Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, nằm khiêm nhường giữa làng quê nghèo làm chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Ở đó, một cũi sắt đang giam giữ một cậu bé gầy yếu, xanh xao – em Nguyễn Duy Anh, cháu nội của ông Lợi. Thấy chúng tôi giật mình sau tiếng hét đinh tai từ trong cũi vọng ra, người ông già nua với mái tóc bạc phơ giải thích trong tiếng thở dài nặng nề: “Do ảnh hưởng của chất độc da cam từ tôi, nên cháu bị câm điếc bẩm sinh, không tự chủ được tiểu giải, không có khả năng làm chủ hành vi. Nếu thả ra, cháu sẽ trốn đi mất. Đã nhiều lần gia đình trắng đêm, xuyên rừng tìm kiếm cháu”.
%20(1).jpg)
Trong giọng kể của người cựu chiến binh già, chúng tôi cảm nhận rõ rệt nỗi đau xé lòng của một người cha, người ông. Ông Lợi nhập ngũ tháng 2 năm 1975, thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 5, Quân khu 7, rồi tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1979, trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương nặng với vết thương tổn hại sức khỏe 31%. Năm 1986, ông xuất ngũ trở về quê hương rồi kết duyên cùng bà Trần Thị Duyên, một người phụ nữ chịu thương chịu khó với niềm hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc sau những tháng ngày chiến tranh khốc liệt.
Nhưng số phận đã không mỉm cười với ông bà. Những di chứng da cam trong những lần ông cùng đồng đội hành quân qua vùng đất bị Mỹ phun rải chất độc hóa học không chỉ dừng lại trên thân thể, mà còn di chứng sang con cháu. Năm người con lần lượt hứng chịu những di chứng nghiệt ngã. Người con gái đầu bị teo tay, hai người con trai sinh đôi là Nguyễn Tài Tú và Nguyễn Tú Tài không được minh mẫn như người bình thường.
Năm 2011, cháu Nguyễn Duy Anh ra đời (con của anh Nguyễn Tú Tài), mang theo di chứng chất độc da cam/dioxin nặng nề từ ông nội. Khi thấy con mình không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác, người con dâu đã bỏ đi không một lời từ biệt. Từ đó, mọi gánh nặng chăm sóc đều đè nặng lên đôi vai ông Lợi và người vợ già yếu, bệnh tật. Mỗi ngày trôi qua là một cuộc chiến không hồi kết với họ, khi vừa phải lo lắng cho đứa cháu bất hạnh, vừa phải tìm cách duy trì cuộc sống với số tiền trợ cấp thương binh ít ỏi và mảnh ruộng trồng mía, trồng ngô.

Trong câu chuyện cảm động, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quyết Tâm, xã Nghĩa Thịnh, người đã gắn bó với bà con nơi đây trong suốt nhiều năm chia sẻ: "Mặc dù là hộ khó khăn nhất của thôn, nhưng gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Lợi luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Ông Lợi đã hy sinh một phần cuộc đời cho đất nước, khi trở về, ông lại phải đối mặt với nỗi đau da cam từ chiến tranh để lại. Bà con trong thôn ai cũng xót xa khi thấy hoàn cảnh gia đình ông. Chúng tôi đã luôn cố gắng động viên, hỗ trợ trong khả năng có thể. Mong rằng cộng đồng sẽ có thêm nhiều sự quan tâm, giúp đỡ để gia đình ông Lợi vượt qua những khó khăn này".
Chúng tôi rời ngôi nhà của ông Lợi với bao nỗi niềm nặng trĩu. Hình ảnh cậu bé xanh xao trong cũi sắt; hình ảnh người thương binh già cặm cụi trên cánh đồng, đôi tay run rẩy, ánh mắt mờ đục lấp lánh những giọt nước mắt lặng lẽ… sẽ mãi là ký ức khó phai trong tâm trí chúng tôi.
Cuộc chiến đã qua đi, nhưng những di chứng của nó vẫn còn đó, không chỉ trên cơ thể mà cả trong tâm hồn của những người lính đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Họ xứng đáng được chúng ta trân trọng và sẻ chia, không chỉ bằng những lời nói, mà còn bằng những hành động thiết thực để giúp họ vượt qua những khó khăn, đau khổ mà cuộc đời đã đặt lên vai họ. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về cháu ngoại Phạm Thị Nhi, số tài khoản 8882508777 – Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Nội dung ghi rõ “Giúp đỡ CCB Nguyễn Văn Lợi”.
Nguồn: Báo Quân khu 4
Bình luận