• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ…

“…Còn chút hơi thở em còn tìm anh. Từ nơi xa xôi, em cầu mong anh luôn được an lành và hạnh phúc. Nếu anh xem được tấm ảnh này, thì anh sẽ nhận ra em ngay, phải không anh?”.

Đó là nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ của cựu nữ TNXP Hoàng Thị Ngọc Điệp (quê ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An, nay thường trú ở tổ 19, Bầu Ốc Thượng, Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) qua lá thư gửi cho người yêu có tên là Thợi, quê Thái Bình. Mong muốn của chị Điệp là thông qua bài báo của tôi, để nếu anh Thợi còn sống, đang ở xã, phường, thị trấn nào của tỉnh Thái Bình, biết rằng chị vẫn thủy chung son sắt chờ đợi anh.

Theo lời chị Điệp kể, đầu năm 1967 trong một lần đi làm nhiệm vụ xa đơn vị tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tình cờ chị gặp và quen biết anh Thợi cũng đang trên đường làm nhiệm vụ. Biết anh khát nước, chị đã đưa cho anh bi đông nước của mình. Nhìn dòng chữ khắc trên bi đông nước “Hoàng Thị Ngọc Điệp”, anh hỏi: Tên em đấy à? Sao nhìn em giống thiếu niên tiền phong vậy? Anh đùa. Tôi đỏ mặt đáp, em mười sáu tuổi, vừa nhập ngũ được nửa năm, em phải khai tăng thêm hai tuổi để được đi thanh niên xung phong đấy. Anh nheo mắt nhìn tôi trong bộ quân phục thùng thình rồi chậm rãi: Em về lên gấu quần vài ba bốn phân để mặc cho vừa, mặc thế đi lại khó khăn vấp ngã thì khổ. Nói đoạn, anh trả lại chiếc bi đông nước, nhưng tôi đã từ chối và bắt anh mang về đơn vị. Anh nói sẽ trở lại trả bi đông nước của anh cho em, vì bi đông nước ấy có tên của anh, còn bi đông nước em tặng, anh sẽ mang theo ra trận…

Hơn một tháng sau, anh Thợi tìm đến đơn vị của chị Điệp cùng chiếc bi đông nước khắc chữ T rất đẹp. Anh nói đủ hai người nghe: Anh tên Thợi, quê Thái Bình. Còn em quê đâu xa? Dạ, em ở thị xã Vinh ạ. Tuyệt nhiên hai người không hỏi nhau về hòm thư và vị trí đóng quân, vì kỷ luật quân đội ngày đó phải giữ bí mật. Anh Thợi đã đi vào trái tim yêu của chị Điệp giản đơn như vậy, khi cả hai cùng song hành vào chiến trường gian khổ và hiểm nguy. Hai tháng sau lần trao bi đông tặng chị, anh Thợi lại tìm đến đơn vị chị, thông báo anh sắp đi B rồi và họ đã có phút giây tâm sự bên nhau. Họ nhìn về nhau mơ về ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất… Khi chia tay, anh dúi vào tay chị một mảnh giấy và nói: Nếu còn sống trở về, anh sẽ đến thị xã Vinh để tìm em. Đây là hòm thư của anh, em giữ kỹ rồi viết thư cho anh nhé… Khi anh đi rồi, chị mới giở thư ra đọc, ngoài hòm thư là những vần thơ của người lính chân tình và mộc mạc, chữ viết rất đẹp, màu mực rất tươi:

Anh muốn rằng em sẽ đợi chờ

Xuân đến, xuân đi cứ làm ngơ?

Biển tình dù nổi cơn giông tố

Mãi mãi… trăm năm vẫn cứ chờ.

Chưa đầy mười bảy tuổi, trái tim của nữ TNXP đã thổn thức tình yêu. Những ngày sau đó, chị bị đồng đội bạn bè trêu chọc và tất cả bực tức của chị dồn vào phút nông nổi khi chị viết thư gửi cho anh, để rồi chính điều này làm chị day dứt mãi. Chị viết:

Em biết rằng, em chẳng đợi chờ/ Xuân đến, xuân đi chẳng làm ngơ/ Biển tình đâu nổi cơn giông tố/ Anh hãy quên đi giấc mộng mơ…

Chiến tranh kết thúc ngày 30/4/1975, anh Thợi không về thị xã Vinh tìm chị. Còn chị Điệp thì sống với thước phim quay chậm và vô cùng day dứt, ân hận. Chị đã không trở về Vinh, mà đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, một gia đình ấm cúng và viên mãn với chồng con, cuộc sống khá dư dả ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nhiều năm qua, chị vẫn giữ chiếc bi đông khắc chữ T và chỉ mình chị hiểu đó là lời ước hẹn tình yêu đầu tiên của tuổi trẻ chị không giữ được cho riêng mình để rồi hoài niệm và day dứt. Chị dành nhiều thời gian về quê hương Thái Bình, nhờ đồng đội quê Ninh Bình, Nam Định tìm anh bộ đội có tên Thợi, nhưng vẫn vô vọng… Mới đây, chị điện thoại cho tôi, giọng run lên nấc nghẹn. Chị nói nhờ Báo Thái Bình chuyển thông điệp của nữ cựu chiến binh Hoàng Thị Ngọc Điệp (cư trú tổ 19, bầu Ốc Thượng, Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, quê gốc Vinh, tỉnh Nghệ An) mong tìm được anh bộ đội tên Thợi quê Thái Bình.

Tôi đi tìm người lính có tên Thợi

Trong số hơn mười vạn hội viên Hội CCB tỉnh Thái Bình có hội viên Vũ Văn Thợi hiện đang sinh sống ở xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương. Ông Thợi sinh năm 1942, nhập ngũ năm 1967. Sau năm 1975 ông Thợi chuyển ngành về công tác ở Trường kinh tế kỹ thuật tỉnh (nay là Trường ĐH Thái Bình), năm 1993 thì về nghỉ hưu.

Tôi tìm về thôn Đắc Chúng, xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương tìm CCB Vũ Văn Thợi. Ở tuổi 77, ông Thợi vẫn nhanh nhẹn. Khi gợi hỏi ông về những kỷ niệm chiến tranh, ông chỉ nhớ về những người đồng đội đã nằm lại chiến trường, không có câu chuyện nào nhắc tới tình yêu đôi lứa và khẳng định chưa một lần gặp và quen biết nữ TNXP Hoàng Thị Ngọc Điệp. Tỉnh Thái Bình có ba liệt sỹ tên Thợi: Liệt sỹ Nguyễn Đức Thợi, quê ở xã An Hiêp, huyện Quỳnh Phụ, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1953 - chắc chắn không phải là người chị Điệp tìm kiếm. Liệt sỹ Giang Văn Thợi quê xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy nhập ngũ năm 1968 đơn vị C10, D16, E282, F367 hy sinh năm 1971 cũng không phải là bạn chiến trường của chị Điệp, vì anh Thợi của chị nhập ngũ năm 1967. Như vậy chỉ còn lại liệt sỹ Vũ Văn Thợi sinh năm 1947, quê xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ nhập ngũ năm 1967 hy sinh năm 1969 có thể là người mà chị Điệp day dứt trăn trở hơn nửa thế kỷ qua.

Tôi chụp lại tờ giấy báo tử liệt sỹ Vũ Văn Thợi và mang theo day dứt của chị Hoàng Thị Ngọc Điệp tìm về gia đình ông Vũ Xuân Hoằng, thôn An Ấp, xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ. Ông Hoằng là em trai liệt sỹ Vũ Văn Thợi cho biết, trước khi nhập ngũ, anh Thợi là con trưởng trong gia đình có 11 anh chị em, tính rất hiền và thanh tú, có tài văn nghệ, giọng nói truyền cảm, có duyên, ai cũng yêu quý. Chụp lại bức chân dung liệt sỹ Vũ Văn Thợi, tôi niệm tâm: “Anh Thợi khôn thiêng, nếu anh là người cuối năm 1967 trước ngày vào miền Nam chiến đấu có ước hẹn yêu chị Hoàng Thị Ngọc Điệp, nữ TNXP - người con gái Nghệ An, thì mách bảo. Hơn nửa thế kỷ qua, chị Điệp vẫn day dứt đi tìm anh, anh Thợi ơi…”. Tôi kết nối điện thoại để ông Hoằng và chị Điệp trực tiếp trao đổi thông tin. Mọi thông tin hai người trao đổi với nhau trùng khớp về liệt sỹ Vũ Văn Thợi. Qua điện thoại, tôi chuyển tới chị Điệp bức chân dung liệt sỹ và em trai liệt sỹ. Từ Hội An, giọng chị Điệp nấc nghẹn: Đúng rồi nhà báo ạ! Đúng là anh Thợi của tôi rồi!

Tôi quá xúc động, nước mắt cứ tuôn trào. Tôi không tin được. “Ôi trời đất! Lại là kết nối âm dương. Bây giờ tôi chỉ ước mong anh Thợi của tôi linh thiêng chỉ cho tôi và gia đình anh ấy phần mộ nơi anh nằm mà tờ giấy báo tử số 420/c do Bộ CHQS tỉnh Thái Bình báo tử ngày 1/8/1974 ghi “Chúng tôi rất thương tiếc báo tin và chứng nhận đồng chí Vũ Văn Thợi, cấp bậc thượng sỹ, chức vụ A trưởng, quê quán xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, sinh năm 1949, nhập ngũ tháng 8/1967 đã hy sinh ngày 19/3/1969 tại mặt trận phía Nam vì sự nghiệp chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Thi hài đã mai táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”.

Vượt chặng đường gần 800 km từ Hội An ra Thái Bình cũng là một thử thách với chị Điệp bởi tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng nỗi day dứt suốt 52 năm qua của chị bây giờ đã thỏa nguyện...

Về An Ấp vỡ òa trong nước mắt

Chiều ngày 11/9/2019, tôi dùng xe máy chở chị Hoàng Thị Ngọc Điệp về gia đình ông Vũ Văn Hoằng, em trai và là người thờ cúng liệt sỹ Vũ Văn Thợi, ở thôn An Ấp, xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ. Và tôi đã chứng kiến cuộc gặp gỡ nồng thắm yêu thương, ngập tràn nước mắt. Không chỉ có vợ chồng ông Hoằng đón chị Điệp mà đông đủ anh em của liệt sỹ Vũ Văn Thợi, có cả đại diện dòng họ Vũ thôn An Ấp cũng dành tình cảm yêu thương cho người con gái xứ Nghệ mà trước đó họ đã cập nhật thông tin qua báo Thái Bình. Hai em gái của liệt sỹ Vũ Văn Thợi là Vũ Thị Xuân, Vũ Thị Tuyến cùng những người em dâu của liệt sỹ Thợi cứ ôm chầm lấy chị Điệp mà khóc. Giọt nước mắt của yêu thương, sẻ chia và đồng cảm thật khó diễn tả trong cuộc gặp gỡ này.

Bà Vũ Thị Xuân 67 tuổi, người em gái thứ 4 của liệt sỹ Thợi đang sống đơn thân, nức nở: Chị ơi từ hôm nghe tin anh Thợi có người yêu ra thăm và thắp hương cho anh, chúng em mong lắm. Không làm chị dâu, giờ chị là chị gái của chúng em nhé. Còn bà Vũ Thị Tuyến 60 tuổi, em gái thứ 7 của liệt sỹ Thợi thì nói: Chị ra thắp hương cho anh, chúng em cảm thấy như anh Thợi đã về đến nhà. Nay chị thay anh, để chúng em có thêm người chị gái. Ông Vũ Văn Hoằng 71 tuổi, em trai và là người thờ cúng liệt sỹ Vũ Văn Thợi cùng ông Vũ Văn Xuyến, em thứ ba của liệt sỹ nghẹn lòng: Không ai thủy chung như chị. Chị về thắp hương cho anh Thợi chẳng khác nào anh Thợi được trở về với gia đình...

Chị Hoàng Thị Ngọc Điệp nâng niu bức di ảnh liệt sỹ Vũ Văn Thợi trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Anh ơi, em tìm anh 52 năm rồi, sao anh không thực hiện lời ước hẹn về tìm em, để em mỏi mòn chờ đợi…! Em đã tìm đến quê hương An Ấp và tìm được anh rồi”. Rồi chị đọc bài thơ: “Dẫu rằng đũa chẳng thành đôi/ Nhớ lời hẹn ước một đời thương anh/ Em tìm về dấu chân anh/ Các em vui đón ôm nhau khóc òa”.

Thực hiện xong tâm nguyện thắp hương và nói lời của yêu thương với liệt sỹ Vũ Văn Thợi, chúng tôi cùng chị Điệp đến thắp hương cho bố mẹ của anh, trước vong linh bậc sinh thành liệt sỹ, chị Điệp khấn: “Nếu không vì chiến tranh thì con đã là con dâu của bố mẹ và được tôn thờ bố mẹ từ mấy chục năm rồi, nay con xin làm con gái một lòng tôn kính bố mẹ thay người mà con yêu anh Vũ Văn Thợi ”. Con xin lạy ba lạy này kính dâng! Rồi chị tới dâng hương tại Đền thờ liệt sỹ ở TP Thái Bình - nơi liệt sỹ Vũ Văn Thợi đang được phụng thờ cùng với 52.000 liệt sỹ của tỉnh Thái Bình tại đây…

Trước khi trở lại Hội An, nữ cựu TNXP nắm chặt tay tôi nói, dù anh Thợi đã không còn nhưng quê hương An Ấp, những người thân của anh Thợi và quê hương Thái Bình đã dành cho chị vòng tay thắm thiết, sự yêu thương sẻ chia và chị sẽ tiếp tục cuộc hành trình tâm đức với liệt sỹ Vũ Văn Thợi, để trọn vẹn tình yêu thời hoa lửa./.

Nguyễn Công Liêm

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác