• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thương nhớ đồng đội đã hy sinh, không quên những nạn nhân chất độc da cam còn khó khăn 

Tháng 7 năm nay, cả nước tri ân những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước. Còn tôi, thương nhớ đồng đội khôn nguôi, đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời đang còn quá trẻ. Không thể nào quên được con em đồng chí, đồng đội là những nạn nhân chất độc da cam, cuộc sống còn vô cùng khó khăn.
Anh Đang, quê ở xã Thạch Bằng (nay là xã Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh – một chàng trai vùng biển khỏe mạnh, cần cù, chịu khó, được giao nhiệm vụ gì cũng hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt, anh bắn súng rất giỏi, ở mọi tư thế.

Khi đơn vị nhận lệnh lên đường tham gia chiến dịch mùa Xuân 1975, ai nấy đều hừng hực khí thế với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đơn vị anh Đang được giao nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị tiến công giải phóng Thừa Thiên – Huế. Trong trận đánh mở màn, mũi tiến công của Đại đội có nhiệm vụ chiếm cao điểm khe Thai, mở đường xuống Huế. Địch chống trả dữ dội, pháo binh và xe tăng yểm trợ liên tục. Cao điểm này là tuyến phòng thủ then chốt của địch, vì vậy Đại đội được lệnh phải đánh chiếm và giữ bằng được.

Anh Đang đã dùng súng B41 tiêu diệt hai lô cốt địch, mở cánh cửa tiến vào trung tâm cao điểm. Khi đơn vị xung phong, anh bị một viên đạn xuyên qua ngực, gục xuống bên khẩu súng. Đại đội trưởng nghẹn ngào ôm lấy đồng đội: “Em ơi! Anh thương em vô cùng. Em ra đi khi chiến dịch mới bắt đầu. Đồng đội sẽ bắt kẻ thù đền tội!”. Đôi mắt anh Đang khép lại, anh được chuyển về tuyến sau an táng, còn đơn vị tiếp tục nhiệm vụ chiến đấu.


Tòng – người bạn thân thiết của tôi, quê ở phố Hàng Đào, Hà Nội. Dù khác đơn vị nhưng chúng tôi rất quý mến nhau. Tòng là chàng trai Hà thành thư sinh, thông minh, dí dỏm. Tòng có người yêu là Thịnh – một nữ sinh xinh xắn, thùy mị. Hai người định tổ chức lễ cưới sau đợt phép, nhưng Chiến dịch mùa Xuân 1975 bắt đầu, Tòng lên đường chiến đấu qua các chiến trường: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết, Xuân Lộc rồi vào Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 30/4/1975, khi đơn vị Tòng tiến đến sông Sài Gòn, khoảng 10 giờ sáng, Tòng đưa các đồng chí chỉ huy vượt sông Cát Lái. Lúc đó, hai tàu chiến địch kéo cờ trắng đầu hàng. Không ngờ khi quân ta đang vượt sông, địch bất ngờ nổ súng, Tòng trúng đạn hy sinh. Địch lập tức bị tiêu diệt. Khi nhận tin Tòng mất, tôi bàng hoàng, đau đớn. Một người lính trinh sát tài năng, chiến đấu suốt chặng đường dài, lại ngã xuống ngay trận đánh cuối cùng. Đến nay gần 50 năm, tôi vẫn không thể nào quên Tòng – người bạn, người chiến sĩ anh dũng.


Liệt sĩ Đặng Đình Hải – con trai Đại tá, Anh hùng LLVTND Đặng Đình Hồ, quê xã Phong Thịnh (nay là xã Cát Ngạn), huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ông Hồ là một người lính từng tham gia kháng chiến chống Pháp, từng được phong danh hiệu Anh hùng đầu tiên của quân đội ta.

Liệt sĩ Đặng Đình Hải chiến đấu anh dũng, hy sinh trong Chiến dịch biên giới Tây Nam.

Liệt sĩ Đặng Đình Hải chiến đấu anh dũng, hy sinh trong Chiến dịch biên giới Tây Nam.

Khi chiến dịch biên giới Tây Nam nổ ra, anh Hải – lúc đó là Đại đội trưởng trinh sát Sư đoàn 304 – xung phong xuống đơn vị trực tiếp chiến đấu. Trong một trận mở đường vượt kênh Vĩnh Tế, đơn vị anh Hải được điều lên chi viện khi mũi chính gặp kháng cự mạnh. Anh chỉ huy đơn vị đánh vào hai sườn địch, mở được đường cho quân ta tiến vào giải phóng Campuchia. Trong lúc chỉ huy, anh bị đạn 12,8mm xuyên qua tim.

Tôi chạy đến, bác sĩ quân y lắc đầu: “Anh Hải không thể qua khỏi”. Trước lúc đi, anh dặn tôi: “Nói với bố là con đã làm tròn nhiệm vụ, con xứng đáng là con ngoan của bố. Nhắn với vợ tớ – Thu – hãy tìm người tốt mà nương tựa. Nhắn con gái, bố hy sinh vì đất nước, hãy nghe lời ông bà, mẹ mà chăm ngoan, học giỏi”. Nói rồi, anh ra đi trong nước mắt của đồng đội.

Mấy năm sau, khi gặp lại Đại tá Đặng Đình Hồ – lúc ông làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 – tôi kể lại những lời trăng trối của anh Hải. Ông nghẹn ngào khóc, kể: “Trước chiến dịch, có người đề nghị cho Hải lên Ban tác chiến Sư đoàn để an toàn hơn. Nhưng tôi từ chối, vì nếu con cán bộ đưa về nơi an toàn, còn con dân ra trận thì sao gọi là gương mẫu? Tôi muốn con tôi trưởng thành trong chiến đấu”. Giọng ông lặng đi: “Cháu ơi, mình mất con đau bao nhiêu, người dân mất con cũng đau như thế”.


Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng hậu quả vẫn còn dai dẳng. Tôi may mắn được sống sót trở về, mỗi năm đến ngày 27/7 và dịp Tết Nguyên đán, tôi lại cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Vinh, tỉnh Nghệ An vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp trao quà cho đồng đội bị thương, con em nạn nhân chất độc da cam.

Tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ (nay xã Đức Minh) tỉnh Hà Tĩnh.

Tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ (nay là xã Đức Minh) tỉnh Hà Tĩnh.

Chúng tôi từng đến thăm một gia đình ở phường Lê Mao – hai cha con bị nhiễm chất độc da cam thể thần kinh, phải xích riêng hai phòng. Quần áo, chăn màn bị xé mỗi lần phát bệnh. Nhìn hoàn cảnh ấy, ai cũng rơi nước mắt. Một phong bì nhỏ bé ngày Tết không thể nào bù đắp được những mất mát quá lớn.

Cháu Trần Đức Duy, 5 tuổi, ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là thế hệ thứ 3, không được hưởng chế độ gì. Bị úng thủy não, liệt, mẹ tâm thần, bố là nạn nhân chất độc da cam thế hệ 2, cả nhà chỉ sống bằng 1,6 triệu đồng/tháng. Đến thăm, ai cũng lặng người. Hậu quả chiến tranh thật quá đau lòng.

Hay cháu Đặng Thị Như Quỳnh, ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân – mẹ bỏ đi, hai bố con sống bằng tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam ít ỏi. Rồi một người mẹ già ở xã Đức Minh, huyện Đức Thọ ngày ngày bón cháo cho con gái nạn nhân chất độc da cam, bị liệt hơn 40 năm. Bà không than vãn, chỉ mong sống lâu để còn chăm con. Một người mẹ Việt Nam tiêu biểu cho đức hy sinh, chịu đựng và tình mẫu tử vô bờ.

Chúng tôi cũng từng đến thăm một gia đình ở phường Trường Vinh (TP Vinh): người con trai học Đại học Bách khoa năm thứ 3, nhưng vì ảnh hưởng chất độc da cam từ cha, anh phải bỏ học, nằm liệt, đầu to dần. Gia đình chỉ biết ngóng từng ngày...

Hiện nay còn nhiều nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3 chưa được hưởng chế độ. Chúng tôi tha thiết mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cùng chung tay giúp đỡ những gia đình nạn nhân, thương binh, liệt sĩ, để họ vơi bớt nhọc nhằn trong cuộc sống.

Nguồn: Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác