• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thầm lặng sau nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng nỗi đau chất độc da cam vẫn dai dẳng gieo đau thương qua nhiều thế hệ. Đằng đẵng theo năm tháng, những người vợ, người mẹ NNCĐDC vẫn lặng thầm vượt qua nỗi đau để chăm sóc chồng, con. Bản thân nhiều nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) cũng nỗ lực vượt lên số phận để hòa nhập với cộng đồng.
“Toàn huyện Bố Trạch hiện có 949 NNCĐDC; trong đó, nạn nhân trực tiếp là 519 người, nạn nhân gián tiếp là 430 người, nạn nhân nữ là 247 người. Dẫu có nhiều khó khăn, bất hạnh nhưng nhờ sự quan tâm, đồng hành của cộng đồng xã hội, đã có nhiều tấm gương nỗ lực vươn lên sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

 

Vượt lên số phận

 Bà Lê Thị Thắm (ở thôn 7, xã Hạ Trạch, Bố Trạch) có chồng từng tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Vợ chồng bà sinh được ba đứa con, 2 gái và 1 trai. Hai người con gái may mắn bình thường nhưng thể chất khá yếu, người con trai là Nguyễn Thành Công bị nhiễm CĐDC, ban đầu bình thường nhưng dần dần chân, tay bị teo lại và đến lớp 8 thì không thể đi được nữa. Cuộc đời éo le, chồng bà Thắm lại mất sớm trong một vụ tai nạn giao thông.
 
Nuốt nước mắt vào tim, bà cố vực dậy, chống chọi với số phận để nuôi dạy, chạy chữa bệnh tật cho con. Mỗi năm, anh Công phải nghỉ học 1-2 tháng để đi chữa bệnh. Hai mẹ con bồng bế nhau đến khắp các bệnh viện ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… và cả những "thầy lang" người dân tộc thiểu số. Hành trình chữa bệnh của hai mẹ con vô cùng vất vả nhưng nâng đỡ cho con về mặt tinh thần đối với bà Thắm còn nhọc nhằn hơn.
 
Bà Lê Thị Thắm chia sẻ: “Tôi luôn động viên cháu nếu ngã thì đứng lên đi tiếp, những niềm vui khi có kết quả học tập tốt, tôi và mọi người luôn khen ngợi, khích lệ cháu. Nhưng mấy tiếng CĐDC tôi không dám nhắc đến với cháu. Biết trả lời thế nào khi cháu hỏi sau này cháu ở với ai? Rồi chuyện xây dựng gia đình cho cháu. Tôi không dám nghĩ đến, bởi ai dám lấy con mình, rồi nếu có thì cháu mình sinh ra có được lành lặn không?”.
Các cấp hội Phụ nữ huyện Bố Trạch luôn quan tâm, chăm sóc các NNCĐDC/dioxin trên địa bàn.
Các cấp Hội Phụ nữ huyện Bố Trạch luôn quan tâm, chăm sóc các NNCĐDC trên địa bàn.
Thời gian trôi đi, bằng tình yêu thương với con, sự hy sinh thầm lặng của người mẹ, bà Thắm đã đồng hành, giúp con trai vượt lên số phận. Để hôm nay, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Tin học (Trường đại học Khoa học Huế), anh Nguyễn Thành Công, con trai bà Thắm đã có sự nghiệp và gia đình ổn định, hạnh phúc như cái tên mà vợ chồng bà mong ước khi đặt cho con. Ngoài công việc dịch thuật, kinh doanh sim điện thoại, anh Công còn thuê người làm dịch vụ lắp camera, phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin cho bà con trong và ngoài xã.
 
Là NNCĐDC, bản thân chị Nguyễn Thị Huế, ở thôn 1 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) từ khi sinh ra đã mang trong mình dị tật bẩm sinh, hàng ngày, bố phải cõng đến trường. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con nên học hết tiểu học, chị Huế phải nghỉ giữa chừng. Dẫu sức khỏe yếu, thế nhưng chị luôn cố gắng phụ giúp bố mẹ việc nhà. Cuộc sống đang yên bình, đột nhiên năm 2004, bố chị qua đời, đây là cú sốc lớn đối với chị Huế. Vốn thể chất đã yếu, chị Huế suy sụp hẳn, mẹ chị phải đưa đi khắp nơi chữa trị. Sau 3 năm, sức khỏe chị Huế mới dần hồi phục.
 
Một lần nữa vượt qua nỗi đau, chị Huế đã kiên cường đứng lên. Nhờ sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền, người thân, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển chi nhánh huyện Bố Trạch, chị Huế đã mạnh dạn mở quán bán đồ ăn vặt, thu hút khá đông khách hàng. Chị còn lạc quan, mang giọng hát của mình để dành tặng mọi người khi có các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương.
 
Chị Nguyễn Thị Huế tâm sự: “Bản thân tôi không được may mắn như những người bình thường khác nhưng tôi rất hạnh phúc vì luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương của cộng đồng, những người xung quanh tôi. Để hôm nay, tôi đã có được một công việc, sức khỏe ổn định hơn và sống có ích cho xã hội”.
 
Quan tâm, chia sẻ xoa dịu nỗi đau
 
Nỗi đau CĐDC/dioxin do chiến tranh để lại là vô cùng tàn khốc. Hàng vạn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt, có những người phụ nữ đã bỏ lại sau lưng hạnh phúc tương lai của mình để nuôi người thân là NNCĐDC không tự lực được. Nhiều phụ nữ đi qua chiến tranh trở về nhưng không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Rất nhiều gia đình hiện có 2-4 NNCĐDC, thậm chí có gia đình lây nhiễm 2-3 thế hệ, cuộc sống đầy đắng cay và kinh tế kiệt quệ...
 
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Bố Trạch, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) và Hội NNCĐDC/dioxin huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình NNCĐDC.
 
Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Bố Trạch Phan Lương cho biết: “Với sự chung tay quan tâm, chia sẻ của các cấp chính quyền, địa phương, các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã vận động được trên 6,4 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ các NNCĐDC/dioxin. Trong đó, hội đã hỗ trợ làm và sửa chữa nhà ở cho 118 hộ với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ sản suất, chăn nuôi, trồng trọt cho 34 hộ với số tiền 246 triệu đồng; hỗ trợ nạn nhân ốm đau, qua đời 292 triệu đồng; tẩy độc, chăm sóc sức khỏe cho 272 nạn nhân với số tiền hơn 819 triệu đồng...”.
Nhiều người là NNCĐDC, có người thân là NNCDDC đã vượt qua số phận, sống có ích cho xã hội.
Nhiều người là NNCĐDC, có người thân là NNCDDC đã vượt qua số phận, sống có ích cho xã hội.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Bố Trạch đã tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt chương trình“Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương”, Đề án 938/QĐ-TTg về "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ", Đề án 939/QĐ-TTg về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp"... Hội đã lồng ghép chủ đề chung tay hỗ trợ, giúp đỡ NNCĐDC/dioxin, như: Đỡ đầu trẻ mồ côi, tặng quà cho phụ nữ, trẻ em là con của NNCĐDC và bị dị tật do hậu quả của CĐDC; tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao trách nhiệm, lòng biết ơn những người đã hy sinh; chung tay giúp đỡ, xoa dịu nỗi đau da cam...
 
Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch Nguyễn Thị Trí Hạnh chia sẻ: “Trong những năm vừa qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng xã hội trên địa bàn huyện Bố Trạch đã quan tâm chăm sóc, hỗ trợ giúp đỡ NNCĐDC/dioxin… Cùng chung tay chia sẻ với các NNCĐDC/dioxin, đặc biệt là những nạn nhân nữ, vừa qua, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Hội NNCĐDC/dioxin huyện tổ chức lễ tôn vinh và tri ân các cá nhân là nữ NNCĐDC/dioxin đã tích cực vượt qua hoàn cảnh bệnh tật, gương mẫu tham gia công tác xã hội, hòa nhập cộng đồng; những người mẹ, người vợ, người chị đã chịu nhiều hy sinh bất hạnh để chăm sóc NNCĐDC không tự phục vụ được”.
Nguồn: Báo Quảng Bình
 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Sáng 26/4, Trung tâm BTXH NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập (28/4/2014 – 28/4/2024). Dự lễ kỷ niệm có: Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội; bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người Khuyết tật, Cục Bảo ...