• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thương hiệu ABBank huy động tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp như thế nào?

Trong "cuộc đua" trái phiếu doanh nghiệp, ABBank đã "trả lời" các doanh nghiệp như thế nào? ABBank cũng tự mình mở ra vòng quay gọi vốn trái phiếu hàng chục nghìn tỷ đồng khác ra sao? Vướng mắc trong báo cáo tài chính, nợ xấu cho thấy, thương hiệu An Bình - ABBank thật sự chật vật, thậm chí có những gờ khi xây dựng thương hiệu.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) được thành lập ngày 13/05/1993, với tầm nhìn trở thành một trong những Ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam tập trung vào lĩnh vực bán lẻ. Theo đuổi chiến lược hoạt động gắn với hiệu quả và bền vững cùng phương châm “lấy sự hài lòng của khách hàng làm trọng tâm trong mọi hoạt động kinh doanh”, trong suốt chặng đường gần 29 năm phát triển, ABBank luôn được đánh giá là một Ngân hàng uy tín, là người đồng hành tận tâm, đáng tin cậy của các Khách hàng, Đối tác và Nhà đầu tư.

ABBank chú trọng công tác nâng cao chất lượng dịch vụ với đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, tận tâm; phát triển các sản phẩm dịch vụ giải pháp tài chính tiện ích, hiệu quả và linh hoạt; nâng cấp cơ sở vật chất và mở rộng mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp trên toàn quốc.

Tất cả nỗ lực này nhằm tạo ra giá trị gia tăng cùng những trải nghiệm dịch vụ tài chính vượt trội cho khách hàng khi giao dịch với ABBank. Không chỉ hướng đến sự bền vững trong hoạt động kinh doanh, ABBank còn ghi dấu ấn là một Ngân hàng thân thiện và tích cực trong các hoạt động cộng đồng, hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài của xã hội thông qua các dự án đầu tư cho giáo dục, y tế, khuyến tài và những chiến dịch “sống xanh” được thực hiện trên khắp các vùng miền đất nước.

Năm giá trị cốt lõi mới được ABBank lựa chọn cho những giá trị và niềm tin chung, bao gồm: Khách hàng là trọng tâm; Nhân sự là tài sản; Cộng tác cùng phát triển; Linh hoạt và thích ứng; Kỷ luật để chiến thắng.

Năm Giá trị cốt lõi này hướng đến các yếu tố tiên quyết về Khách hàng, đề cao vai trò của cán bộ nhân viên trong tổ chức cũng như xây dựng các “từ khóa” trong hành động để đạt được các mục tiêu chiến lược nêu trên, đó là Cộng tác, Linh hoạt, Thích ứng và Kỷ luật.

“Lấy sự hài lòng của khách hàng làm trọng tâm cho mọi hoạt động kinh doanh chính là phương châm mà ABBank đặt ra và theo đuổi trong suốt nhiều năm hoạt động, cùng với định hướng phát triển phải gắn với tính hiệu quả và bền vững. Phương châm này sẽ tiếp tục phát huy và thực sự trở thành văn hóa của Ngân hàng. ABBank cũng chú trọng xây môi trường làm việc linh hoạt thích ứng, nơi mọi nhân viên đều được tạo điều kiện để phát huy năng lực của mình", ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ABBank cho biết.

ABBank - Ngân hàng TMCP An Bình.

Trong bối cảnh các cơ quan chức năng liên tiếp đưa ra những cảnh báo về rủi ro liên quan đến ngân hàng “ôm” trái phiếu doanh nghiệp, phía ngân hàng ABBank lại liên tiếp là đơn vị "thu xếp" các đợt phát hành trái phiếu cho loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái Tập đoàn Geleximco, hé lộ những câu chuyện đằng sau của các doanh nghiệp này.

ABBank đang trở thành “bệ đỡ” đắc lực cho Tập đoàn Geleximco với“vòng xoay khép kín” cùng hệ sinh thái "too big" doanh nghiệp "nắm" được cả chủ nợ Ngân hàng, hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp thực hiện chóng vánh.

“Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đã được cảnh báo nhiều lần chứ không phải bây giờ mới cảnh báo", ông Vương Đình Huệ-Chủ tịch Quốc hội cho hay tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây. Trong cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần có đánh giá nợ xấu phát sinh mới, nhất là liên quan đến lĩnh vực bất động sản, liên quan đến trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng.

Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, riêng phát hành năm 2021 đến hơn 700 nghìn tỷ, trong đó 44% về các lĩnh vực bất động sản.

Tiền đâu đổ vào trái phiếu doanh nghiệp với số lượng nhiều, lớn đến vậy là một câu hỏi lớn của giới tài chính. Khi bóc tách các vấn đề ra có thể thấy, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp trong các khâu tư vấn, phát hành, tài sản đảm bảo...thì nhiều ngân hàng còn tham gia đầu tư nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp. Tức, tiền từ ngân hàng huy động được lại đổ sang doanh nghiệp theo con đường đầu tư vào trái phiếu thay vì con đường cho vay.

Lấy ví dụ về "vòng xoáy" liên quan giữa ngân hàng và trái phiếu, việc Tập đoàn GELEXIMCO - Công ty CP (GELEXIMCO) và nhiều công ty thành viên liên quan phát hành thành công hàng chục nghìn tỷ đồng là một ví dụ điển hình.

CTCP Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam (HTL Việt Nam) – Công ty thành viên của Tập đoàn Geleximco thông báo phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 03 năm, với mức lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên là 9,5%/năm.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).

Nguồn: Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội HNX.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được dùng để nộp tiền sử dụng đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất và đầu tư, phát triển dự án khu nhà ở tại lô đất ký hiệu 1 và 2, phía Đông đường Hùng Vương, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Số tiền sử dụng đất phải nộp cho 02 lô đất này là 1.000 tỷ đồng, được chia thành 02 đợt nộp từ tháng 06 – 09/2021.

Đây có thể là 02 lô đất trong đợt bán đấu giá 3 khu đất ký hiệu 1, 2, 3 của UBND tỉnh Phú Yên để thực hiện các dự án nhà ở tại khu vực phía đông đường Hùng Vương, TP. Tuy Hòa được tổ chức vào quý II/2021.

Bên cạnh 02 dự án tại Phú Yên, ABBank còn cung cấp tài chính cho các dự án bất động sản khác của HTL Việt Nam. Đơn cử như cuối năm 2019, HTL Việt Nam đã thế chấp toàn bộ quyền lợi hợp tác với CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco) tại khu đảo BalBoa thuộc dự án Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng) vào ABBank.

Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng có quy mô 480 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 5 năm (giai đoạn 1 từ năm 2019 – 2020, giai đoạn 2 từ năm 2021 – 2023).

Theo tìm hiểu của PV Thương hiệu và Công luận, HTL Việt Nam có quy mô vốn điều lệ 600 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Vũ Văn Hậu sở hữu 60% vốn điều lệ; ông Trần Nam Trung và bà Đặng Thị Bích Vân mỗi người sở hữu 20% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, ông Vũ Văn Hậu được biết đến là em trai của Chủ tịch Geleximco, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Vũ Văn Tiền. Ông Hậu cũng là cổ đông sáng lập, hiện đang giữ vị trí Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc của Geleximco.

Phối cảnh dự án Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng của Geleximco - ABBank làm "bệ đỡ". Nguồn Geleximco.

Không chỉ đứng ra thu xếp cho HTL Việt Nam, loạt doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Tập đoàn Geleximco đã và đang đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu cũng ‘qua tay’ ABBank.

Từ ngày 01/09 đến 30/09/2021, Vạn Hương Investoco đã huy động thành công 1.400 tỷ đồng trái phiếu qua 2 đợt phát hành với các mã là DRGCH2126001 (400 tỷ đồng) và DRGCH2124003 (1.000 tỷ đồng).

Ngân hàng ABBank và CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) cũng là các bên đứng ra thu xếp cho đợt phát hành trái phiếu của Vạn Hương.

Vạn Hương Investoco cho biết, mục đích huy động vốn nhằm bổ sung vốn đầu tư, xây dựng khu số IX… thuộc dự án khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng. Đây là các lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản. Kỳ hạn 60 tháng với trái phiếu DRGCH2126001 và 36 tháng với lô DRGCH2124003.

Lãi suất trái phiếu DRGCH2126001 áp dụng cho 02 kỳ tính lãi đầu tiên là 9% năm, ở các kỳ sau là lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,5%/năm. Trong khi đó, DRGCH2124003 dù có kỳ hạn chỉ bằng phân nửa, nhưng lãi suất lên đến 9,8%/năm ở 02 kỳ tính lãi đầu tiên, lãi các kỳ sau cũng cao hơn với LSTC cộng biên độ 4%/năm.

Được biết, để huy động 1.400 tỷ đồng trái phiếu, trong tháng 09/2021 Vạn Hương Investoco đã thế chấp tại ABBank lần lượt Khu V (Khu đảo con Sò) lô đất có ký hiệu từ ND-126 đến ND-129 và ND-241 đến ND-253 thuộc Khu IX thuộc dự án Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng.

Trước đó, từ ngày 20/04 – 18/07/2020, Vạn Hương Investoco đã hoàn tất đợt phát hành 670 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm. Vào tháng 10/2019, doanh nghiệp này đã thế chấp toàn bộ lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất thuộc Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Balboa nằm trong dự án Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng tại ABBank – Chi nhánh Hà Nội.

Việc ABBank đứng ra là đơn vị thu xếp đợt phát hành trái phiếu cho các công ty thành viên của Tập đoàn Geleximco diễn ra trong bối cảnh các cơ quan chức năng liên tiếp đưa ra những cảnh báo về rủi ro liên quan đến ngân hàng “ôm” trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt đã xuất hiện nghi vấn doanh nghiệp dùng trái phiếu để đảo nợ ngân hàng. Điều này đã làm cho ABBank đang ở trong "tầm ngắm" của cơ quan chức năng cũng như chuyện nợ.

Geleximco đã xây dựng mô hình phát triển thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, tập trung vào 05 lĩnh vực chính: Sản xuất Công nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Bất động sản; Thương mại – Dịch vụ và Nông nghiệp Công nghệ cao. Đối với lĩnh vực ngân hàng, Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...

Quay trở lại với việc phát hành trái phiếu thành công vang dội của hệ sinh thái Geleximco, có thể thấy, ngân hàng liên quan đến Geleximco cũng đã đóng vai trò không hề nhỏ cho các doanh nghiệp hệ sinh thái Geleximco huy động vốn. ABBank nhận thế chấp các dự án bất động sản từ hệ sinh thái Geleximco để cho Geleximco vay vốn, Geleximco lấy cổ phiếu ABB của ABBank đi...thế chấp vay vốn...Trong khi đó, các công ty khác như Chứng khoán An Bình cung ứng dịch vụ tư vấn phát hành, lên thủ tục phát hành.

Vòng xoay khép kín đó trở nên trở nên hiệu quả khi hàng nghìn tỷ đồng để xây dự án nhanh chóng được giải quyết. Nếu như con số nghìn tỷ không đủ cho dự án lớn thì nghìn tỷ khác lại được "bơm" chỉ trong thời gian rất ngắn.

Ngân hàng cũng "xoay tiền" từ trái phiếu và đầu tư nhiều vào trái phiếu cần bước đi vững chắc, bài bản

Không chỉ huy động vốn trong dân, một kênh khác cực kỳ hữu hiệu để ABBank "xoay tiền" là trái phiếu.

Tiền ngân hàng đổ hàng nghìn tỷ đồng sang doanh nghiệp hoặc thu xếp hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp khó hiểu bao nhiêu thì câu chuyện...tiền đâu để ngân hàng "chơi lớn" như vậy tiếp tục lại là ẩn số.

Tổng hợp theo công bố VBMA - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp.


Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, từ khoảng tháng 06/2021 đến nay, Ngân hàng An Bình cũng đã huy động được 11.000 tỷ đồng trái phiếu.

Theo báo cáo tài chính năm 2021, Ngân hàng An Bình "xuất sắc" trong việc phát hành trái phiếu bao nhiêu thì cũng đi đầu tư trái phiếu nhiều bấy nhiêu. Tại thời điểm cuối năm 2021, An Bình Bank đầu tư gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đầu tư hơn 4.942 tỷ đồng trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác phát hành và đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Năm 2018, ABBank tiếp tục báo vốn chủ sở hữu 6.869 tỷ đồng, tổng số nợ phải trả 83.129 tỷ đồng đồng. Hệ số nợ/Vốn chủ sở hữu là 12,1. Trong đó dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu chiếm 27,4%. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 715 tỷ đông.

Báo cáo tài chính hợp nhất ABBank – Ngân hàng TMCP An Bình.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ABBank năm 2019 đạt 1.001 tỷ đồng, tăng 286 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên, ABBabk cho rằng, mức lợi nhuận còn khiêm tốn chủ yếu do ABBank vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh trong năm tương đối cao (đặc biệt là chi phí thoái thu lãi do xử lý nợ xấu) và ABBank phải tập trung nguồn lực để trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng trái phiếu VAMC theo đúng quy định.

Năm 2020 ghi nhận vốn chủ sở hữu tăng lên, đạt 8.911 tỷ đồng, kèm theo đó là nợ phải trả đạt 107.456 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính hợp nhất 2020 ghi nhận, số dư nợ trái phiếu đột ngột giảm xuống bất ngờ từ 5.170 tỷ đồng năm 2019 giảm xuống còn 400 tỷ đồng, chiếm 4,5% vốn chủ sở hữu.

Cũng năm 2021 ghi nhận vốn chủ sở hữu tăng 2.818 tỷ đồng so với năm 2022, ước tính đạt 11.729 tỷ đồng. Cùng với đó, số dư nợ trái phiếu bất ngờ đảo chiều, tăng vọt lên 11.000 tỷ đồng so với năm 2020, ước tính đạt 11.400 tỷ đồng, chiếm 97,2% vốn chủ sở hữu.

Ngân hàng TMCP An Bình - ABBank (mã ABB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 576 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mảng tín dụng mang về khoản thu nhập lãi thuần 828 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 15,9%, đạt hơn 63 tỷ đồng trong khi mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận khoản lợi nhuận 187 tỷ đồng, tăng trưởng 80,5% so với cùng kỳ.

Dù vậy, một số mảng hoạt động khác của ABBank không được khả quan, như hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận khoản lỗ gần 58 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lãi gần 114 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lỗ hơn 10 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm 15%, còn 42 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của ABBank ở mức 1.057 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,8% so với cùng kỳ trong khi tổng chi phí hoạt động tăng tới 9,3%, lên 437 tỷ đồng. Dù vậy, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng lại giảm mạnh tới 63,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 44 tỷ đồng.

Theo đó, kết thúc quý I/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 20,4%, lên gần 576 tỷ đồng. Với kết quả này, ABBank đã hoàn thành 19% kế hoạch lợi nhuận của cả năm nay (3.079 tỷ đồng).

Tính đến 31/03/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 128.588 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ, trong đó, cho vay khách hàng tăng 6,5%, đạt 73.437 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 5,1% so với đầu năm, đạt 71.322 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng của ABBank hiện ở mức 1.701 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 2,34% đầu năm xuống còn 2,32%.

Nguồn: thuonghieu&congluan

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác