• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nỗi trăn trở của một gia đình nạn nhân chất độc da cam

Có dịp tiếp xúc với những gia đình nạn nhân chất độc da cam, bệnh tật nặng chúng ta mới cảm thông được nỗi đau khổ sâu thẳm của họ, nhất là những gia đình mà cả nhà đều là nạn nhân, tự chăm sóc cho nhau, người bệnh nhẹ lo cho người bệnh nặng , không khí gia đình thật nặng nề. Gia đình bà Lê Thị Hiếu (thường gọi là bà Bé Ba), sinh năm 1958, ở ấp Giáp Nước, xã Phước Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bản thân bà và đứa con gái duy nhất đều là nạn nhân chất độc da cam, là một minh chứng cụ thể.  

 

Hai mẹ con bà Lê Thị Hiếu (Bé Ba) trước cửa ngôi nhà nhỏ.

 

Nghe bà Bé Ba kể chuyện về cuộc đời mình, chúng tôi nghe toàn là gặp trắc trở, gian nan, lận đận trong cuộc sống ít được may mắn như bao người phụ nữ khác cùng lứa tuổi. Năm 1970, bà tham gia du kích xã Thạnh Phú, năm 1972, trong một lần đi công tác làm giao liên cho bộ đội, bị nổ lựu đạn và bị thương nặng ở chân, đến năm 1975 - ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bà làm nhân viên hợp tác xã mua bán tại địa phương. Năm 2017, do vết thương cũ ở chân tái phát và bị hoại tử bà phải cắt đi một chân, hiện nay bà là thương binh hạng 2/4 và còn nhiều bệnh khác trong cơ thể, đau xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bướu tuyến giáp, cắt bỏ mật…. Được biết, năm 1980, sau khi sinh con, chồng bà thấy đứa con mắc bệnh bẩm sinh, tật nguyền đã bỏ gia đình đi biệt dạng để lại cho bà gánh nặng triền miên, một chân đi trên đường đời phải đối mặt với vô vàn khó khăn, vất vả trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày, vừa tự lo cho bản thân vừa phải lo cho con trong khi cả hai mẹ con bà đều nạn nhân chất độc da cam.

Có thể nói, hiện nay khó khăn lớn nhất đối với bà Bé Ba là một mình phải thường xuyên chăm sóc cho đứa con gái duy nhất của bà là Nguyễn Thị Thu Hồng, sinh năm 1979, là nạn nhân chất độc da cam, mắc bệnh bẩm sinh từ nhỏ, teo cơ tay chân, tâm thần, phải ngồi xe lăn. Hơn 40 tuổi mà không tự lo được bản thân, sinh hoạt hàng ngày mọi thứ đều một tay người mẹ già lo liệu, gánh vác. Những lúc Nguyễn Thị Thu Hồng phát cơn động kinh, bệnh tật hoành hành dữ dội, la ó thâu đêm bà càng vất vả hơn, không sao chợp mắt được. Cả hai mẹ con đang sống trong một căn nhà tình nghĩa nhỏ, đơn sơ ở ngoại ô thành phố Mỹ Tho do chính quyền địa phương xây tặng năm 2011; không đất đai canh tác, không có khả năng lao động dù là lao động nhẹ. Hàng tháng, cái ăn, cái mặc, thuốc men và mọi thứ trong cuộc sống gia đình bà chỉ chông trờ vào khoản tiền trợ cấp của nhà nước theo chế độ thương binh, trợ cấp người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Có lẽ cái lo nhiều nhất và tốn kém nhiều đó là tiền thuốc cho bản thân bà và đứa con Nguyễn Thị Thu Hồng.

Bà Bé Ba tâm sự: “Có nhiều đêm không ngủ được tôi cứ suy nghĩ mãi không biết mình phải làm thế nào đây, con thì bệnh nằm suốt trên giường không biết gì hết, mọi sinh hoạt trong nhà phải ngồi xe lăn, thấy tội nghiệp quá; trong khi bệnh trong người tôi ngày một nặng thêm, sức khỏe của mình ngày một yếu dần, đi đứng làm việc nhà chỉ còn một chân không biết sau này nếu tôi bệnh phải nằm một chỗ hoặc không còn nữa…thì cháu Hồng biết phải làm sao đây, ai lo cho nó, càng nghĩ tôi càng thấy bế tắc…”.

Ông Nguyễn Văn Tư, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết: Hoàn cảnh của bà Bé Ba rất khó khăn, là gia đình thuộc diện chính sách nên Hội thành phố đặc biệt quan tâm, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ gia đình kịp thời.

Gia đình bà Bé Ba rất cần sự cảm thông, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần để gia đình có thêm điều kiện và nghị lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Mọi sự giúp đỡ xin vui lòng liên hệ: bà Lê Thị Hiếu, ở ấp Giáp Nước, xã Phước Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang hoặc ông Phạm Văn Na, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; Địa chỉ: Số 13, Huỳnh Tịnh Của, Phường 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; số điện thoại ông Phạm Văn Na: 0975.927.154./.

Lê Huỳnh
Hội tỉnh Tiền Giang

                                                                    

 

 

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...