• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Lao động- Thương binh và Xã hội

Sáng 14-1, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị. Cùng dự còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong 3 năm (từ năm 2020 đến hết năm 2022), thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa những sai phạm, bảo đảm kinh phí hỗ trợ được chuyển kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ năm 2021, đến nay, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho hơn 13,3 triệu lao động thuộc đối tượng hỗ trợ với tổng số tiền chi trả hơn hơn 31.800 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động là hơn 41.046 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trao trao cờ và tặng thưởng đại diện 6/21 đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của ngành. Ảnh: MẠNH DŨNG

Về triển khai thực hiện Quyết định số 08, theo báo cáo của 60 tỉnh, thành phố có đối tượng, đến nay đã hỗ trợ cho 5,2 triệu lượt người lao động với kinh phí trên 3.700 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp hơn 3,2 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động gần 530 tỷ đồng. Trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chính sách, pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội ngày càng hoàn thiện, từng bước tạo lập khuôn khổ pháp lý minh bạch, bình đẳng, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, người cao tuổi, trẻ em, người có công với cách mạng, tạo sự công bằng xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người người có công với cách mạng, kinh phí trên 29 nghìn tỷ đồng. Điều dưỡng cho trên 500 nghìn lượt người có công. Các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ được tổ chức chu đáo, trang trọng, ý nghĩa. Tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với kinh phí hơn 835 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid-19.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây là lĩnh vực quan trọng, trực tiếp phục vụ hàng chục triệu người và gia đình có công, người lao động và người thuộc các đối tượng xã hội khó khăn, yếu thế, đòi hỏi sự quyết tâm, tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc. Ghi nhận những nỗ lực của ngành, Thủ tướng gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ ngành.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: MẠNH DŨNG

Nói về những kết quả đạt được của năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đó rất tích cực trong bối cảnh cả nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Cả nước đã thực hiện một loạt các chính sách với đối tượng rộng, quy mô lớn nhất từ trước tới nay, khi phải chịu tác động tiêu cực kép từ cả bên trong và bên ngoài, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ngành đã hoàn thành đạt và vượt cả 6/6 chỉ tiêu được giao. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh triển khai thực hiện.

Ghi nhận khác của lãnh đạo Chính phủ với ngành là việc tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Bộ đã tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương. Đề cập nhiệm vụ hỗ trợ người lao động, người dân trong giai đoạn khó khăn mấy năm qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đề xuất xây dựng các chính sách và thực hiện với con số hơn 100.000 tỷ phải chi trả là một nỗ lực rất lớn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chia sẻ và biểu dương những nỗ lực của ngành, Thủ tướng khái quát, các chính sách xã hội đã được thực hiện rất tốt với đối tượng bao phủ rộng, quy mô lớn. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Công tác giảm nghèo, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, người cao tuổi triển khai khá toàn diện và tương đối đầy đủ, hiệu quả…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục trong năm 2023 cũng như thời gian tới. Đó là thị trường lao động phát triển không đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm và nâng cao năng suất lao động. Công tác xây dựng nghiên cứu chiến lược có tính chất dài hơi cũng chưa được tập trung nghiên cứu. Một số vấn đề bất cập đã nhìn thấy rất rõ, như vấn đề mất cân bằng giới tính, già hóa dân số, thị trường lao động phát triển chưa đồng đều, chưa bền vững, chưa an toàn, các chính sách xã hội còn thiếu tính liên kết, chưa bao trùm đủ hết các đối tượng, chênh lếch mức sống giữa các vùng miền còn lớn…

Thủ tướng chỉ đạo, tới đây cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chiếm lĩnh để khắc phục những khó khăn, thách thức trong năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Về nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”, cần tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất các chính sách về lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Về phát triển thị trường lao động, Thủ tướng đề cập yêu cầu gắn kết cung - cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thủ tướng cũng chia sẻ, làm việc với nhiều nhà đầu tư, đối tác, hầu hết họ chỉ có hai băn khoăn là về hạ tầng và nguồn lao động. Ví dụ như Intel vào Việt Nam chỉ hỏi vào đầu tư thì trong 48 giờ có thể đưa sản phẩm đi đến đâu, cần xây dựng nhà máy thì bao lâu có đủ nhân lực để vận hành.

Về nhiệm vụ xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, Thủ tướng lưu ý nhiều tới chính sách nhà ở với công nhân lao động, với người thu nhập thấp, yêu cầu tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc như tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán phụ nữ trẻ em.

Thủ tướng cũng nhắc nhở việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác