• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Tấm gương sáng Trần Thị Út Hiền

Tấm gương sáng Trần Thị Út Hiền

Bà Trần Thị Út Hiền, sinh năm 1952, thương binh 2/4, NNCĐDC ở Tổ dân phố 14, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Tháng 2/1966, bà nhập ngũ, trong chiến đấu, bà bị thương nhiều lần, 6 lần lên bàn mổ. Về hưu rồi, bà còn phải trải qua 2 lần phẫu thuật vết thương tái phát và cắt khối u trong cơ thể. Chồng bà cũng là NNCĐDC đang đảm nhận chức Chủ tịch Huyện hội Krông Pắc. Ông bà có người con út bị mất trí hoàn toàn do di chứng chất độc hóa học.

Bà Út Hiền tại hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng Tổ đoàn kết

Tổ dân phố 14 - nơi gia đình bà Út Hiền sinh sống hầu hết các hộ dân đều làm nông nghiệp, đời sống còn nghèo và thiếu thốn nhiều mặt. Nhiều hộ ít đất phải đi làm thuê kiếm sống; việc học hành của con em cũng gặp khó khăn, nhiều cháu bỏ học đi làm với gia đình. Dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, vết thương thường tái phát, thứ chất độc hóa học ngấm vào cơ thể, càng ngấm càng đau, nhưng thấy đời sống của người dân còn nghèo khó, bản thân bà Út Hiền suy ngẫm, trăn trở không yên, làm thế nào để bớt nghèo, bớt khó cho họ đây?

Thế là bà Út Hiền nảy ra ý tưởng thành lập tổ từ thiện xóa đói, giảm nghèo trong Tổ dân phố. Bà đưa ý tưởng này trình bày với Chi bộ, Ban tự quản, Ban mặt trận và được các cấp đồng ý, tạo điều kiện giúp đỡ, lấy Chi hội Cựu chiến binh làm nòng cốt. Trong gia đình, được chồng và các con đồng tình ủng hộ, động viên, bà Út Hiền vững tin đi vận động thành lập tổ từ thiện. Bước đầu gặp không ít khó khăn, hộ khá giả nêu lý do bận nhiều việc, hộ nghèo khó lấy lý do không có tiền đóng quỹ, một số khác đi làm ăn xa không có thời gian sinh hoạt. Nhưng với cái tâm “Thương người như thể thương thân”, bà đã động viên, dùng lời lẽ chân tình sát với hoàn cảnh thực tế của họ để thuyết phục, nên bước đầu đã có 15 chị tự nguyện tham gia vào tổ.

Tháng 2/2004, “Tổ Đoàn kết” ra mắt, bà được bầu làm tổ trưởng và đi vào hoạt động, trong năm bà vận động quyên góp được 60 triệu đồng cho 5 hộ khó khăn vay (không tính lãi), mỗi hộ 12 triệu đồng đầu tư chăm sóc cây cà phê, tiêu, cây ăn trái và chăn nuôi bò, dê, heo, gà. Sau một năm, các hộ sử dụng vốn đều hiệu quả, thu nhập tăng, đời sống được cải thiện, mọi người đều phấn khởi, từ đó chị em xin vào Tổ ngày càng đông. Từ năm 2004 đến năm 2015, Tổ đã có 30 hội viên đã vận động quyên góp được 1 tỷ 900 triệu đồng quỹ, quay vòng cho 21 hộ vay với số tiền 1 tỷ 300 triệu đồng đầu tư chăm sóc cà phê, tiêu, trồng cây ăn quả như xoài, bơ, sầu riêng, chăn nuôi bò, dê, heo, gà. 5 hộ được vay, mỗi hộ 70 triệu đồng đầu tư vào dịch vụ ăn uống, mở quầy tạp hóa. Các hộ vay đều phát huy được đồng vốn, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình; có 4 hộ xóa nghèo bền vững, một số hộ vươn lên khá, con em được học hành đầy đủ, không có tình trạng bỏ học như trước. Tổ cho 7 hộ vay, mỗi hộ 50 triệu đồng xây nhà mới, 5 hộ vay 30 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Năm 2016, Tổ vận động quyên góp được 320 triệu đồng, năm 2017 được 340 triệu, năm 2018 được 360 triệu đồng. Trong 4 năm, Tổ vận động được 1 tỷ 500 triệu, tiếp tục cho các hộ vay đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.

Bà Út Hiền thường xuyên đến thăm các gia đình nghèo, đau yếu, các hộ chính sách, các gia đình hội viên của tổ, động viên mọi người đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới, được mọi người tin yêu mến phục. Trong tổ dân phố, hộ nào mâu thuẫn, bức xúc đều tìm đến bà giãi bày và nhờ giúp đỡ. Bà ân cần phân giải thấu đáo, có tình, có lý nên đã hòa giải thành công 4 vụ mâu thuẫn gia đình, 2 vụ vợ chồng đòi ly hôn, 2 vụ có đơn khiếu kiện trong Tổ dân phố.

Thương binh, NNCĐDC Trần Thị Út Hiền thực sự là một tấm gương sáng về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Đoàn Long - Ama Anh

Tỉnh hội Đắk Lắk

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác