SỰ GIẢN DỊ CỦA HỒ CHÍ MINH QUA NHỮNG BÀI THƠ CHÚC TẾT
"Bác ơi tết đến giao thừa đó
Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần"
(Tố Hữu)
Cứ mỗi khi mùa xuân đến, chúng ta lại bồi hồi nhớ đến những vần thơ chúc tết của Bác. Đọc lại nhiều lần ta càng thấy thấm thía hơn sự giản dị, gần gũi, đời thường trong văn thơ của Bác. Sự giản dị đó tạo nên phong cách riêng, gắn liền với sự giản dị trong đời sống hàng ngày của Bác. Nhắc đến Bác, ta thường nghĩ đến hình ảnh một lãnh tụ trong bộ quần áo kaki trắng, đôi dép lốp với nụ cười tỏa ra sự trong sáng của một tâm hồn... Đúng như các nhà văn đã viết về Bác: "Sự vĩ đại lên tới tầm cao nhất sẽ trở thành giản dị", "Người giản dị nên Người thành vĩ đại"...
Sinh thời Bác để lại cho chúng ta 22 bài thơ chúc tết. Bài nào cũng chỉ từ 4 – 10 câu. Với Bác, văn hay thơ, nghệ thuật đều vì mục đích cao cả là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Những bài thơ chúc tết của Bác luôn thể hiện bằng thứ ngôn ngữ giản dị, gần gũi, tràn đầy tình cảm gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân như chính cuộc đời của Bác. Những bài thơ chúc tết giản dị đó được Bác gọi là:
"Mấy lời thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân"[1].
Kêu gọi vì Bác là lãnh tụ của dân tộc, mừng xuân là để Bác chúc tết đồng bào - những người dân mà mình yêu quý. Ngày 19/12/1946 thay mặt Trung ương Đảng, bác đã đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cách mạng trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, nhưng đúng giao thừa năm ấy Bác đã có mặt ở đài phát thanh tiếng nói Việt Nam để đọc thơ chúc tết. Đó là bài: Mừng Xuân Đinh Hợi 1947:
"Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến nhất định thành công”
Bài thơ chính là tiếng kèn xung trận, là lời hiệu triệu của Bác Hồ gửi đến đồng bào chiến sĩ cả nước, thể hiện niềm tin tất thắng của dân tộc. Sau này, giáo sư Hà Minh Đức đã viết:" Đây là một trong những bài thơ chúc tết hay nhất của Bác Hồ. Cả bài thơ là một áng hùng văn, một khúc ca chiến đấu của chiến thắng". Còn nhà phê bình văn học Hoài Thanh thì viết:" cả bài thơ phơi phới như buồm căng trước gió. Nó là một bài thơ của niềm tin vững chắc, tiếng nói của những người chiến thắng"
Bài thơ chúc tết cuối cùng Bác để lại cho nhân dân ta là bài Chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969:
"Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì Độc lập vì Tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn.
Mùa thu năm ấy Bác đã vĩnh viễn ra đi, để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào chiến sĩ cả nước. Bác đi xa khi nước nhà còn chia cắt, bài thơ chúc mừng năm mới năm ấy, như một định hướng chiến lược “Mỹ cút rồi đến ngụy nhào” và Bác dành ưu tiên cho cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đúng như lời Bác năm 1973 “Mỹ cút” và 1975 “ngụy nhào”; quân và dân cả nước đã thực hiện được mơ ước của Người, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Thơ chúc tết của Bác không chỉ là tình cảm thân thương, tấm lòng nhân ái, mà Bác còn đề ra nhiệm vụ, phương hướng cho cách mạng. Song nó luôn được thể hiện bằng phong cách trong sáng, giản dị - phong cách Hồ Chí Minh. Thơ Bác và hình ảnh của Bác sẽ sống mãi trong lòng dân tộc như mùa xuân đất nước.
Nguyễn Minh Xuân
Huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh
CHỊ VÀ EM
Giỗ mẹ năm nay chị không về được
Em ở nhà cơm canh cúng mẹ thôi
Thấm thoắt chị xa đã mấy năm rồi
Chưa được thắp nén hương ngày huý nhật
*
Đời mẹ xưa bần hàn khó nhọc
Cha từ chiến trường về nhiễm chất độc da cam
Bệnh hiểm nghèo cha, mẹ chẳng vượt qua
Thương cảnh mồ côi chị chưa đành hẹn ước
Đi xuất khẩu để nuôi em ăn học
*
Mảnh vườn cũ chị tạm đem đặt cọc
Quyết để em khôn lớn nên người
Chị gian nan vất vả quê người
Không lỡ để em xa đường đi học
Nơi góc bể chân trời xứ lạ
Chị nặng thầm nuôi dưỡng một niềm tin
*
Hôm nay vừa nhận tin vui
Em đỗ vào đại học
Nước mắt tuôn trào
Dù chị không hề khóc
Bỗng nhớ lời mẹ thời ca dao cổ tích
Kim sáng nhọn nhờ có công mài sắt
Gắng sức cấy trồng đất nào chẳng trổ hoa
Rộn rã tiếng còi đang gọi chị vào ca…
Ảnh minh họa
Nguyễn Minh Xuân
Lương Tài - Bắc Ninh
[1]- Thơ Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục 1977, trang 321.
Bình luận