• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Về Nghệ An khám phá lễ hội hang động duy nhất ở Việt Nam  

Việt Nam có hàng ngàn lễ hội nhưng Lễ hội Hang Bua là lễ hội duy nhất diễn ra xung quanh một danh thắng hang động ở huyện miền núi Quỳ Châu; nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An.

 

 Hang Bua Quỳ Châu

Tiếng Thái “Hang Bua” tức là “Thẳm Bua”- Động sen. Thẳm có nghĩa là hang động. Hang Bua thuộc địa bàn bản Na Nhàng (nay là Hồng Tiến), xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cách TP. Vinh 170 km theo Quốc lộ 48 rải nhựa phẳng lì, về phía Tây Bắc, cách huyện Samtay, tỉnh Huaphanh của Lào 70km.

Nơi đây là một danh thắng tuyệt hảo, quy tụ dãy núi đá vôi “Phá Én” và cánh đồng bát ngát, vựa lúa của đồng bào Thái miền Tây Nghệ An với hàng chục cái guồng nước miệt mài đưa nước lên đồng. Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán vào ngày 20 tháng giêng âm lịch, lễ hội Hang Bua lại được tiến hành, quy tụ hàng vạn người muôn phương đến trẩy hội, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên.

Lễ hội luôn đón hàng vạn khách đến chung vui

Xa xưa, Hang Bua chỉ là nơi bà con người Thái đến vui hội trong dịp Tết cổ truyền với các trò chơi dân gian Thái như trốn tìm, ném còn, hát đối đáp, trai gái hò hẹn. Đến khi xã hội phát triển, các cấp chính quyền quan tâm, trò chơi hội ngộ cửa hang đẹp đã được nâng thành Lễ hội, và từ đó đến nay, năm nào cũng diễn ra lễ hội cấp huyện và 5 năm một lần diễn ra Lễ hội cấp tỉnh.

Hang Bua là thắng cảnh hang động tự nhiên gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của của đồng bào dân tộc Thái. Sau này các nhà khoa học phát hiện khu vực Hang Bua còn là quần thể di tích khảo cổ chứa đựng dấu tích văn hóa của nhiều thời đại. Trong lớp trầm tích tìm thấy ở hai cửa hang trước và sau, có hóa thạch các loài động vật giống như hóa thạch động vật đã được phát hiện ở hang Thẳm Ồm (xã Châu Thuận, Quỳ Châu) và các hàng động khác trong vùng, đó là: tê giác, hươu nai, lợn rừng, voi, hổ, gấu… Đặc biệt, người dân địa phương còn nhặt được trong hang hai chiếc rìu đá - loại công cụ đặc trưng của con người thời kỳ đồ đá mới hậu kỳ. Khám phá trong hang có nhiều hình khối kỳ thú với nhiều nhũ đá, tượng trưng theo huyền thoại Thần Núi và thần nước, đặc biệt gắn với trường ca truyện cổ Thái về chuyện tình Tạo Khủn Tinh và nàng Ni hóa đá…

Đến hội Hang Bua, du khách còn được chiêm ngưỡng phong cảnh cảnh sơn thủy hữu tình, núi sông xanh ngát của Mường Chiêng Ngam rộng lớn gồm các xã Châu Tiến, Châu Bính cùng những bản làng Thái cổ, sầm uất, yên vui với nhiều hoạt động du ịch sinh thái cộng đồng, homestay.

Đây cũng là nơi gặp nhau của 3 con sông: Sông Quàng, sông Việc và sông Hạt để rồi hợp lưu thành sông Hiếu thơ mộng uốn mình chảy qua các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ rồi hòa dòng sông Lam xuôi ra biển Đông.

Người Thái có câu: Gái Chiêng Ngam (Mường đẹp) xinh đẹp nhất vùng vì ăn cá 3 sông. Khí hậu vùng đất Quỳ Châu mát mẻ, một ngày có bốn mùa; cảnh đẹp cùng muôn loài muông thú vẫn được bảo tồn.

Cảnh sắc thiên nhiên Mường Chiêng Ngam (Mường đẹp)

Hang Bua có 3 cửa; Cửa chính và cửa phụ có hình bông hoa sen nên còn được gọi là “Boọc Bua”- Đóa sen. Diện tích hang rộng, có thể chứa được hàng trăm người nhảy múa, ca hát. Vào sâu trong hang, ta sẽ được chiêm ngưỡng sự kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa: Những nhũ đá hình thù kỳ lạ; mô đá hình người và những dụng cụ sinh hoạt thời xưa của cư dân Thái như bó lúa, cái liềm…Người xưa kể rằng, trong một trận đại hồng thủy, con người đã vào hang trú ngụ, họ cùng nhau ca hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng, thổi sáo và tất cả đều hóa đá.

Tài liệu lịch sử cho biết, năm 1937, vua Bảo Đại nghe nức tiếng vẻ đẹp huyền bí Hang Bua nên đã ghé vui hội xuân cùng người dân vùng cao Nghệ An.

Năm 1997, Hang Bua được công nhận là danh thắng Quốc gia và lễ hội hang Bua được phục hồi và duy trì từ đó cho đến ngày nay, vào các ngày từ 20-23 tháng giêng ÂL hàng năm.

Trước khi khai hội, người có uy tín của bản là thầy mo cúng cầu xin thần núi, thần hang cho phép mở cửa hang để trai gái được vào chiêm ngưỡng hang đẹp; cầu Quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi bội thu, cuộc sống nười dân no ấm, hòa thuận, hạnh phúc. Sau này, người dân còn xây đền thờ Mường Chiềng Ngam với các lễ nghi dân tộc Thái, tạ  ơn những người có công khai bản lập mường.

Các cô gái Thái thi sắc đẹp tại Hội Hang Bua

Hội hang Bua mang đậm bản sắc của đồng bào Thái miền Tây Nghệ An với nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền như: ngắm vẻ đẹp hang; vui ném còn, khua cối, chơi “tọ mạc lẹ”, biểu diễn cồng chiêng, nhảy sạp; thi bắn nỏ, đi cà kheo; thi hát các làn điệu dân ca Thái; thi người đẹp hang Bua; thi ẩm thực Thái...

Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức còn đưa vào nhiều hoạt động mới như thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, đẩy gậy, kéo co, đu quay; chiếu phim; thi cuốn hương trầm; thi dệt thổ cẩm; thi cắm trại; thi viết chữ Thái, thi kể chuyện dân gian Thái; tham quan các di tích lịch sử văn hóa trong vùng với công tác tổ chức mỗi năm càng chu đáo, bài bản hơn. Chất lượng các hoạt động cũng được nâng lên qua từng năm.

Hang Bua thuộc địa bàn bản Na Nhàng ( nay là Hồng Tiến), xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu

Các gia đình du lịch cộng đồng hào hứng đợi khách

Xuân vẫn dang rộn ràng, bà con người Thái Quỳ Châu rộng mở vòng tay đón du khách muôn phương về trẩy hội Hang Bua năm 2024 vào ngày 29/2 đến 02/3. Được biết các cơ sở lưu trú như khách sạn, Homestay trên địa bàn huyện Quỳ Châu và huyện Quế Phong đã sẵn sàng chào đón du khách.

Lang Quốc Khánh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Nhìn lại tất cả các mốc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969, chúng ta nhận thấy: Người luôn đón sinh nhật bằng sự cần mẫn làm việc. Người cũng luôn tránh mọi sự chúc tụng bằng cách ...