• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thủ tướng: Xem xét giao Bộ Công Thương làm đầu mối quản lý xăng dầu

Chính phủ sẽ cho nghiên cứu, đánh giá lại để tính phương án theo hướng thống nhất quy về một đầu mối, giao Bộ Công Thương quản lý xăng dầu.

Trao đổi với Zing bên hành lang Quốc hội chiều 2/11 về vấn đề trách nhiệm quản lý trong điều hành xăng dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vấn đề này đã được giao cho Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực Lê Minh Khái chỉ đạo.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ sẽ cho nghiên cứu, đánh giá lại, trên cơ sở đó tính toán phương án theo hướng thống nhất quy về một mối, giao cho Bộ Công Thương quản lý xăng dầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Hồng Phong.

Điều hành xăng dầu không có sự linh hoạt

Thể hiện quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh) nhấn mạnh phải thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức, tránh câu chuyện trong điều hành xăng dầu là khi có vấn đề thì đổ trách nhiệm, Bộ Công Thương đổ cho Bộ Tài chính, còn Bộ Tài chính đổ cho Bộ Công Thương.

Nghiên cứu bài học của các nước trên thế giới trong vấn đề này cũng là một gợi ý được ông An đưa ra.

Theo vị đại biểu, xăng dầu là hàng hóa nên trước hết cần theo nguyên tắc thị trường. "Tất nhiên hàng hóa thiết yếu, đặc biệt thì cần sự điều tiết nhất định, nhưng không thể can thiệp một cách phi thị trường, nguyên tắc thị trường vẫn phải được tôn trọng", ông An nhấn mạnh.

Vị đại biểu lưu ý việc quản lý phải xác định được ranh giới giữa Nhà nước và thị trường. Ông cho biết trong khâu quản lý xăng dầu, có Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83, trong đó quy định rất rõ cần rà soát lại việc phân cấp quản lý. Theo yêu cầu của Quốc hội, ông An nhắc rõ phải rà soát, đánh giá lại quy định về quản lý xăng dầu.

Thể hiện quan điểm cá nhân, ông An cho rằng việc quản lý xăng dầu nên quy về một đầu mối, giao cho Bộ Công Thương. "Xăng dầu là hàng hóa, liên quan đến xuất nhập, liên quan đến thị trường, đến điều tiết mà Bộ Công Thương sẽ có khả năng, bộ máy, thực hiện được chức năng nhiệm vụ quản lý này", ông An nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh. Ảnh: Hồng Phong.

Thực tế, ông An đánh giá liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng không thể can thiệp sâu vào việc xác định giá, và chính việc này khiến công tác điều hành không có sự linh hoạt.

Bên cạnh đó, ông cho rằng cần xác định lại các mốc thời gian để tránh câu chuyện lúc thế giới lên mà trong nước chưa đến kỳ lại không thể điều chỉnh được. "Sự linh hoạt và nguyên tắc thị trường chưa đảm bảo được cho nên phải thay đổi một cách toàn diện", ông An nhấn mạnh.

Xếp hàng đổ xăng ở TP.HCM, Hà Nội là khó chấp nhận

Cuối tháng 10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chỉ đạo Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Tài chính nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu. Theo Thủ tướng, đây là vấn đề được dư luận quan tâm và liên quan trực tiếp đến người dân. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu liên Bộ chủ động phối hợp, tích cực xử lý, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình. Trong đó, nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá cũng như điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu...

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.

Trưa 2/11, nhiều người phải xếp hàng dài chờ đổ xăng ở Hà Nội. Nhiều cây xăng chỉ bán số lượng giới hạn 30.000-50.000 đồng/lượt. Ảnh: Minh Khánh.

Trong phiên họp tổ sáng 22/10 về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định chỉ được giao đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối tới thương nhân phân phối. Theo đó, nguồn cung và dự trữ hiện tại hoàn toàn đáp ứng đến gần hết tháng 11.

Về câu chuyện trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, ông Diên cho rằng có đến 7 bộ, ngành và địa phương đang cùng chịu trách nhiệm quản lý và đảm bảo nguồn cung xăng dầu, do đó cần có sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của các bên.

"Có thể lý giải việc thiếu hụt nguồn cung hay những quy định liên quan chiết khấu, đến chi phí hoa hồng… Nhưng đây là bề nổi, còn bản chất là cả cơ chế vận hành quản lý phải thay đổi, mà đầu tiên là phải minh định rõ ai là người chịu trách nhiệm, tránh đùn đẩy nhau", đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Ông nhấn mạnh không thể một đất nước với nền kinh tế mở, GDP hàng trăm tỷ USD mà lại thiếu xăng ở TP lớn. "Dù lý do gì đi chăng nữa, không thể chấp nhận câu chuyện này", ông An nói.

Vị đại biểu tái nhấn mạnh câu chuyện này cần thay đổi ngay, các đại biểu Quốc hội cũng đã nói nhiều, không thể chấp nhận giữa thế kỷ XXI mà người dân ở Hà Nội và TP.HCM phải xếp hàng mua xăng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cũng cho rằng cần cơ quan chủ trì chuyên trách để có thể chịu trách nhiệm cho toàn bộ quy trình, như vậy sẽ hợp lý, hiệu quả hơn.

Song theo ông Nam, khi Bộ Công Thương chủ trì điều hành xăng dầu cũng không phải một mình cơ quan này làm được, mà vẫn cần sự tham mưu, giám sát từ các cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện, như vậy đảm bảo đồng bộ, vẫn thể hiện được trách nhiệm của cơ quan chủ trì.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Tổng Công ty Lương thực miền Nam - Vinafood II

    Tổng Công ty Lương thực miền Nam - Vinafood II

    Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo. Mỗi năm, Vinafood II xuất khẩu trung bình từ 2,8 – 3 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD và doanh thu xuất ...