Cho người dân sử dụng Căn cước công dân gắn chíp điện tử khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Việc này góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đón tiếp người bệnh, đồng thời minh bạch thông tin, chống hành vi gian lận, lợi dụng để trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.
Đề án 6 cũng xác định một mục tiêu cụ thể trong năm 2022 là bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID), Trong đó, tập trung thực hiện ngay với một số giấy tờ như: thẻ Bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức…
Thời gian qua, nhằm bảo đảm tiến độ triển khai Đề án 06, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số Chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ (lấy) số Căn cước công từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội. Tính đến ngày 18/11, 2 đơn vị đã hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của 65 triệu người tham gia bảo hiểm.
Đến ngày 18/11, toàn quốc đã có trên 11.700 cơ sở triển khai cho người dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân. (Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn)
Với việc thí điểm khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp điện tử, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến ngày 18/11, toàn quốc đã có trên 11.700 cơ sở triển khai, chiếm 92%.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy, tổng số lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân khi tiếp đón người bệnh đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt gần 4,8 triệu lượt, trong đó có hơn 2,9 triệu lượt tra cứu thành công, đạt hơn 61%. Tỷ lệ lượt khám chữa bệnh có tra cứu bằng Căn cước công dân gắn chip trên tổng số lượt khám chữa bệnh đạt khoảng 4,36%.
Như vậy, qua 9 tháng thí điểm, số lượng người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được cơ sở y tế tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua Căn cước công dân gắn chíp còn rất thấp và tỷ lệ tra cứu thành công cũng chưa cao.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế vừa đề nghị các Sở Y tế; các bệnh viện, viện thuộc Bộ Y tế; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ, ngành cùng Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nghiêm túc thực hiện việc khám chữa bệnh bào hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng VneID.
Theo Bộ Y tế, phấn đấu đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong toàn quốc triển khai, với 20% người dân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua Căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng VneID.
Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân được biết và hiểu về những tiện lợi, lợi ích mạng lại, từ đó người dân dần có thói quen dùng Căn cước công dân gắn chíp hoặc cài ứng dụng VneID trên smartphone khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bình luận