Đó là lời kể của chị Vương Thị Quyên - một nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam, người đại diện cho hàng triệu phận người đang mang trên mình những di chứng nặng nề của chiến tranh.
Trong khuôn khổ chương trình giao lưu "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", đánh dấu 50 năm ngày thống nhất đất nước, chị Quyên đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời đầy nước mắt nhưng cũng sáng lên nghị lực phi thường.
Quang cảnh chương trình giao lưu "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" trên tàu Hòa Bình (Ảnh: Nguyễn Dương).
Chị sinh ra tại mảnh đất Quảng Bình, bình thường như bao đứa trẻ. Nhưng đến năm 9 tuổi, gia đình phát hiện chị bị u gù, cong vẹo cột sống bẩm sinh. Nguyên nhân là do di chứng chất độc da cam mà cha chị mang trong người từ những năm tháng tham chiến ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, nơi quân đội Mỹ từng rải dioxin xuống đất mẹ Việt Nam.
"Gia đình tôi đưa tôi đi chạy chữa nhiều nơi nhưng không có cách nào chữa khỏi. Cơ thể tôi ngày càng gầy gò, ốm yếu, và tôi sống trong những cơn đau hành hạ. Có những lúc tôi tưởng như gục ngã, tuyệt vọng, nhưng tôi không cho phép mình đầu hàng", chị Quyên nói trong xúc động.
Bị kỳ thị, bị nói ra nói vào vì ngoại hình khác biệt, chị Quyên đã chọn cách sống bằng nghị lực. Chị học tập chăm chỉ, giữ tinh thần lạc quan và cuối cùng giành học bổng ngành báo chí - truyền thông tại Đại học NILM (Ấn Độ), tốt nghiệp loại giỏi.
Chị Quyên chia sẻ câu chuyện của bản thân tại sự kiện trên tàu Hòa Bình (Ảnh: Nguyễn Dương)
Ra trường, chị Quyên trở về phục vụ cộng đồng, làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - nơi chị cho biết, mình "gặp những người còn đau đớn hơn mình rất nhiều".
"Tôi có thể nghe, nói, đi lại được, nhưng nhiều nạn nhân khác thì không. Họ sống trong tăm tối cả về thể xác lẫn tinh thần. Chất độc da cam đã len vào máu thịt, để lại bao thế hệ bị tật nguyền, gánh nặng đè lên vai gia đình và xã hội", chị Quyên chia sẻ.
Chị Vương Thị Quyên không chỉ kể câu chuyện của mình, mà còn lên tiếng cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Chị nhấn mạnh rằng hòa bình không chỉ là chấm dứt chiến tranh, mà còn là sự hiện diện của công lý, bình đẳng và phát triển bền vững.
"Chúng tôi - những nạn nhân chất độc da cam - là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Chúng tôi cần sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng trong nước và quốc tế để xoa dịu nỗi đau, để có thêm niềm tin sống tiếp những ngày còn lại", chia sẻ của chị Quyên khiến nhiều đại biểu xúc động.
Trong lời kêu gọi xúc động, chị gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Hãy cùng nhau đoàn kết, xóa bỏ vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và chấm dứt những cuộc chiến gây đau thương cho nhân loại.
Chị không quên nhắc đến những nạn nhân bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki - những người bạn đồng cảnh ngộ mà chị thấu hiểu và cảm thông sâu sắc.
"Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương thịt da và tinh thần vẫn còn đó. Tôi hy vọng, thế hệ tương lai sẽ không phải chứng kiến thêm cảnh chia ly, mất mát nào nữa. Hãy cùng nhau xây dựng một thế giới nơi mỗi người được sống đúng nghĩa là một con người", chị Quyên hy vọng và kêu gọi mọi người.
Cảm xúc dâng trào hơn khi bà Kuramori Terumi, người sống sót sau thảm họa hạt nhân tại Nagasaki, đại diện tổ chức Nihon Hidankyo - đơn vị vừa được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2024 - đã lặng lẽ lau nước mắt sau khi lắng nghe câu chuyện của chị Quyên.
Bà Kuramori Terumi chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Nguyễn Dương).
"Tôi đến đây để kể lại câu chuyện của chính mình, và tôi đã tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc từ những người bạn Việt Nam - cũng là nạn nhân của chiến tranh. Chúng tôi cùng mang một khát vọng: xây dựng một thế giới hòa bình, nơi không ai còn phải chịu nỗi đau từ những vũ khí hủy diệt", bà Terumi phát biểu.
Khép lại buổi giao lưu, giữa những giọt nước mắt rơi trên con tàu Hòa Bình, câu chuyện của chị Vương Thị Quyên đã không chỉ chạm đến trái tim người nghe, mà còn khơi dậy hy vọng rằng, ngay trong bóng tối khốc liệt nhất của chiến tranh, con người vẫn có thể tìm thấy ánh sáng - bằng lòng tin, tình yêu thương và khát vọng hòa bình bền vững cho nhân loại.
Như đã đưa tin, ngày 30/4, chương trình giao lưu quốc tế "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" đã diễn ra trên con tàu Hòa Bình đến từ Nhật Bản, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh).
Sự kiện do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) phối hợp với Tổ chức tàu Hòa Bình (Peace Boat) và hai tổ chức từng nhận giải Nobel Hòa bình là Nihon Hidankyo và Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) tổ chức, nhằm kêu gọi hành động toàn cầu vì hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tàu Hòa Bình cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vào sáng 30/4 (Ảnh: Nguyễn Dương)
Tàu Hòa Bình (Peace Boat) là tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Nhật Bản, hoạt động với mục tiêu thúc đẩy hòa bình, nhân quyền và phát triển bền vững. Chuyến đi đầu tiên của Peace Boat được khởi hành năm 1983. Chuyến hải trình năm 2025 khởi hành từ Yokohama, Nhật Bản là chuyến thứ 120 của tàu Hòa Bình và Hạ Long, Việt Nam là điểm đến thứ 4.
Trong hải trình này, Tổ chức tàu Hòa Bình dự kiến triển khai một dự án đặc biệt kỷ niệm 80 năm kể từ khi kết thúc thế chiến II với chủ đề "Thời khắc cho hòa bình" (Time for Peace).
Nguồn: Báo Dân trí
Bình luận