Quang cảnh buổi làm việc
Trong 6 tháng đầu năm 2025, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh trong thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư; tập trung triển khai thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn, chuyển tải kịp thời nguồn vốn chính sách đến các đối tượng thụ hưởng.
Chi nhánh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, góp phần đưa nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Qua đó, giúp hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống.
Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của chi nhánh đến ngày 24/6/2025 đạt trên 5.972 tỷ đồng, tăng hơn 284,5 tỷ đồng so với 31/12/2024 (+5,0%). Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt trên 295,9 tỷ đồng, tăng hơn 66,3 tỷ đồng so với năm 2024 (+28,88%), hoàn thành 120,6% kế hoạch. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.970 tỷ đồng, tăng hơn 282,2 tỷ đồng so với đầu năm (+4,96%), hoàn thành 99,2% kế hoạch tăng trưởng giao, với 83.727 hộ còn dư nợ. Hiện nay, bình quân dư nợ/khách hàng vay đạt 71,3 triệu đồng/khách hàng.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 17.086 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 4.589 lao động, trong đó có 61 người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp 89 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 18.853 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 143 căn nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thu nhập thấp, …
Tại tỉnh Quảng Trị, chi nhánh đã tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; Kết luận số 06-KL/TW; Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đến nay đạt 259 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng nguồn vốn, tăng 40,5 tỷ đồng so với năm 2024, hoàn thành 116% kế hoạch Trung ương giao. Đến ngày 24/6/2025, tổng dư nợ của chi nhánh đạt 5.542 tỷ đồng, tăng 255,5 tỷ đồng so với năm 2024, tốc độ tăng trưởng đạt 4,8%, với 76.063 hộ còn dư nợ; dư nợ bình quân đạt 72,9 triệu đồng/hộ/năm (tăng 3,7 triệu đồng so với năm 2024).
Trong 6 tháng đầu năm 2025, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ cho 2.463 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 2.396 lao động được tạo việc làm mới; 214 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; 14.134 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 1.175 hộ dân tại vùng khó khăn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; 118 hộ dân được vay vốn để xây mới và sửa chữa nhà ở; 39 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống theo quyết định 22/2023/QĐ-TTg,…
Cùng với việc tăng trưởng dư nợ, chi nhánh luôn quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, nợ quá hạn là 2.231 triệu đồng, tăng 571 triệu đồng so với năm 2024, chiếm 0,04% trên tổng dư nợ. Toàn tỉnh hiện có 77/119 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn, chiếm 64,7%/tổng số xã trên địa bàn. 100% đơn vị cấp huyện và cấp xã đều có chất lượng hoạt động xếp loại tốt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng yêu cầu các chi nhánh tiếp tục chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, các sở, ban ngành tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, bám sát việc thay đổi đơn vị hành chính cần tuyên truyền, duy trì mạng lưới hoạt động tại Điểm giao dịch xã, phường sau sát nhập để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và tích cực chủ động làm việc, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng kế hoạch tổng cầu tín dụng đến năm 2030 nhằm huy động, bố trí nguồn vốn cho phù hợp, sẵn sàng phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, tăng cường các giải pháp phòng ngừa và công tác quản trị rủi ro nhằm nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội cũng như vai trò, hiệu quả hoạt động của NHCSXH. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động; đánh giá, khen thưởng kịp thời những cán bộ có thành tích xuất sắc, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở nhằm động viên, khích lệ cán bộ trong toàn hệ thống hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với tinh thần “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Nguồn: Ngân hàng Chính sách xã hội
Bình luận