thế mẹ của cháu bỏ mặc ra đi, để con lại cho bên ngoại nuôi dưỡng.

Ông Nguyễn Hữu Hùng và 2 con là NNCĐDC

3. Hay gia đình Ông Nguyễn Khanh (1959), tại thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, có 2 con Nguyễn Thị Thanh Tuyền (1992) và Nguyễn Trọng Quý (1995) bị dị tật từ trong bụng mẹ. Khi sinh ra, em Tuyền và Quý đều không nhận thức được, riêng em Tuyền có khả năng đi lại được, còn em Quý liệt bất động; vợ ông suy nghĩ nhiều cũng bị tai biến, nằm liệt một chỗ suốt 9 năm (nay đã mất). Một mình ông vừa phải lo chăm sóc vệ sinh cho vợ con, vừa phải chạy xe taxi, lo kinh tế, nhưng bữa có bữa không (đặc biệt trong 2 năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên không được chạy, ai kêu gì làm đó nhưng phải gần nhà để còn theo dõi chăm sóc các con). Gia đình ông thuộc diện đặc biệt nghèo của địa phương.

Ông Nguyễn Khanh và 2 con bị ảnh hưởng chất độc da cam

4. Đến với gia đình Ông Trần Phước Dũng (1970) tổ 9 thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, năm 2010, anh lập gia đình và sinh hạ được cháu Trần Phước Nhật Long (2010). Cháu Nhật Long sinh ra bị dị dạng, dị tật tim bẩm sinh, bại liệt nằm một chỗ, vợ chồng anh đã cố gắng chạy chữa cho cháu, nhưng đều vô vọng. Người vợ thấy con bị như thế lại bỏ ra đi, anh Dũng một mình nuôi con. Cha mẹ cho mảnh đất, anh vay mượn cất ngôi nhà cấp 4, buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ, kiếm tiền để nuôi con. Gia đình anh thuộc hộ nghèo của xã, được hưởng chế độ bảo trợ xã hội của địa phương.

Anh Trần Phước Dũng và con Trần Phước Nhật Long

Còn nỗi đau nào hơn khi ngày ngày nhìn con của mình không được lành lặn, bình thường như con bao người khác! Nỗi đau đó đâu chỉ riêng gia đình và nạn nhân gánh chịu mà đó còn là nỗi đau của dân tộc Việt Nam! Chúng ta không thể cầm lòng khi những ông bố có con bị nhiễm chất độc da cam ngày một yếu đi, số phận những đứa con dị tật sẽ ra sao? Đó là niềm trăn trở của không ít bậc cha mẹ có con di nhiễm chất độc hoá học và cũng không biết đến bao giờ nỗi ám ảnh mang tên “chất độc da cam/dioxin” mới nguôi ngoai trong tâm trí người dân đất Việt!

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm hết sức ý nghĩa, mang tính nhân văn cao quý, sự góp sức của mọi người sẽ làm cho gia đình nạn nhân chất độc da cam đỡ vất vả hơn. Nỗi đau da cam sẽ được xoa dịu phần nào khi các nạn nhân được chăm sóc về sức khỏe, tinh thần, cuộc sống của gia đình các nạn nhân được nâng lên.

Ngoài tình yêu thương, sự chăm sóc của gia đình, những NNCĐDC cần lắm môi trường phù hợp để sinh hoạt, học tập hòa nhập cộng đồng. Những năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, giúp nạn nhân và gia đình họvượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Chính sự quan tâm đó đã tiếp thêm động lực để các gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn.

Trà Thanh Lành - PCT Thành hội Đà Nẵng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...