Hướng tới kỷ niệm 63 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Quế Sơn đã tổ chức bàn giao 4 Nhà nhân ái cho gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các xã Quế Thuận, Quế Châu, Quế Minh và Quế Phong.
Là một trong những gia đình được hỗ trợ xây nhà đợt này, ông Trương Viết Loan (xã Quế Châu) tâm sự: “Con trai tôi bị di chứng chất độc hóa học nên nằm liệt giường suốt 20 năm nay. Trong khi đó, vợ chồng tôi cũng thường xuyên đau ốm nên kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Tôi rất biết ơn khi được Huyện hội hỗ trợ 70 triệu đồng để xây nhà kiên cố”.
Ông Hồng Quang Minh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Quế Sơn cho hay, những năm qua việc hỗ trợ nhà ở cho NNCĐDC luôn được địa phương chú trọng thực hiện. Trong 5 năm gần đây, từ nguồn kinh phí vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp, Hội đã hỗ trợ sửa chữa và xây mới được 15 căn nhà cho nạn nhân chất độc da cam, với tổng số tiền 770 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Hội còn vận động tặng 120 sổ tiết kiệm, trao 8 con bò sinh sản, 30 xe đạp; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và thăm hỏi, tặng quà hàng nghìn lượt NNCĐDC trên địa bàn huyện. “Bằng nhiều hình thức vận động, từ năm 2019 đến nay, Huyện hội Quế Sơn đã vận động được gần 5,5 tỷ đồng để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Qua đó, góp phần khắc phục khó khăn, động viên nạn nhân và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống” ông Minh nói.
Cùng với nỗ lực huy động nguồn xã hội hóa, hằng năm Huyện hội Quế Sơn tham mưu với lãnh đạo huyện đến thăm, tặng quà gia đình NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời phối hợp giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách theo đúng quy định. Ông Hồng Quang Minh cho biết: trên địa bàn huyện Quế Sơn hiện có gần 500 người bị nhiễm trực tiếp CĐDC và 1.000 người là thế hệ con cháu bị di nhiễm. Với nhiệm vụ giúp đỡ, gắn kết, xoa dịu nỗi đau da cam, Huyện hội luôn đồng hành, chăm lo và lan tỏa tình thương, trách nhiệm đối với NNCĐDC.
“Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức vận động nguồn lực xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức Hội ở cơ sở tập trung khảo sát, phân loại nhu cầu cần trợ giúp của từng đối tượng, xây dựng thành “Dự án cơ hội” để không bị động khi tiếp nhận nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm...” - ông Minh nói.
Nguồn: Báo Quảng Nam
Bình luận