Tư chất hiếu học của người Nghệ An
Tuy hiện tại đã là doanh nhân sở hữu một tập đoàn nghìn tỷ đầy danh giá, nhưng cũng giống như đa số những người cùng trang lứa, ông sinh ra trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn. Điều này được chính ông Phú chia sẻ trong chương trình Đường đến thành công của kênh VTC10 (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) năm 2013.
Theo đó, ông Phú sinh năm 1971 tại một làng quê tại thị xã Hà Đông, trước đây thuộc tỉnh Hà Tây. Tuy nhiên bố ông là người gốc Nghệ An nên rất chú trọng việc học của con cái. Ông kể gia đình nghèo nên bố mẹ đã phải làm rất nhiều công việc khác nhau để nuôi con cái ăn học. Chẳng hạn như mẹ ông phải dậy từ 4 giờ sáng để làm thêm, bố ông thì đi làm công việc ở ngoài về vẫn tiếp tục lo việc vườn tược.
![]() |
Shark Phú sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó nhưng hiếu học. (Ảnh: Sharktankvietnam) |
Ông Phú luôn trăn trở về việc trong lúc mình ngồi học thì bố mẹ đang làm việc cực nhọc. Thế nhưng họ nhiều lần không cho ông phụ giúp vì muốn ông dành thời gian học tập. Họ tạo mọi điều kiện để ông học đến nơi đến chốn. Thậm chí, vào thời đó mà bố mẹ ông sẵn sàng thuê gia sư để luyện thi đại học cho ông. Ông Phú cho rằng chính điều này đã giúp ông có một tương lai tươi sáng.
Đáp lại kỳ vọng của bố mẹ, ông Phú thi đậu vào trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ông kể thời điểm đó, cả làng chỉ có mỗi một mình ông đỗ đại học. Còn cả trường cấp 3 ông theo học cũng chỉ có tất cả vài ba người đỗ. Đậu đại học lúc bấy giờ đối với ông là niềm tự hào và vinh dự rất lớn.
Về lí do lựa chọn ngôi trường này, ông Phú cho biết thời điểm đó thị trường đang bước vào gia đoạn sắp mở cửa, ông được tiếp xúc với nhiều thông tin qua truyền hình. Hơn nữa ông luôn trăn trở với câu hỏi vì sao mình nghèo, mọi người xung quanh cũng nghèo và đất nước mình nghèo. Mang theo thắc mắc đó, ông quyết định lựa chọn ngành kinh tế để tìm đáp án.
![]() |
Ông Phú luôn trăn trở về lí do vì sao mình nghèo và tìm cách làm giàu. (Ảnh: sunhouse.com) |
Đi tìm lời đáp cho câu hỏi vì sao mình nghèo
Từ khi học đại học, ông Phú đã tỏ ra là người có đam mê với công việc kinh doanh. Thời điểm đó, mẹ ông cũng mua một gian hàng ở chợ Ngã Tư Sở, còn anh trai ông ở Liên Xô cũng hay gửi về những “thùng hàng”. Trong quá trình bán hàng hóa trong thùng hàng đó, ông phát hiện có nhiều gia đình cũng sở hữu những “thùng hàng” như thế nhưng không biết bán cho ai hoặc có nhiều người muốn mua mà không biết mua từ đâu. Thế là ông bắt đầu đi thu mua chúng và bán để kiếm tiền lời chênh lệch.
Ông Phú làm công việc này trong hơn 2 năm. Khi Liên Xô tan rã, không còn những thùng hàng được gửi về, công việc này cũng chấm dứt. Ông Phú cho biết đó cũng là trải nghiệm và bài học đầu tiên vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp của ông sau này.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Phú đã say mê với kinh doanh từ khi còn đi học. (Ảnh: Sharktankvietnam) |
Sau khi tốt nghiệp, ông Phú được nhận vào làm việc tại Tổng công ty xăng dầu Việt Nam với mức lương tốt và được hưởng biên chế. Thế nhưng sau 9 tháng, ông quyết định nghỉ việc vì quá nhàm chán và “không sử dụng hết thời gian”.
Ông Phú sau đó dành hẳn 3 tháng ở nhà để học tiếng Anh (trước đây ông học tiếng Nga) với mục tiêu được vào làm cho công ty nước ngoài. Từ năm 1994-1995, ông làm việc cho công ty VMEP có vốn 100% từ Đài Loan. Ông đảm nhận công việc liên quan đến xuất nhập khẩu của công ty, đồng thời dành thời gian tìm hiểu văn hóa và phương thức làm việc của công ty nước ngoài.
Tuy học được nhiều điều nhưng công việc này chưa đáp ứng được kỳ vọng, ông Phú luôn nghĩ đến một công việc nào đó thách thức hơn với công ty quy mô hơn. Đúng thời gian này, các tập đoán lớn của nước ngoài bắt đầu ồ ạt đầu tư vào thị trường Việt Nam, trong đó có tập đoàn Ford. Bắt lấy cơ hội, ông Phú nộp đơn xin việc ngay lập tức.
![]() |
Ông Phú (phải) luôn tìm kiếm cơ hội làm việc tại các công ty nước ngoài để học hỏi cách làm của họ. (Ảnh: FB Shark Nguyễn Xuân Phú) |
Ông kể ngay từ vòng thử việc đã là một thách thức rồi, ông phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn và kiểm tra khác nhau. Có lúc ông còn không thể hiểu người ta nói gì vì tiếng Anh mỗi nước nói mỗi khác, thế nhưng ông vẫn vượt qua. Làm việc tại tập đoàn lớn của nước ngoài cũng khác hẳn, họ cho ông mục tiêu, một người cố vấn và không giới hạn cách thức để đạt được nó. Ông phải tự mình tìm hiểu, lên kế hoạch, làm mọi thứ để đạt mục tiêu đề ra.
Trong thời gian làm tại Ford, ông Phú thường xuyên phải tham gia những cuộc họp đối đáp trực tiếp và phải trả lời nhiều câu hỏi từ lãnh đạo. Ông cũng có cơ hội được đi thăm 3 nhà máy của Ford trên thế giới. Ông Phú cho biết chính khoảng thời gian làm việc cho Ford đã rèn luyện cho ông khả năng tự tin và dám đưa ra quyết định.
Khởi nghiệp với 20 triệu
Cũng trong chương trình Đường đến thành công, ông Phú chia sẻ rất chi tiết về quá trình khởi nghiệp của mình. Sau khoảng 10 năm đi làm thuê từ khi tốt nghiệp, ông Phú dành dụm được khoảng 30 triệu đồng. Ông cho bạn 10 triệu để mua nhà, còn 20 triệu ông quyết định dùng hết vào vốn làm ăn.
Ông Phú bắt đầu kinh doanh với hàng nhập từ nước ngoài về và làm rất nhiều thứ như bánh kẹo, đồ gia dụng, cáp điện…để bán. Ngoài ra, ông cũng có cơ hội làm việc với công ty Hàn Quốc. Trong quá trình sang đó để công tác, ông nhận ra xây dựng một nhà máy sản xuất không quá khó. Tại Việt Nam lúc bấy giờ cũng không có công ty nào tự sản xuất hàng hóa. Thế nên, một thời gian sau ông quyết định xây dựng nhà máy sản xuất đồ gia dụng. Đồng thời, ông huy động được thêm 2 cổ đông khác và thu được khoảng 1,5 tỷ vốn đầu tư.
![]() |
Ông Phú bắt đầu Sunhouse với 20 triệu tích góp trong hơn 10 năm đi làm thuê. (Ảnh: sunhouse.com) |
Đó là sự bắt đầu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse và tiền thân của nó là Công ty THHH Phú Thắng được thành lập năm 2000. Năm 2004, công ty liên doanh với Công ty TNHH Sunhouse Hàn Quốc, thành lập Công ty TNHH Sunhouse Việt Nam, xây dựng nhà máy liên doanh sản xuất đồ gia dụng áp dụng công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á.
Những sản phẩm đầu tiên của Sunhouse không được đón nhận tích cực bởi ông Phú chỉ có thể sản xuất số lượng ít nên giá vốn cao kéo theo giá thành cũng rất cao. Đồng thời lúc đó có một công ty vốn 100% Hàn Quốc ở phía Nam cũng kinh doanh mặt hàng tương tự cạnh tranh với ông rất gay gắt. Vì họ đã làm chủ được phân đoạn nguyên liệu và sản xuất nên bán với giá rất rẻ. Họ bán với giá bằng giá vốn của Sunhouse khiến công ty của ông thất thế hoàn toàn.
Sau 1 năm, công ty ông Phú lỗ hẳn 1 tỷ đồng, hội đồng quản trị xảy ra mâu thuẫn. Một cổ đông quyết định ra đi, cũng chính là người nắm vai trò phân phối sản phẩm cho nhà máy càng khiến công ty thêm lao đao. Lúc đó, ông Phú đứng trước hai câu hỏi lớn là nên tiếp tục hay dừng lại, nếu tiếp tục thì phải làm như thế nào.
Cuối cùng ông Phú quyết định “chơi liều” với hợp đồng sản xuất lớn cho thương hiệu bếp ga Rinnai. Vốn đến 190 nghìn đồng nhưng ông chỉ bán với giá 130 nghìn đồng. Thế nhưng, những sản phẩm mang thương hiệu Sunhouse ăn theo bếp ga Rinnai len lỏi vào khắp các gian bếp Việt. Sunhouse bắt đầu tăng độ nhận diện mạnh mẽ trong mắt người tiêu dùng.
![]() |
Ông Phú quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng để chủ động trong kinh doanh. (Ảnh: sunhouse.com) |
Bài toán về chi phí sản xuất và giá của Sunhouse được ông Phú giải bằng cách gom hết tiền đầu tư các ngành khác để xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu phụ trợ vào năm 2005-2006. Giá thành các sản phẩm của Sunhouse từ đó cũng giảm đi. Đến năm 2007, Sunhouse bắt đầu tăng doanh thu và có lãi, chiếm lĩnh thị trường.
Sau 18 năm, hiện nay Sunhouse của ông Phú đã trở thành thương hiệu hàng gia dụng nổi tiếng ở Việt Nam với hệ thống phân phối rộng ở cả siêu thị, cửa hàng và sàn thương mại điện tử. Đặc biệt công ty còn sở hữu 8 nhà máy sản xuất với tổng diện tích 100.000m2 với 2,500 nhân viên và doanh thu hàng nghìn tỷ đồng (theo báo cáo doanh thu hằng năm của công ty).
Ngoài ra, ông Phú còn lấn sân sang đầu tư các lĩnh vực khác như logistics, công ty đầu tư Sunhouse Invest và sản xuất, phân phối bánh kẹo. Nổi tiếng trong đó có thương hiệu bánh kẹo Richy với sản phẩm bánh gạo được bày bán rộng rãi trong các siêu thị tại nước ngoài.
![]() |
Đến nay ông Phú đã dẫn dắt Sunhouse ngày một thành công. (Ảnh: Sharktankvietnam) |
Khi được hỏi động lực nào khiến ông đưa ra những quyết định sống còn và theo đuổi ngành này, ông Phú cho biết đối với ông một đất nước phát triển phải biết sản xuất ra được hàng hóa và dịch vụ. Đấy là cái gốc tạo ra của cải. Ông không thể từ bỏ và quyết tâm bằng mọi cách phải thành công trong sản xuất.
Theo Sunhouse, dù hiện tại có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng nhưng ông Phú vẫn cho biết mình rất cẩn trọng trong từng quyết định đối với công ty. Bên cạnh đó, ông nhận thấy nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn hạn chế nên quyết tâm thực hiện các dự án xây dựng nhà máy hiện đại.
Ông cũng nói thêm, thị trường tại Việt Nam vẫn còn tiềm năng nhưng cũng rất thách thức. Và, năng lực cạnh tranh chính là nội lực không thể thiếu của bất kì công ty nào.
Đời tư kín đáo của đại gia nghìn tỷ
Giống như nhiều vị CEO khác, ông Nguyễn Xuân Phú cũng rất kín tiếng về cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, trong dịp nhân ngày gia đình, ông Phú chia sẻ hình ảnh hạnh phúc bên vợ. Ông chia sẻ vợ chính là người đã hy sinh cả thanh xuân để trợ giúp ông.
![]() |
Shark Phú có cuộc sống viên mãn với gia đình hạnh phúc. (Ảnh: FB Shark Nguyễn Xuân Phú) |
Ngoài ra, ông Phú còn có hai cậu con trai. Cậu con đầu sinh năm 1999, có tên là Simon Nguyễn và theo học tại trường Boston University tại Mỹ. Còn thứ hai tên là Nguyễn Xuân Lộc sinh năm 2001.Theo báo Tuổi trẻ, ông Phú có cách dạy con rất tâm lý khi không tạo áp lực, áp đặt mà để chúng tự đưa ra lựa chọn của mình. Ông Phú chỉ đóng vai trò cố vấn, đưa ra lời khuyên cho con khi cần.
Có thể nói, không chỉ là người đàn ông tài giỏi, bản lĩnh trên thương trường, ông Phú còn là một người chồng, người cha mẫu mực. Có lẽ đó chính là lý do vì sao ông được nhiều người yêu mến.
Bình luận