Chuyến thăm của Nhà vua Philippe và Hoàng hậu cùng Đoàn cấp cao Vương quốc Bỉ là dấu mốc lịch sử quan trọng, đưa quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Việt Nam và Vương quốc Bỉ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/3/1973. Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ chí tình của Chính phủ và nhân dân Bỉ cho chương trình tái thiết và phục hồi đất nước sau chiến tranh.
.jpg)

Tại buổi đón tiếp Nhà vua Bỉ, Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà vua Philippe đã chứng kiến Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Thủ đô Brussels Rudi Vervoort trao đổi Thoả thuận nguyên tắc giữa Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Quỹ Aquitara impact fund 1 Vương quốc Bỉ.
Thỏa thuận Nguyên tắc giữa Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Quỹ Aquitara impact fund 1, được ký kết tại Phủ Chủ tịch (Ba Đình, Hà Nội), ngày 01/4/2025, là một trong những sự kiện quan trọng trong nỗ lực chung của hai quốc gia nhằm giải quyết những hậu quả lâu dài của chiến tranh tại Việt Nam. Mục đích của Thỏa thuận này nhằm thiết lập một khuôn khổ giữa các bên để triển khai các chủ đề hợp tác, bao gồm: Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (đóng góp tài chính và vật chất để nâng cao việc chăm sóc, điều trị và cơ hội sinh kế cho nạn nhân); Truyền thông và hợp tác quốc tế (tăng cường sự hỗ trợ quốc tế cho các nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh thông qua các hoạt động phối hợp truyền thông và hợp tác toàn cầu).
Về mặt chính trị, Thỏa thuận thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế và trách nhiệm chung của cộng đồng toàn cầu trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Nghị quyết số 2406 được Quốc hội Bỉ thông qua với số phiếu thuận tuyệt đối vào ngày 05/10/2023, kêu gọi hỗ trợ lâu dài cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, cùng với phản hồi tích cực từ Quốc hội Việt Nam 07/10/2023 đã đặt nền móng vững chắc cho sự hợp tác này.
Theo Thoả thuận, Quỹ Aquitara impact fund 1 đảm nhận nhiệm vụ kêu gọi đóng góp từ mạng lưới đối tác, cung cấp hỗ trợ hợp tác quốc tế chiến lược và tài trợ trực tiếp. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chịu trách nhiệm lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực hiệu quả và cung cấp báo cáo tiến độ định kỳ. Cả hai bên cam kết mở rộng sự tham gia của các tổ chức quốc tế như UNDP, Ngân hàng Thế giới, cũng như các khung tài trợ từ EU và OECD, để tối ưu hóa nguồn lực./.
Mạnh Dũng
Bình luận