• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Ấm áp những ngôi nhà “màu cam”

Nhiều năm qua, các cấp Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Quảng Nam đã cùng đồng hành, san sẻ yêu thương với những nạn nhân chiến tranh. Hội chính là ngôi nhà “màu cam” ấm áp.

Nghĩa tình

Tỉnh Quảng Nam hiện có 35.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, hàng ngàn nạn nhân đã chết và hàng ngàn người khác đang mang những căn bệnh hiểm nghèo. Trong nhiều năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm cùng các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh phối hợp vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh bằng nghĩa cử, đạo lý, trách nhiệm “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” bằng việc làm cụ thể, thiết thực, giúp đỡ NNCĐDC.

Thời gian qua, các cấp Hội huy động trên 60 tỷ đồng để chăm sóc giúp đỡ nạn nhân, trong đó trọng tâm là chi xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng, dạy nghề cho NNCĐDC, xây dựng nhà ở, giúp đỡ học bổng, tìm việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất, tặng quà hội viên vào những dịp lễ, tết… Hội NNCĐDC/dioxin và Hội CCB các cấp phối hợp đề nghị chính quyền và các ngành chức năng xem xét, giải quyết chế độ chính sách cho gần 5.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC/dioxin và các đối tượng thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn khác với lãi suất thấp để giải quyết việc làm, làm mới và sửa chữa nhà ở cho nạn nhân hoàn cảnh khó khăn; ngoài ra còn vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tạo sinh kế cho hơn 2.900 hội viên làm kinh tế, ổn định cuộc sống; tặng 333 sổ tiết kiệm với hơn 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 1.300 hội viên khám, chữa bệnh; đỡ đầu học sinh là con của NNCĐDC và tặng 12.787 suất quà, hơn 4,8 tỷ đồng nhân các dịp lễ, tết…

Ngôi nhà yêu thương

Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc NNCĐDC và trẻ em khuyết tật hoạt động hơn 7 năm nay, đã nuôi dưỡng, dạy nghề và điều trị phục hồi chức năng cho 45 em nhằm giúp cho các cháu được phục hồi chức năng và giúp gia đình nạn nhân đỡ đi gánh nặng chăm sóc, có nhiều thời gian dành cho lao động và làm việc để cải thiện đời sống gia đình, từng bước vượt qua khó khăn.

Ban đầu, do chưa phân loại được bệnh tật, tình hình sức khỏe của từng cháu, nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn; kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng còn bỡ ngỡ, hạn chế. Bởi 45 cháu là 45 hoàn cảnh, căn bệnh khác nhau, nhưng chủ yếu là bệnh về thần kinh, nhất là lúc lên cơn động kinh, co giật, la hét, đập phá, không tự chủ được hành vi của mình. Việc dạy chữ cũng rất khó khăn, tên của mình còn không nhớ, nói gì đến sách, vở, thầy cô, bạn bè… Nhưng bây giờ các cháu đã có nền nếp học tập, nhiều cháu biết đọc, biết viết, sức khỏe được cải thiện.

Ông Võ Văn Ái, Phó Chủ tịch Tỉnh hội kiêm Phó GĐ Trung tâm chia sẻ: Trung tâm còn tổ chức cho các em học nghề làm hương, có sản phẩm bán ra thị trường, trồng rau sạch đưa vào bữa ăn cho các cháu và gây quỹ cho Trung tâm, bình quân mỗi tháng thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Sản phẩm hương của Trung tâm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, góp phần thiết thực chia sẻ với NNCĐDC và trẻ em khuyết tật. Trung tâm thật sự là ngôi nhà chung ấm áp.

Vươn lên

Nhiều gương cá nhân tiêu biểu nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng, cũng như phát triển kinh tế. Điển hình là thương binh Võ Văn Châu (SN 1937, ở TP Tam Kỳ) có 2 người con bị ảnh hưởng bởi CĐDC, nhưng vẫn cải tạo vườn tạp, vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hàng chục năm liền, ông được các cấp Hội CCB biểu dương, khen thưởng. Ở huyện Hiệp Đức có anh Đặng Đình Tam chỉ cao khoảng 0,6m, ngồi trên xe lăn nhưng đã nỗ lực gây dựng cơ nghiệp, đến nay cùng gia đình có khối tài sản khá lớn. Lương y Phan Mai Huy có cha mẹ đều là người hoạt động kháng chiến, anh là nạn nhân thế hệ thứ 2, cơ thể bị què quặt, nhưng đã vượt qua nghịch cảnh trở thành lương y chữa bệnh cứu người…

Ở Đại Lộc, có nạn nhân Trương Thị Thương sinh năm 1989 chỉ cao 0,7m và không thể tự đi lại. Nhưng với nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của gia đình, xã hội, em đã là sinh viên Công nghệ thông tin (ĐH Sư phạm Đà Nẵng). Em Nguyễn Thị Thúy Phượng, sinh năm 1983 ở Hội An, là nạn nhân thế hệ thứ hai đã vượt qua tất cả những rào cản, mặc cảm, vượt lên chính mình để trở thành sinh viên đỗ vào cả 2 trường ĐH. Do di chứng CĐDC từ người cha để lại nên khi sinh ra, anh Nguyễn Ngọc Phương ở Quế Sơn đã bị tàn tật, chỉ cao gần 1 mét. Nhưng bằng ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, anh đã học nghề sửa chữa xe máy để phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống, truyền nghề cho trẻ em bất hạnh. Tiệm sửa chữa điện tử của anh Lê Xuân Thủy ở TP Tam Kỳ được nhiều người biết đến bởi tay nghề và nghị lực vượt khó của anh. Bị liệt 2 chân từ nhỏ, nhưng anh vẫn ham học, tốt nghiệp Trung cấp nghề, lập nghiệp bằng cách mở tiệm sửa chữa điện tử. Còn anh Hoàng Thanh Thu, sau khi được nhận chăm sóc tại Trung tâm và được dạy nghề làm hương, đến nay đã thành thạo công việc, hiện đã đầu tư máy móc, nguyên liệu về nhà tự sản xuất hương phục vụ thị trường…

CCB Nguyễn Thanh Bình ở huyện Tiên Phước có 2 người con đều bị nhiễm CĐHH, nhưng đã tình nguyện hiến hơn 100m2 đất để mở tuyến đường, dù gia đình rất khó khăn, hai vợ chồng tuổi đã cao, lại mang trong mình vết thương chiến tranh thường nhức buốt lúc trái gió trở trời. Đứa con trai đã 40 tuổi bị nhiễm CĐDC phải chạy chữa thuốc thang thường xuyên. Do một lúc không thể bỏ ra số tiền lớn làm khuyến học nên ông nghĩ cách mua heo đất về nuôi. Mỗi ngày ông Bình đều bỏ tiền vào heo đất, cuối năm số tiền thu được, ông dành cho việc khen thưởng cho các em học sinh khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn, tiếp sức cho các em đến trường…

Bên cạnh những thành công bước đầu của Trung tâm, vẫn còn nhiều băn khoăn. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động nguồn lực, nuôi dưỡng các cháu tại Trung tâm. Trong khi đó, kinh phí hoạt động của Trung tâm chủ yếu dựa vào nguồn đóng góp của các cá nhân, tổ chức có tấm lòng hảo tâm; bởi vậy Trung tâm rất cần sự chung tay hơn nữa của cộng đồng để góp phần xoa dịu nỗi đau cho các trẻ em là NNCĐDC trên địa bàn./.

Quế Hà

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MBBank tổ chức phát động Chiến dịch Tết vì nạn nhân chất độc da cam với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn”. Với ...
    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Ngày 24/12/2024, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029. Dự Đại hội có: Thiếu tướng, TS Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban TC-CS Trung ương Hội; bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại biểu ...