Quế Phong là huyện biên giới của tỉnh Nghệ An giáp Lào, cách thành phố Vinh gần 200 cây số |
Năm năm làm chủ tịch huyện biên giới, đối với ông Lê Văn Giáp, thời gian ấy nó nhanh như một tiếng thở dài sau một chặng leo dốc, nhưng với đời người là cả những câu chuyện buồn vui. Nơi này, mùa hè thì lo hạn hán, cháy rừng, mùa mưa thì lo ngập lụt, sạt lở, di dời dân... Có hôm trời đang nắng to, hạn khô cả núi, nhưng bỗng mưa xuống, đã có xã báo ra, nhà dân bị sập do tố lốc, sáng tinh mơ thầy tớ lại lọ mọ xuất quân đến tận nơi thăm hỏi, tặng quà, chỉ đạo địa phương hỗ trợ dân dựng lại nhà, cung cấp lương thực... Có lần mưa đang sụt sùi cả chục ngày, chưa kịp khắc phục sạt lở bỗng nắng gay gắt rồi lại có người báo tin, một gia đình bị bà hỏa thiêu rụi, lại phải lên đường. Làm chủ tịch to lắm, đứng đầu cả một huyện, nhưng cũng lắm chuyện không tên phải lo. Nói là không tên vì toàn là chuyện đột xuất buộc chủ tịch huyện phải trực tiếp xử lý giải quyết.
Những năm trước đây, Quế Phong được mệnh danh là đất quế. Cũng chính vì thế, năm 1963, khi tách từ huyện Quỳ Châu ra thì vùng đất này có tên là Quế Phong chắc vì là đất quế. Những năm ấy, Quế Phong được bác Hồ gửi thư khen là huyện miền núi của cả nước làm tốt công tác xóa mù chữ trong phong trào “Bình dân học vụ”. Quế Phong nổi tiếng bởi có câu “Nhất quế quỳ, nhì quế Thanh” để chỉ danh tiếng sản vật của vùng đất này. Trong tài liệu về tác dụng của cây quế mà các danh Y cho biết, thì: Quế cành, lá và vỏ dùng cất tinh dầu. Vỏ quế gọi là quế thông, gọt bỏ vỏ thô bên ngoài, lấy lớp trong gọi là quế tâm. Quế có công dụng trong y học dân gian: Quế chi, vị cay ngọt, tính ấm, chữa cảm lạnh không có mồ hôi và tê thấp chân tay đau buốt. Quế tâm, chữa đau tim. Quế thông, chữa các chứng lạnh trong nội tạng. Quế nhục có vị ngọt cay, tính nóng, thông huyết mạch, làm mạnh tim, tăng sức nóng, chữa các chứng trúng hàn, trúng phong, hôn mê, tim yếu và bệnh dịch tả nguy cấp, khử mùi hôi...Quế dùng làm bánh, gia vị...
Những năm 80 của thế kỷ trước, huyện Quế Phong có phong trào trồng quế. Ông Quang Trung Cường, lúc đó là chủ tịch huyện, đã phát động toàn dân trồng quế, nhà nhà trồng quế, lâm trường trồng quế. Bản thân gia đình chủ tịch huyện cũng trồng 5 héc ta quế làm gương cho dân. Ông nói, cán bộ muốn dân tin, dân làm theo thì mình phải làm gương. Những năm đó, huyện Quế Phong được coi là huyện trồng nhiều quế nhất tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, nguồn cung át cả cầu, lại không tìm được đầu ra, nên đã có phong trào chặt hạ quế để trồng các loại cây khác có giá trị hơn. Từ bấy đến nay, huyện Quế Phong đã trăn trở nhiều trong các nhiệm kỳ của Đại hội nhằm tìm hướng mới cho người dân thoát nghèo. Là huyện nằm trong diện 30a, Quế Phong phải dựa vào hỗ trợ của nhà nước. Nhiều diện tích rừng được giao cũng chỉ để phát nương làm rãy, trồng cây lương thực. Nếu như không tìm được lối ra, Quế Phong sẽ mãi là huyện nghèo và cái nghèo cũng là mối đe dọa đối với hàng ngàn héc ta rừng của khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Một góc bản làng tái định cư, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong |
Vậy Quế Phong phải làm gì để thoát nghèo. Ông Lê văn Giáp cho biết: - Ban đầu là cây chanh leo, một thứ cây thoát nghèo đã được nhắc đến trong nhiều báo cáo thành tích của huyện, tuy nhiên với số lượng hàng trăm héc ta chanh leo cũng mới chỉ giải quyết thoát nghèo cho một bộ phận người dân ở các xã Tri Lễ, Quang Phong, Cắm Muộn, và chanh leo lại khó chăm sóc đối với người dân vùng cao vì đòi hỏi phải hiểu biết kĩ thuật. Trong khi đó, thế mạnh của Quế Phong là cây quế và quế chỉ mất công lúc ươm cây và trồng, sau đó cây tự phát triển, nhưng chưa tìm được lối ra.
Rồi có một ngày, một đơn vị trong lĩnh vực lâm nghiệp đã phối hợp với huyện lấy mẫu cây quế bản địa ra Hà Nội xét nghiệm và cho thấy kết quả thật bất ngờ. Hàm lượng tinh dầu của cây quế Quỳ, trên đất Quế Phong, trong vỏ quế là 6%, trong khi đó, quế được trồng tại nhiều vùng trong cả nước trung bình chỉ là 2,5%; trong lá quế là 2,63%, của nơi khác chỉ 1,5%, như vậy hàm lượng rất cao. Ông Lê Văn Giáp cho biết, điều quan trọng nhất đối với thị trường Châu Âu là hàm lượng chì thì quế Quỳ đạt mức thấp hơn cả dưới mức cho phép. Từ những thông tin mang tính khoa học này, ông đã đề xuất khôi phục lại cây quế Quỳ. Khâu đầu tiên là phối hợp các nhà khoa học tìm được cây quế bản địa, sau đó, ươm, nhân giống.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt, đóng trên địa bàn xã Tiền Phong, khẳng định quế Quỳ đã được các nhà khoa học xét nghiệm cho biết chất lượng tốt nhất, 2 năm lại nay, 9 xã thuộc phạm vi địa bàn Khu bảo tồn quản lý đã trồng được 27 héc ta quế đặc sản giống bản địa. Bên cạnh việc tìm lại vị trí cho cho cây quế trên đất Quế Phong thì đơn vị đang xây dựng chiến lược tìm đầu ra cho người dân, khi cây quế được phát triển ồ ạt, nhất là xuất khẩu sản phẩm từ cây quế. Muốn phát triển cây quế thì quy trình gieo ươm cũng phải sau hai tháng thì mới đem trồng được.- Ông Hiếu cho biết.
Quế Phong có đường biên giới chung với huyện Samtai tỉnh Huaphanh, nước bạn Lào |
Trở lại với nguyên Chủ tịch huyện Quế Phong Lê Văn Giáp, ông cho biết, tỉnh đã cho huyện xây dựng dự án phối hợp Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Pù Hoạt xây dựng vườn ươm. Sau khi có giống thì phát động các địa phương cùng trồng. Một tin vui từ viện Công nghệ xanh cho biết các mẫu xét nghiệm cây quế hữu cơ của Quế Phong đều đạt tiêu chuẩn xuất sang Châu Âu. Mới đây Công ty phát triển năng lượng xanh đã giúp huyện một máy sấy quy mô nhỏ, sau khi sơ chế thì Công ty bao tiêu sản phẩm ra Hà Nội để hoàn chỉnh sản phẩm xuất khẩu. Như vậy, sau cây chanh leo, chè hoa vàng, thì cây quế được xác định là thế mạnh riêng của huyện Quế Phong.
Vườn quế đã hồi sinh tại xã Thông Thụ, huyện Quế Phong |
Theo ông Lê Văn Giáp, Quế Phong hiện đã có 383 héc ta quế trên 20 năm tuổi, trên địa bàn của 10 xã. Với mật độ 200 cây trên héc ta, khoảng 76.600 cây. Nếu tính cây từ 5 tuổi trở lên Quế Phong có hơn 1000 héc ta quế. Nếu tính sơ theo giá tư thương trả cây 20 năm tuổi với giá 5 triệu đồng một cây thì Quế Phong đã có hàng trăm tỷ đồng, nhưng như thế cũng chưa đủ, cần phải phát triển quế một cách bền vững, trở thành thương hiệu và xuất khẩu được sang Châu Âu thì 10 xã trồng quế mới thoát nghèo và làm giầu được. Ông Lê Văn Giáp chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là làm sao người dân biết trồng, có ý thức chăm sóc và bảo vệ. Bên cạnh đó cũng phải có những đơn vị hỗ trợ người dân về kĩ thuật trồng và chăm sóc, sau đó ổn định đầu ra cho dân. Ngay sau khi có kết quả phân tích hàm lượng tinh dầu, thì huyện đang tiếp tục quảng bá giới thiệu sản phẩm, thu hút các đơn vị phối hợp để tạo công ăn việc làm cho người dân vừa bảo tồn phát triển cây quế Quỳ, một loại cây đặc sản đã có từ bao đời trên đất Quế Phong vừa ổn định thu nhập, sinh kế, cho người dân vùng trồng quế.
Lang Quốc Khánh
Bình luận