• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Số ca F0 tăng cao, y tế cơ sở quá tải, nhiều nơi lúng túng trong cách xử lý ca nhiễm mới

Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận số ca F0 trong cộng đồng tăng đột biến, đỉnh điểm là ngày 25/2, Việt Nam có 78.795 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng 9.655 ca so với ngày trước đó.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân.

F0 tự điều trị tại nhà đang gặp khó khăn

Điều đáng lo ngại là theo kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 10/2 đến ngày 17/2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%; biến chủng Delta chỉ còn chưa đến 30%.

Điều này cho thấy, biến chủng Omicron tại TP Hồ Chí Minh đang tăng cao, có khả năng lan ra các địa phương khác trong cả nước. Do đó, đề nghị Bộ Y tế cần tổ chức xem xét khả năng này để có biện pháp ứng phó phù hợp và kịp thời, tránh bị động. Tại một số địa phương, nhiều lao động mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà đang gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.

Chị Nguyễn Thị Khánh, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết: Tôi bị mắc COVID-19, theo quy định hiện hành, việc cấp giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do Trung tâm y tế cấp huyện thực hiện, trong khi các Trạm y tế cấp xã chỉ cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly hoặc giấy hoàn thành điều trị COVID-19 tại nhà. Người lao động không thể sử dụng giấy xác nhận của Trạm y tế cấp xã để tiến hành các thủ tục hưởng BHXH.

Đây là vấn đề đã được nhiều địa phương phản ánh đến Bộ Y tế đề nghị cần có hướng dẫn để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động mắc COVID-19. Được biết, ngày 14/1/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 238/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam, các bệnh viện để hướng dẫn về hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động điều trị COVID-19.

Theo đó, Bộ Y tế cho rằng, do hiện nay các văn bản pháp luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; chưa có quy định về việc chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan BHXH làm cơ sở quyết định hưởng chế độ BHXH đối với người lao động.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị trong thời gian chờ các văn bản được các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, các đơn vị cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của y tế địa phương đối với người mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà cũng đang lúng túng. Hiện nay, do số lượng người mắc COVID-19 quá nhiều dẫn đến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải, các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu.

Anh N.V.T phường Bồ Đề, quận Long Biên Hà Nội cho biết: Anh bị mắc COVID-19, khi thông báo với y tế phường để được hỗ trợ nhưng khi gọi đến đường dây nóng của Trung tâm y tế phường cũng không thể gọi được. Nguyên nhân là do tình trạng quá tải, số ca mắc COVID-19 tăng cao trong khi cán bộ y tế cơ sở có hạn.

“Chúng em không thể hỏi thăm từng người được. Khi anh khai báo thì nhân viên y tế cũng đã tư vấn tự cách ly, theo dõi sức khoẻ, nếu có bất thường về sức khỏe thì báo lại ra trạm y tế”, một cán bộ y tế ở phường Bồ Đề giấu tên cho biết.

Hiện nay, ở một số nơi, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố đang có số ca mắc COVID-19 tăng cao như TP Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, số ca F0 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đầy đủ từ y tế địa phương trong việc tư vấn về đơn thuốc, đặc biệt là trong công tác khai báo, lập danh sách các ca mắc.

Nhiều người bệnh phải tìm các đơn thuốc trên mạng xã hội, chưa có kiểm chứng của cơ quan y tế nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Ở một số phường của TP Hà Nội, người bệnh phải ra trạm y tế để nhận và khai báo trên bản giấy, trạm y tế cũng không được cung cấp kít xét nghiệm mà người nghi nhiễm phải tự mang kít xét nghiệm đến, nhân viên y tế chỉ thực hiện lấy mẫu giúp và báo kết quả. Việc tập trung đông người đến Trạm y tế để khai báo và lấy mẫu gây phiền hà và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Điều đáng lo ngại hiện nay là tại một số địa phương có tình trạng nhiều người mắc COVID-19 đã không khai báo với y tế địa phương mà tự điều trị tại nhà gây khó khăn cho việc quản lý F0. Trong khi đó, ngành y cơ sở đang quá tải nên việc giám sát, quản lý số lượng người mắc COVID-19 khó khăn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi rác thải của những người mắc COVID-19 này không được xử lý đúng quy trình.

Theo phản ánh của người dân thì một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không được hỗ trợ gì nhiều trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.

Lúng túng trong cách xử lý khi học sinh mắc F0

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong tuần qua là nhiều địa phương đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới ở trẻ em tăng cao, đặc biệt khi các học sinh mới đi học tập trung trở lại.

Tuy nhiên, việc hướng dẫn về xét nghiệm, cách ly theo dõi sức khỏe đối với học sinh bị bệnh nền, quy trình xử lý khi có học sinh nhiễm COVID-19 ở trường học, thời gian cách ly tại nhà đối với học sinh là F1 hiện nay chưa rõ ràng, thống nhất.

Nhiều trường vẫn lúng túng khi có học sinh mắc COVID-19, mỗi trường xử lý một cách khác nhau, chưa thống nhất phương pháp chung. Nếu không có phương án chuẩn bị chu đáo, để xảy ra tình trạng mỗi trường xử lý một kiểu sẽ không bảo đảm an toàn phòng, chống lây nhiễm dịch ở trường học, gây rủi ro cho sức khỏe học sinh và thầy cô giáo dẫn đến phụ huynh không yên tâm, tin tưởng để cho con em đến trường. Từ đó dẫn đến tác động bất lợi cho chủ trương mở cửa trường học để học sinh học tập trung trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Trong tuần qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu về mặt hàng kít xét nghiệm nhanh COVID-19 đã gia tăng đột biến trong khi chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả. Dư luận cho rằng dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng các bộ kít xét nghiệm nhanh COVID-19 của người dân sẽ còn tăng cao và kéo dài. Trong khi đó, hiện nay, hơn 95% ca nhiễm COVID-19 được điều trị tại nhà và người bệnh phải tự lo mọi khoản chi phí điều trị trong đó có chi phí xét nghiệm, đây là gánh nặng lớn đối với người dân.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc khai báo sớm khi mắc COVID-19 với y tế địa phương theo đúng quy định và không tự ý dùng thuốc khi không có hướng dẫn của cơ quan y tế.

“Đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như thuốc điều trị, kít xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy máu… nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng này và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”, ông Hoàng Thanh Tùng kiến nghị.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều chỉnh, sớm sửa đổi, hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng, chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế, thích ứng an toàn, hiệu quả hơn nhất là đối với cấp cơ sở.

Trong đó, cần cải tiến quy trình khai báo, quản lý thông tin đối với người mắc COVID-19, tăng cường tin học hoá, thực hiện trực tuyến (ở các địa phương, gia đình có điều kiện) để hạn chế tiếp xúc, bảo vệ chính nhân viên y tế và mọi người trong cộng đồng. Cung cấp đủ vật tư y tế cho công tác phòng chống dịch; tăng chế độ, chính sách cho nhân viên y tế ở cơ sở; có sự sắp xếp nhân lực, có quy trình quản lý và chăm sóc người mắc COVID-19 hợp lý hơn, tạo điều kiện để người dân mắc bệnh nhận được sự chăm sóc hay tư vấn đầy đủ, kịp thời của y tế; giúp họ yên tâm hơn khi điều trị tại nhà.

Về việc cấp giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người mắc COVID-19 điều trị tại nhà, để đảm bảo quyền lợi, giải quyết kịp thời chế BHXH của người lao động nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bộ Y tế cần phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, sửa đổi các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề chưa được quy định trong các văn bản luật hoặc cần thực hiện khác với quy định của luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho công tác điều trị người mắc COVID-19 tại nhà.

Nguồn Báo Tin tức

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MBBank tổ chức phát động Chiến dịch Tết vì nạn nhân chất độc da cam với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn”. Với ...
    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Ngày 24/12, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029. Dự và chỉ đạo Đại hội có: Thiếu tướng, Tiến sĩ Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban TC-CS Trung ương Hội; bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh ...