• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Quân đội tiếp tục thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam

Khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả chất độc hóa học/dioxin nói riêng là vấn đề mang tính chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và chỉ đạo sâu sát.

Quán triệt các chỉ thị của Đảng, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 701) đã chủ động, tích cực phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chung của Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam. Nổi bật là, trong giai đoạn 2016 - 2022, Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện thành công dự án xử lý đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin ở sân bay Đà Nẵng, bắt đầu tổ chức xử lý đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin ở sân bay Biên Hòa, sân bay ASo (huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế); tổ chức điều tra, đánh giá các điểm nghi ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tại Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và các sân bay dã chiến cũ thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9 và một số khu vực khác để xác định các biện pháp phòng, ngừa, giảm thiểu tác động.


Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh ký kết Chương trình Phối hợp hoạt động giữa Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, giai đoạn 2021-2026

Cùng với việc tập trung triển khai các hoạt động xử lý môi trường ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin, Bộ Quốc phòng đã tổ chức thực hiện chế độ, chính sách cho các nạn nhân thuộc đối tượng quản lý, bảo đảm theo văn bản quy định, hướng dẫn của Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; tổ chức thực hiện dự án Điều tra giải mã các đơn vị lực lượng vũ trang hoạt động trong các vùng bị Quân đội Mỹ phun rải dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam để làm cơ sở xác định, thực hiện chính sách, chế độ cho người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Năm 2021, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt và chỉ đạo Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam triển khai dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc hóa học tại 08 tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh). Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ trực tiếp 60.000 người tại 8 tỉnh bị phun rải nặng chất da cam/dioxin, trong đó khoảng 45.000 người sẽ được cải thiện các chỉ số chất lượng cuộc sống.

Tăng cường phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội trong việc giúp đỡ nạn nhân cũng được lãnh đạo Bộ Quốc phòng quan tâm thương xuyên. Cụ thể, đã hỗ trợ xây dựng, ủng hộ kinh phí hoạt động cho Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội); chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với Hội trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền Ngày Vì Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8) hằng năm. Năm 2021, Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp số 4536/CT-CQTT-VAVA ngày 15/11/2021 giai đoạn 2021-2026, trong đó xác định các nội dung trọng tâm, giải pháp đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, thống nhất để tăng cường phối hợp trong thời gian tới.

Bộ Quốc phòng đã đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin thông qua việc lồng ghép nội dung này vào các hoạt động đối ngoại quốc phòng, đặc biệt là các buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng với đối tác quốc tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Qua đó, cùng với các bộ, ngành liên quan vận động thành công Chính phủ Hoa Kỳ tăng nguồn vốn ODA không hoàn lại cho dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa từ 183 triệu USD lên 300 triệu USD; Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho NACCET các trang thiết bị phân tích dioxin và môi trường với kinh phí hơn 2,7 triệu USD; hợp tác với Tập đoàn Shimizu/Nhật Bản và Tập đoàn Haemers/Bỉ để triển khai các hoạt động thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, góp phần nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị chức năng của Quân đội trong nghiên cứu, làm chủ công nghệ.

Thời gian tới, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/doxin sau chiến tranh ở Việt Nam tiếp tục còn nhiều việc phải làm. Điểm nóng lớn nhất bị ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa mới bắt đầu thực hiện, dự kiến có thể mất 10 năm mới hoàn thành. Khu vực ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát mới chỉ cô lập an toàn, chưa được xử lý triệt để. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn hơn 3,2 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần được chăm sóc sức khỏe, bảo đảm việc làm và cuộc sống; chưa xây dựng được chế độ chính sách cho nạn nhân thế hệ thứ 3 và các thế hệ tiếp theo. Để tiếp tục triển khai thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 28/12/2021. Đồng thời ban hành Quyết định số 2452/QĐ-BQP ngày 04/7/2022 để triển khai kế hoạch giai đoạn 2021 - 2030; Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin. Chú trọng tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế có liên quan, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin; tổ chức các dự án, chương trình, nhiệm vụ truyền thông về những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam và các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các văn bản quy định của Bộ Quốc phòng về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin; tiếp tục tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông kết quả hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin theo Ý định thư đã ký giữa Văn phòng 701 và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID).

Hai là, tổ chức rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định của Bộ Quốc phòng thực hiện công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin. Tập trung tổ chức rà soát, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định của Bộ Quốc phòng để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản, quy định của Nhà nước, Chính phủ có liên quan về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với con người và môi trường; tổ chức xây dựng các văn bản quy định của Bộ Quốc phòng để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với con người và môi trường, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ xử lý chất độc hóa học/dioxin; kiểm soát các nguy cơ phơi nhiễm, ngăn chặn gia tăng nạn nhân. Tập trung hoàn thành dự án Xử lý ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So trước năm 2023; hoàn thành xử lý dioxin tại khu vực sân bay Phù Cát trước năm 2025; hoàn hành xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa trước năm 2030; tiếp tục tổ chức thực hiện các dự án, nhiệm vụ điều tra, đánh giá, khoanh vùng, xử lý kịp thời chất độc hóa học/dioxin, chất độc CS để không gia tăng nạn nhân; tổ chức thực hiện các biện pháp phù hợp, hiệu quả để kiểm soát các nguy cơ phơi nhiễm đối với con người, môi trường.

Bốn là, tổ chức, phối hợp bảo đảm chế độ, chính sách đối với nạn nhân. Chú trọng tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Trước mắt, tổ chức thực hiện dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam/dioxin bảo đảm tiến độ, chất lượng đã được phê duyệt. Tiếp tục trao đổi với cơ quan chức năng của Hoa Kỳ, các cơ quan, đơn vị liên quan để xác định nguồn vốn cho Dự án Mở rộng cải thiện chất lượng sống của các nạn nhân tại các địa phương giai đoạn 2, lập dự án, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định.

Năm là, tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin. Trong đó, tăng cường quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 trong chỉ đạo, phối hợp liên ngành; kiện toàn tổ chức, đào tạo, bố trí cán bộ phù hợp, đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, tiếp tục xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin, đảm bảo đến năm 2025 Văn phòng 701, NACCET và các cơ quan, đơn vị trong Quân đội được nâng cao năng lực ở mức tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đánh giá, phân tích, quan trắc, kiểm soát, xử lý, quản lý hiệu quả các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin; tổ chức nghiên cứu lồng ghép xây dựng các trung tâm chăm sóc, chữa trị, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học/dioxin ở các bệnh viện Quân y tại Hà Nội, miền Trung và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức nghiên cứu áp dụng các mô hình tiến tiến trong chăm sóc, chữa trị, phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng sống của nạn nhân. Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với sức khỏe con người, môi trường; tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ kiểm soát, xử lý ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin.

Sáu là, tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác trong nước, quốc tế khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin. Trước mắt, tăng cường vận động nguồn vốn trong nước và quốc tế cho xử lý dioxin tại khu vực sân bay Phù Cát; xử lý toàn bộ khu vực ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa; mở rộng cải thiện chất lượng sống của các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin tại địa phương giai đoạn 2; đẩy mạnh truyền thông về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin; tăng cường năng lực cho các cơ quan trong Quân đội trong đánh giá, phân tích, quan trắc, kiểm soát, xử lý, quản lý hiệu quả các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin. Tăng cường phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức, hội (Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Hội chữ thập đỏ, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...) trong tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin.

Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội. Thời gian tới, các đơn vị Quân đội, nhất là những đơn vị trực tiếp thực hiện công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioin cần bảo đảm chất lượng, hiệu quả, kịp thời. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước./.

Thượng tướng, PGS, TS Hoàng Xuân Chiến

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương,

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...