• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Toàn cảnh căng thẳng Nga-Ukraine, quan điểm và cán cân lực lượng các bên

Căng thẳng giữa NATO và Nga đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, khi Nga triển khai quân mạnh mẽ sát Ukraine, đối mặt cáo buộc chuẩn bị “xâm lược” nước láng giềng – một cáo buộc mà Moskva kịch liệt bác bỏ.

Một người lính Ukraine đi trong chiến hào gần Verkhnotoretske, Ukraine ngày 7/2/2022. Ảnh: Getty Images

BẾ TẮC

Quan điểm của Nga: Các quan chức Điện Kremlin tập trung vào Thỏa thuận hòa bình Minsk ký năm 2015, nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Kiev và lực lượng đòi độc lập ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine. Điện Kremlin cáo buộc các quan chức Ukraine đã không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận.

Điện Kremlin cũng nỗ lực tìm cách đảm bảo rằng Ukraine, quốc gia thuộc Liên Xô cũ, sẽ không bao giờ gia nhập liên minh quân sự NATO, do Mỹ đứng đầu. Trong “tối hậu thư” ngày 17/12/2021 gửi cho Mỹ và phương Tây, Nga công bố 8 yêu cầu an ninh, trong đó có các điều khoản yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh này sau năm 1997 (gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan); NATO ngừng mở rộng về phía Đông, không kết nạp Ukraine và không diễn tập quân sự tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á, Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.

Nga cảnh báo hành động phớt lờ lợi ích của Moskva có thể dẫn tới “phản ứng quân sự” như những gì từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 7/2, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga kiên quyết phản đối việc NATO mở rộng về phía đông, "bởi vì nó gây ra mối đe dọa chung cho Nga”. “Không phải chúng tôi tiến về phía NATO, mà NATO đang tiến về phía chúng tôi”, ông Putin nói.

Tổng thống Nga Putin (trái) gặp gỡ người đồng cấp Pháp, Macron tại Moskva ngày 7/2, trao đổi về vấn đề Ukraine.

Quan điểm của Ukraine: Các quan chức ở Kiev từ lâu đã chỉ trích Thỏa thuận hòa bình Minsk - được Pháp, Đức, Nga và Ukraine ký kết sau một chuỗi tổn thất quân sự của Ukraine. Họ tuyên bố sẽ chỉ ủng hộ thỏa thuận nếu nó được tái cấu trúc.

Ukraine cho biết sẵn sàng đàm phán với Nga tại một nước thứ ba. “Ukraine sẵn sàng cho các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), cũng như ở Geneva, Vienna hoặc bất kỳ nơi nào khác một cách công bằng và không phụ thuộc vào một trong các bên, cụ thể là Nga” – Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov phát biểu trong tuần trước, được hãng tin Nga Interfax dẫn lời.

Quan điểm của phương Tây: Mỹ và các đồng minh phương Tây ủng hộ Thỏa thuận Minsk năm 2015, nhưng kêu gọi tất cả các bên tham gia thỏa thuận, bao gồm cả Nga, tuân thủ các cam kết ở phía mình.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ “tối hậu thư” của Nga đối với NATO, thay vào đó kêu gọi Moskva rút lực lượng của mình khỏi các khu vực dọc biên giới Ukraine và ngừng hỗ trợ lực lượng ly khai ở Donbas.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Putin ngày 7/2, Tổng thống Pháp Macron nói rằng chính sách mở cửa của NATO là cần thiết và rằng nền độc lập của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Ukraine, Belarus, Moldova cần được duy trì.

Máy bay Nga cất cánh trong một cuộc diễn tập chiến thuật tại Voronezh, cách Ukraine không xa, ngày 4/2/2022.

CÁN CÂN QUÂN SỰ

Quân đội Nga: Điện Kremlin bắt đầu điều chuyển quân tới các khu vực giáp biên giới với Ukraine vào năm ngoái. Các quan chức phương Tây cho biết hiện có hơn 100.000 binh sĩ Nga trong khu vực và tại Crimea. Nga cũng đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với đồng minh Belarus từ tuần trước.

Chính quyền Mỹ tin rằng Nga đang có kế hoạch “xâm lược” Ukraine, có thể là sau khi Moskva tạo cớ bằng cách phát đi hình ảnh thương vong của dân thường để làm dấy lên sự giận dữ đối với Kiev. Chính phủ Anh thì nói rằng Nga có kế hoạch gây bất ổn cho chính phủ Ukraine và cài đặt một lực lượng thân Nga vào thay.

Đánh giá gần đây nhất của Mỹ kết luận rằng Nga đã huy động khoảng 70% lực lượng chiến đấu mà họ cần để tiến hành một cuộc “xâm lược toàn diện” vào Ukraine và tấn công Kiev.

nh vệ tinh cho thấy máy bay chiến đấu Su-25 của Nga tại phi trường Luninets của Belarus ngày 5/2/2022.

Về thời gian, phía Mỹ cho rằng mặt đất ở biên giới Nga - Ukraine sẽ đóng băng hoàn toàn từ khoảng ngày 15/2, cho phép các phương tiện cơ giới của quân đội Nga di chuyển dễ dàng hơn. Điều kiện thời tiết này sẽ kéo dài đến cuối tháng 3.

Theo các quan chức Mỹ, mốc thời gian đó cùng số lượng và năng lực ngày càng tăng của lực lượng Nga gần biên giới Ukraine có thể cho thấy cánh cửa ngoại giao đang dần khép lại. Tuy nhiên, họ không cung cấp bằng chứng về những đánh giá mới nhất của mình.

Phía Nga chưa bình luận về thông tin trên, nhưng trước đó Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ kịch liệt các cáo buộc của Mỹ và phương Tây về cái gọi là “kế hoạch xâm lược Ukraine”. Hôm 4/2, Tổng thống Putin đã tới Bắc Kinh dự Olympic Mùa đông 2022 và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc hội đàm cùng ngày, hai nhà lãnh đạo phản đối quá trình mở rộng NATO, đồng thời kêu gọi liên minh quân sự này "từ bỏ cách tiếp cận dựa trên ý thức hệ từ thời Chiến tranh Lạnh".

Lực lượng Nga triển khai tại Yelsk (Belarus) bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander trong ảnh vệ tinh của Maxar.

Lực lượng NATO: Mỹ đã đáp trả các động thái huy động quân của Nga bằng cách gửi thêm quân đến Đông Âu, với khoảng 3.000 binh sĩ Mỹ triển khai tới sườn phía đông của NATO ở Romania, từ các vị trí hiện tại ở Đức và căn cứ Fort Bragg, bang Bắc Carolina (Mỹ). Trước đó, Lầu Năm Góc đã đặt 8.500 lính Mỹ trong tình trạng báo động cao độ .

Các đồng minh NATO cũng đã chuyển khí tài quân sự đến khu vực Baltics vào tháng trước, trong đó cả Đan Mạch và Bỉ đều gửi máy bay chiến đấu F-15 và F-16. London cũng đã đề nghị gửi máy bay phản lực, tàu chiến và chuyên gia quân sự.

Theo Nguồn TTXVN

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...