• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

ÔNG “DA CAM”

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (khi đương nhiệm) đã nhiều lần thân mật gọi Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh là ông “Da cam”! Đó cũng là “danh hiệu” mà nhiều người dành tặng Thượng tướng Nguyễn văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin Việt Nam.

Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh sinh năm 1942 ở thôn Đồng Kênh, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Trong thời kỳ đất nước còn nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, tuổi thơ của ông đầy khó khăn vất vả với những mất mát, thương đau. Ngày 08/10/1950, Bố ông - người đảng viên, đội phó du kích thôn Đồng Kênh – đã hy sinh trong một trận chống càn của thực dân Pháp.

Tiếp bước truyền thống của gia đình, tháng 2/1961 ông nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn Pháo binh 54/Sư đoàn 320. Ông đã tham gia nhiều trận đánh như: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Ái Tử, Cửa Việt, Đường 9, Khe Sanh, Đắc Pét, Thượng Đức... những địa bàn mà Mỹ đã phun rải hàng triệu lít chất độc hóa học. Trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, ông cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, hành quân thần tốc dọc miền Duyên hải và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông cùng đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ biên giới phía Bắc.

Từ người chiến sĩ pháo binh, trưởng thành qua chiến tranh cách mạng, ông đã phát triển thành cán bộ Trung đoàn, Sư đoàn, Tư lệnh Quân đoàn 2, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng thời đảm nhiệm nhiều trọng trách mà Đảng và Quân đội giao phó[1]. Với những thành tích trong chiến đấu và xây dựng Quân đội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Độc lập hạng Nhì (2010); Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương Lao động hạng Ba…

Bước ra từ khói lửa chiến tranh, nên trong thời bình, mặc dù công việc bận rộn nhưng ông vẫn luôn quan tâm đến chính sách, hậu phương quân đội, công tác “đền ơn đáp nghĩa”, những mảnh đời bất hạnh do hậu quả của chiến tranh gây ra. Ông tâm sự: “Cuộc đời tôi như một bộ phim nhiều tập; tuổi thơ đã phải chứng kiến cảnh người cha thân yêu ra đi trong một trận chống càn; vào quân ngũ chiến đấu cùng đồng đội, nếm trải từng cơn sốt rét rừng, chia nhau từng nắm cơm, điếu thuốc, chứng kiến bao đồng đội hy sinh, nhiều lần máy bay địch phun rải chất độc hóa học... Vì thế tôi rất nặng lòng và thấu hiểu những mất mát của chiến tranh, nỗi đau của hàng triệu gia đình thương binh, liệt sĩ, NNCĐDC,...”. Có lẽ, đó cũng là một nguyên nhân quan trọng để ông trở thành vị tướng đôn hậu, luôn điềm tĩnh, nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc, kiên định, vững vàng. Những quá khứ gian khổ, hào hùng đó đã tiếp thêm nghị lực để khi được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ nhưng ông vẫn tiếp tục cống hiến cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đến với Ngôi nhà nghĩa tình “Da cam”

Chiến tranh ngày một lùi xa, nhưng “nỗi đau da cam” thì còn lâu dài. Đến nay, cả nước vẫn còn hàng triệu NNCĐDC. Do tính chất di truyền, hàng vạn trẻ em là con đẻ, cháu, chắt của người hoạt động kháng chiến bị di nhiễm chất độc da cam/dioxin dẫn đến dị dạng, dị tật bẩm sinh; nhiều nạn nhân đang từng giờ, từng ngày quằn quại, vật vã đau đớn vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin. Họ là những người “nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Mặc dù Đảng, Nhà nước có nhiều chế độ chính sách chăm lo đến người có công với cách mạng, trong đó có người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, nhưng chưa thể bù đắp những đau thương, mất mát và đau khổ của họ; rất cần sự “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” của toàn xã hội. Thấu hiểu tình hình đó, năm 2008, khi mới nghỉ hưu, được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng giới thiệu ra làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đã chấp nhận. Ông tâm sự: “Là người trực tiếp chứng kiến những “cơn mưa” chất độc hóa học do máy bay Mỹ phun rải trên chiến trường, những cánh rừng Trường Sơn trụi lá, những nỗi bất hạnh, khổ đau của NNCĐDC và gia đình họ, nên khi được giới thiệu ra làm việc ở Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tôi đã nhận lời ngay. Hơn nữa, mình còn sức khỏe, có kinh nghiệm công tác thì phải tiếp tục cống hiến; tôi luôn đau đáu thấy mình còn “nợ” đồng đội một điều gì đó” .

Trên cương vị Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đã cùng Ban Thường vụ, Thường trực chủ động tham mưu cho Đảng, Chính phủ về vận động nguồn lực hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC; đẩy mạnh đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam và tham gia xây dựng chế độ, chính sách liên quan đến người có công và NNCĐDC.

Trước yêu cầu phải tăng cường giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh, đòi hỏi sự “vào cuộc” tích cực hơn của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã hội, Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh đã tích cực chỉ đạo việc tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng cần thiết ban hành một chỉ thị để lãnh đạo nhiệm vụ này. Theo đó, ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Đây là Chỉ thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh và tạo điều kiện cho Hội NNCĐDC/dioxin nâng cao hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh còn chỉ đạo việc tham gia xây dựng các chỉ thị, văn bản pháp luật liên quan đến người có công và NNCĐDC, như: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Quyết định số 2215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam (giai đoạn 2021 - 2030); Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó quy định cụ thể về các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Đó là những văn bản quan trọng chỉ đạo nhiệm vụ khắc phục thảm họa da cam đối với môi trường và thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con, cháu của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Những năm qua, Chỉ thị 43-CT/TW và các văn bản pháp luật đó đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, tạo điều kiện để NNCĐDC nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần, từng bước hòa nhập cộng đồng.

Tấm gương sáng hết lòng vì NNCĐDC

Với phương pháp, tác phong công tác sâu sát, tinh thần trách nhiệm cao, Chủ tịch Hội Nguyễn Văn Rinh thường xuyên bám sát cơ sở, trực tiếp thăm hỏi, tặng quà cho hàng nghìn NNCĐDC ở các địa phương trong cả nước. Ở tuổi “xưa nay hiếm” ông vẫn có mặt ở nhiều vùng miền của đất nước; từ những bản làng hẻo lánh xa xôi nơi biên giới phía Bắc đến những xóm chài nhỏ bé ven biển. Hình ảnh của ông ngậm ngùi trong những căn nhà nhỏ bé, xiêu vẹo, hay bên giường bệnh nghèo nàn của NNCĐDC đã làm lay động tình cảm, lương tâm, trách nhiệm của cộng đồng xã hội.

Cũng nhờ đó ông luôn thấu hiểu được nỗi đau khổ, vất vả, những tâm tư, nguyện vọng của NNCĐDC... từ đó đề xuất chủ trương, biện pháp chỉ đạo, giải quyết thấu tình, đạt lý. Từ thực tế còn nhiều cựu chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, tuổi cao, sức khỏe yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, song chưa được hưởng chế độ vì không đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định, ông đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, thậm chí xem xét thực chứng, giải quyết một số trường hợp cụ thể. Nhờ vậy, nhiều người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị di nhiễm đã được hưởng chế độ. Những việc làm ấy của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng NNCĐDC và cán bộ hội, hội viên các cấp.

 

\

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh tặng quà NNCĐDC tại Sóc Trăng (năm 2019)

Phong trào “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và Phong trào thi đua “Vì NNCĐDC” do Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam khởi xướng được ông chỉ đạo cụ thể hóa mục tiêu, biện pháp thực hiện cho từng năm, từng giai đoạn ở các Hội và lan tỏa rộng khắp đến các ngành, các cấp, các địa phương. Nhờ vậy, nhiều hoạt động nghĩa tình, hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC được các cấp các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế nhiệt tình ủng hộ. Đến nay, các cấp hội đã vận động được hơn 3.100 tỷ đồng; trong đó đã chi xây dựng hơn 7 nghìn ngôi nhà tình nghĩa; trợ cấp hơn 15 nghìn suất học bổng; trợ cấp khó khăn, thăm hỏi trong dịp lễ tết, khám chữa bệnh, cấp vốn sản xuất và tổ chức xông hơi, giải độc, phục hồi chức năng... cho hàng chục vạn NNCĐDC.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặc thù của Hội mà Thượng tướng Rinh luôn trăn trở là: làm gì để cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC đạt hiệu quả cao và mang lại quyền lợi thiết thực cho nạn nhân? Nhận rõ những khó khăn trong vụ kiện các công ty hóa chất đã sản xuất và cung cấp “chất diệt cỏ” cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, ông đã chỉ đạo việc phối hợp với một số cơ sở nghiên cứu khoa học và một số nhà khoa học tổ chức hội thảo để nghiên cứu, chuẩn bị các luận cứ khoa học; đồng thời thúc đẩy Tòa án ở Hoa Kỳ và Pháp mở các phiên tòa xét xử đơn kiện của NNCĐDC Việt Nam. Ông đã trực tiếp cùng một số nạn nhân sang Hoa Kỳ để tham dự phiên tòa xét xử 37 công ty hóa chất của Hoa Kỳ. Ngày 15-16/5/2009, Tòa án Lương tâm quốc tế ở Paris mở phiên xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ - bà Trần Tố Nga làm nhân chứng. Tòa kết luận: Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất độc da cam/dioxin, hậu quả của nó có thể coi là “diệt chủng” môi trường ở Việt Nam; các công ty hóa chất Mỹ là tòng phạm trong chiến tranh. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất cung cấp chất độc hóa học phải bồi thường cho NNCĐDC Việt Nam; có trách nhiệm làm sạch môi trường, tẩy sạch dioxin khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc ở Việt Nam.

Mặc dù kết quả chưa được như mong muốn, nhưng cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, làm thức tỉnh trách nhiệm và lương tâm của nhân loại; phong trào đấu tranh ở nhiều nước đòi Mỹ phải có trách nhiệm đối với NNCĐDC Việt Nam chưa bao giờ ngưng nghỉ. Đến nay, Hoa kỳ đã phối hợp với Việt Nam hoàn thành tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát (Bình Định), đang thực hiện ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Chính phủ Mỹ đã thỏa thuận thúc đẩy Chương trình hỗ trợ người khuyết tật trong đó có NNCĐDC ở vùng bị phun rải nặng chất độc da cam (giai đoạn 2016 – 2020 ở 6 tỉnh và giai đoạn 2021 – 2022 ở 8 tỉnh).

Hiện nay, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh vẫn khẳng định quyết tâm và thường nhắc nhở cán bộ Hội các cấp: “phải kiên trì đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam”; đồng thời, chỉ đạo tiếp tục đấu tranh bằng những phương thức, hình thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và luật pháp quốc tế. Đặc biệt, là tiếp tục ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga bằng cả vật chất và tinh thần.

Xây dựng Hội vững mạnh

Trên cương vị Chủ tịch Hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đã chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Hội ở các tỉnh chưa thành lập và mở rộng tổ chức Hội ở cấp huyện, cấp xã với phương châm “ở đâu có nạn nhân, ở đó có tổ chức hội”. Vì thế, trong ba nhiệm kỳ do ông làm Chủ tịch, tổ chức Hội các cấp đã không ngừng lớn mạnh, hình thành một mạng lưới rộng khắp đến cấp huyện, xã và nhiều thôn ấp, tổ dân phố.

Đến nay, Hội NNCĐDC/dioxin thành viên đã được tổ chức ở 63/63 tỉnh, thành phố; 613 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; 6.730 xã, phường, thị trấn và hàng nghìn chi hội ở thôn, bản, tổ dân phố với trên 400.000 hội viên. Quỹ NNCĐDC/dioxin đã được thành lập ở Trung ương và 40/63 tỉnh, thành phố, 108 quận, huyện, 539 xã, phường. Có 26 Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC ở cấp Trung ương và các tỉnh. Vai trò, uy tín của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam ngày càng được khẳng định, xứng đáng với vị trí là hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, và là chỗ dựa tin cậy của hàng triệu NNCĐDC Việt Nam.

Là Chủ tịch Hội, mặc dù công việc bận rộn nhưng Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh luôn quan tâm xây dựng cơ quan Trung ương Hội đoàn kết, ổn định, trong sạch, vững mạnh, làm cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Vì thế, trong Cụm Thi đua các tổ chức xã hội, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu, nhiều năm được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý[2]. Ông luôn chú trọng rèn luyện đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhiều lần ông nhắc nhở cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương Hội: “Đến với Hội là đến với NNCĐDC, đến để dâng hiến, tri ân đồng đội. Vì thế, mỗi cá nhân phải nêu cao truyền thống Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì NNCĐDC, tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Hội, không được làm điều gì trái với lương tâm, đạo đức”. Bản thân ông luôn là tấm gương sáng về đạo đức, là trung tâm của sự đoàn kết, thống nhất; hết lòng vì công việc, làm việc vừa có nguyên tắc, vừa có lý, có tình; không “đao to, búa lớn” nhưng mọi người đều kính trọng, nể phục và tin yêu. Với số tiền thù lao ít ỏi hằng tháng, ông đã bỏ ra mỗi tháng 01 triệu đồng để tặng NNCĐDC. Năm 2022, ông đã 80 tuổi, nhưng mắt vẫn sáng, giọng nói mạch lạc. Do tuổi cao, sức khỏe có hạn, ông đã nhiều lần đề nghị xin được nghỉ, nhưng vì nhiều lý do nên ông vẫn phải gánh vác công việc nhân đạo, khó khăn này.

Kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương, hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đã có nhiều công lao đóng góp với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Với hơn 15 năm trên cương vị Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, hoạt động của Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh gắn liền với quá trình phát triển, trưởng thành của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam. Tên gọi ông “Da cam” đã nói lên tất cả sự kính trọng, gần gũi của mọi người đối với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Người cán bộ trung kiên của Đảng; một tấm gương điển hình, sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng; một người cán bộ mẫu mực, hết lòng vì NNCĐDC Việt Nam./.

Mạnh Dũng

[1] - Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VIII, IX); Đại biểu Quốc hội Việt Nam (khóa X, XI, XIII); Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN (khóa VII, VIII, IX); Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, nhiệm kỳ II (2008-2013), nhiệm kỳ III (2013-2018), nhiệm kỳ IV (2018 – 2023).

[2] - Năm 2011, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2016, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 2021, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba...

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MBBank tổ chức phát động Chiến dịch Tết vì nạn nhân chất độc da cam với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn”. Với ...