CổngTrung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội
Chúng tôi là những nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Hòa Bình, tháng 5/2022 đã được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam để thực hiện đợt xông hơi giải độc. Được biết, Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ tháng 03/2016 trên khuôn viên rộng 16 ha, tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Trung tâm là nơi nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho những NNCĐDC cũng là nơi gieo mầm hy vọng, nuôi dưỡng ý chí, tiếp thêm nghị lực, cổ vũ khát vọng sống và vươn lên hòa nhập cộng đồng của những con người bị nhiều thiệt thòi, đau khổ bởi hậu quả của chất độc da cam. Đây còn là nơi tập hợp các nhân chứng sống về thảm họa da cam ở Việt Nam; vận động các tầng lớp nhân dân, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục giúp đỡ nạn nhân, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Bác sĩ Nguyễn Tiến Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: mỗi năm tổ chức xông hơi giải độc cho từ 350 đến 500 người, chủ yếu là CCB và NNCĐDC đến từ tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Phương pháp giải độc theo công nghệ Mỹ (lron Hubbard), dựa trên nguyên lý giải độc không đặc hiệu, thông qua đường thải mồ hôi, tiêu hóa và tiết liệu; bằng cách sử dụng các Vitamin, khoáng chất hàm lượng cao, dầu thực vật, kết hợp với ăn, ngủ đầy đủ, luyện tập thể dục theo quy định, xông hơi từ 3 – 4 tiếng mỗi ngày. Người đến xông hơi, trước khi vào xông được khám sàng lọc sức khỏe hướng dẫn cách xông hơi và cấp thuốc, chỉ định cho từng người. Quy trình xông hơi, giải độc, khép kín 21 ngày liên tục.
Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hòa Bình trong phòng xông hơi (tháng 5/2022)
Những người qua xông hơi giải độc ở Trung tâm nhìn chung, sức khỏe được cải thiện tốt, ăn ngon, ngủ được, tăng cân, làn da mịn màng hơn, các bệnh như vẩy nến, đau đầu, viêm da, dị ứng, mất ngủ, suy nhược thần kinh đều thuyên giảm, thể trạng sức khỏe được cải thiện rõ rệt.
Từ năm 2016 đến nay tổ chức nuôi dưỡng phục hồi chức năng ngắn hạn cho 110 nạn nhân (thế hệ gián tiếp), nuôi dài hạn 4 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế bệnh tật, chủ yếu là các cháu bị khuyết tật chân tay, thiểu năng trí tuệ, câm điếc, hỏng mắt. Ngoài việc chăm sóc phục hồi cho các cháu nạn nhân, Trung tâm còn tổ chức một số hoạt động tổ chức dạy Tin học văn phòng và nghề may công nghiệp cho 28 học viên, các cháu sau khi được đào tạo, đã tự làm được công việc và có thu nhập cải thiện cuộc sống.
Qua tìm hiểu, chúng được biết từ năm 2019 đến nay, Trung tâm tự chủ về tài chính, với nỗ lực của cán bộ, nhân viên tích cực tăng gia sản xuất, tận dụng cơ sở vật chất, liên kết để tăng nguồn thu chi cho hoạt động của Trung tâm, mọi hoạt động luôn tuân thủ pháp luật và quy định của Hội, quản lý chặt chẽ cơ sở vật chất được giao và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, đồng thời làm tốt công tác dân vận, phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự khu vực, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực.
Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Trung tâm đã phối hợp với Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức gói “Bánh chưng xanh cùng nạn nhân nghèo ăn tết”, tặng 2.000 suất quà cho nạn nhân ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba vì và thị xã Sơn Tây; đã tổ chức thăm hỏi, trao 300 phần quà, trị giá mỗi phần quà 500.000 đồng cho nạn nhân huyện Thạch Thất trong dịp kỷ niệm ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8).
Những ngày xông hơi, giải độc ở Trung tâm đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc với các nạn nhân. Đội ngũ y bác sỹ, cán bộ, nhân viên phục vụ tận tình chu đáo, từ khâu tổ chức ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh nơi nghỉ, cấp thuốc, hướng dẫn chuyên môn, đến thăm hỏi động viên, chăm lo cho những nạn nhân không may bị ốm đau; Trung tâm tổ chức họp mặt rút kinh nghiệm kịp thời với các đoàn để tìm ra tiếng nói chung cho việc thực hiện ngày càng tốt hơn. Chính những việc làm tốt đẹp của cán bộ, nhân viên Trung tâm, đã góp phần nâng cao tinh thần, làm bớt đi nỗi u buồn bệnh tật, giảm những đau đớn trên cơ thể, tiếp thêm nghị lực cho nạn nhân để hòa nhập cộng đồng.
Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC Việt Nam đã thực sự mang lại sức khỏe, niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều NNCĐDC, đây là sự cảm nhận của nhiều người đã từng đến xông hơi, giải độc ở Trung tâm.
Tuy nhiên, còn có những điều trăn trở qua những lời trao đổi, từ những đoàn đã đến Trung tâm:
Đến Trung tâm xông hơi, giải độc là điều mơ ước và mong đợi đối với NNCĐDC, việc thực hiện còn nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí, đây cũng là điều trăn trở không phải ở tỉnh Hòa Bình mà còn có nhiều tỉnh khác.
Với Trung tâm được giao tự chủ về tài chính hoạt đông, tuy đã có nhiều cố gắng thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng trước sự biến động của thị trường, khả năng của Trung tâm có hạn nên hệ thống thông tin nghe nhìn, sân tập thể thao, cho nạn nhân đến xông hơi, giải độc còn thiếu và không đồng bộ nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả của đợt xông hơi, giải độc. Chính vì vậy Trung tâm cần nghiên cứu, tham mưu đề xuất với các cấp, các ngành có liên quan để có cơ chế phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về chăm sóc giúp đỡ nạn nhân, đồng thời đưa Trung tâm phát triển hơn nữa./.
Phạm xuân Khóa
Chủ tịch Hội huyện Lạc Sơn, Hòa Bình
Bình luận