Sinh năm 1940, là nhiếp ảnh gia tự do, Nakamura thích đi đây đi đó khám phá những vùng đất mới lạ. Sang Việt Nam lần đầu tiên năm 1970 với tư cách là khách du lịch, tại đây, Nakamura có ấn tượng sâu sắc trước những bi kịch chiến tranh mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu. Vì thế, ông đã trở lại Việt Nam vào năm 1973 và bắt đầu tìm hiểu hậu quả của chiến tranh.
Trong những bức ảnh của mình, Nakamura tập trung vào một chủ đề duy nhất: những tổn thương nặng nề cho đất nước và con người Việt Nam do hậu quả của vũ khí sinh học hàng loạt mà quân đội Mĩ sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Nakamura tâm sự rằng những nạn nhân hay những khu rừng đước bị tưới chất độc da cam ở Việt Nam đã gợi lên trong kí ức ông khung cảnh đổ nát của hai thành phố Hiroshima và Nagazaki sau chiến tranh thế giới thứ hai. Theo Nakamura, những thảm kịch do chất diệt cỏ gây ra vẫn tiếp diễn dai dẳng, bám rễ và tấn công từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Từ năm 1976, Nakamura bắt tay vào chụp những bức ảnh về hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam. Những khía cạnh đau thương của cuộc sống được thể hiện chân thực qua ống kính của nhà nhiếp ảnh Nhật Bản: quang cảnh những cánh rừng đước chết khô trơ trụi , những hố bom nham nhở và nhất là những em bé dị tật bẩm sinh trước cái nhìn tuyệt vọng của bố mẹ các em... Đây thực sự là những tư liệu xác thực tố cáo tội ác của chiến tranh.
Đến năm 1982, Nakamura mở rộng đối tượng phản ánh sang cả những binh sĩ Mĩ, những người đã trở về sau chiến tranh và cũng bị nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, Chính phủ Mĩ đã bồi thường tổn thất chiến tranh cho binh lính của họ mà không ngó ngàng tới nỗi thống khổ của người dân Việt Nam . Phẫn nộ trước sự bất công đó, Nakamura quyết tâm đòi lại công lý qua những tấm hình đầy ám ảnh.
Tính đến nay, Nakamura đã thực hiện 35 chuyến đi sang Việt Nam và đã chụp được trên 35 000 bức ảnh về nỗi đau chất độc da cam. Bằng tất cả tâm huyết của mình, ông đã xuất bản cuốn sách tựa đề : Chiến tranh Việt Nam – chất độc da cam. Cuốn sách đã gây xôn xao dư luận Nhật Bản và quốc tế, được bán với số lượng lớn và được tái bản năm 1999. Cùng với đứa con tinh thần của mình, Nakamura đã nhận giải thưởng nhiếp ảnh gia xuất sắc nhất vào năm 1983 của Công ty Nikon và giải thưởng đặc biệt của Hiệp hội báo chí Nhật Bản năm 1995.
Nakamura còn tổ chức rất nhiều triển lãm qui mô lớn nhỏ trên khắp đất nước Nhật Bản. Năm 2000 – 2001, Nakamura cũng đã tổ chức triển lãm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm ủng hộ các tổ chức cứu trợ trẻ em nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam.
Hơn thế , ông còn đưa những bức ảnh khốc liệt này sang triển lãm tại Mĩ - đất nước phải chịu trách nhiệm về hậu quả chiến tranh Việt Nam. Lần đầu tiên là vào năm 1983 và cuộc triển lãm : “ Mùa xuân im lặng – những bức ảnh về chất độc da cam” kéo dài từ 3 - 28/10/2006 tại trường John Jay thuộc trường Đại học New York, gây tiếng vang lớn trong dư luận. Chủ đề của cuộc triển lãm dựa trên cảm xúc từ bức ảnh một bé trai đứng giữa rừng đước trơ trụi lá, héo quắt vì chất diệt cỏ. Bức ảnh được chụp tại mũi Cà Mau năm 1976, một năm sau khi chiến tranh kết thúc. Cậu bé đó giờ đã ngoài 30 tuổi và đang phải nằm liệt giường vì chất độc da cam. Mang đậm giá trị tố cáo là bức ảnh chân dung cặp song sinh dính liền nhau Nguyễn Việt và Nguyễn Đức, ra đời năm 1981.
Thông qua những bức ảnh đen trắng, nhà nhiếp ảnh Nhật Bản muốn gửi gắm một thông điệp về tình yêu và sự chia sẻ với những con người bất hạnh. Người xem như bước vào một thế giới đau thương, nơi mà sự sống đã cạn khô. Những bức ảnh cảm động của Nakamura thực sự đã góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ đòi công lý nhằm giảm bớt nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Đó cũng chính là tâm nguyện một đời của Nakamura.
TH
Bình luận