• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Bà Phạm Thị Vi, người vợ giàu nghị lực

Bà Vi bê bát cháo đặt lên đầu giường, bón từng thìa cháo cho chồng. Vì tuổi cao, mắt kém, tay run nên phần cháo vào miệng thì ít, phần đổ ra ngoài thì nhiều. Cứ vậy, “bữa cơm” kéo dài cả tiếng đồng hồ. nhìn cảnh ấy, không ai cầm được nước mắt…

Hơn 30 năm (1993 - 2024), đã thành nếp, buổi sáng bà Phạm Thị Vi dậy từ lúc 5 giờ chuẩn bị bữa sáng cho chồng (ông Việt), tiếp đến là cho ông đi vệ sinh cá nhân, đun nước ấm để rửa mặt, rửa ráy chân tay rồi thay quần áo cho ông. Công việc đâu vào đó, bà Vi mới múc cháo vào bát bê đến đầu giường bón từng thìa cháo cho chồng…

Ông Phạm Văn Việt (SN 1948) thôn 2, xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nhập ngũ tháng 9/1966, sau 6 tháng huấn luyện, tháng 3/1967 ông lên đường vào Nam chiến đấu. Dù đã nằm liệt giường hơn 30 năm, nhưng ông Việt vẫn nhớ như in kỷ niệm những năm tháng ở chiến trường, ông kể lại: Lúc vào chiến trường tôi tròn 20 tuổi, có sức khỏe, nhanh nhẹn, lại “máu chiến” nên hầu như tất cả các trận chống càn, phục kích, đánh đồn địch ở mặt trận Quảng Đà, Quảng Nam; Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng, An Khê, Chu Lai, Thu Bồn, Trà My, chợ Phú Xuân, tôi đều có mặt và được phân công vào tổ xung kích của đơn vị. Nhiều trận đánh diễn ra ác liệt, kéo dài nhiều ngày trong khu rừng trụi lá, cỏ cây chết khô vì chất độc hóa học của quân đội Mỹ. Trong một trận đánh ở mặt trận A Sầu, A lưới (Thừa Thiên Huế), mặc dù đang điều trị do bị sốt cao, nhưng tôi đã trốn Trạm y tế dã chiến theo đơn vị ra mặt trận chiến đấu, trận đánh kéo dài một ngày, một đêm. Kết thúc trận đánh, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng (1/1971) khi vừa 22 tuổi đời, 3 tuổi quân. Lễ kết nạp diễn ra ngay trên chiến hào chưa tan khói đạn. Do có nhiều thành tích trong chiến đấu, tôi được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến sỹ Giải phóng hạng Nhất, hạng Ba…

Bằng chứng khẳng định ông Phạm Văn Việt đủ điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người HĐKC bị nhiễm CĐHH

Do ảnh hưởng chất độc hóa học của quân đội Mỹ, ông Việt bị mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh đái tháo đường nặng, dẫn đến tăng huyết áp. Vì sức khỏe yếu, năm 1973, ông được phục viên. Về quê năm trước, năm sau ông Việt được nhân dân tín nhiệm bầu làm thư ký đội sản xuất. Sau đó ông được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ làm xã đội trưởng đến năm 1985 khi bệnh tái phát, chuyển nặng, ông Việt nghỉ công tác. Hoàn cảnh gia đình ông khi đó rất khó khăn, hai vợ chồng, 3 con nhỏ, cả 5 khẩu chỉ nhìn vào khoản tiền bệnh binh ít ỏi. Cuối năm 1993, ông Việt nằm liệt giường. 
 Bà Phạm Thị Vi thở dài, nắm lấy tay ông Việt, nói: Hơn 30 năm rồi,  mỗi đêm 4, 5 lần trở dậy đưa ông đi vệ sinh, gần sáng trở dậy lo cơm nước cho con, nấu cháo cho chồng. Những ngày trái gió trở trời, tôi phải ngồi xoa bóp chân tay cho ông cả đêm. Nhà nghèo, một mình bà vừa lo chăm sóc chồng vừa lo cho con ăn học, lo thuốc chữa bệnh lở loét da cho con trai (Phạm Văn Kiểu). Năm 2015, bà bị mổ tuyến giáp, tái phát bệnh thần kinh, mắt kém, tay run. Mấy năm trước, ngoài chế độ bệnh binh, ông Việt còn được hưởng chế độ người HĐKC bị nhiễm CĐDC. Số tiền không nhiều nhưng cũng có thêm đồng ra đồng vào để thuốc thang cho ông ấy. Nhưng hưởng chế độ được 7 năm thì tháng 8/2018, Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định ra quyết định cắt chế độ và yêu cầu ông Việt phải nộp lại gần 140 triệu đồng đã hưởng từ mấy năm trước, bởi cho rằng ông giả mạo, khai man hồ sơ để hưởng chế độ, bởi thằng Kiểu, con trai ông bà không bị bệnh lở loét da, không dị dạng, dị tật bẩm sinh... Vì vậy, ông Việt không phải là NNCĐDC(?)... Nghe vợ nói, ông Việt khẽ xua tay ra hiệu cho bà Vi không nói nữa. Bà Vi ngừng lời, nói nhỏ với chúng tôi: Nhà tôi thế đấy, mỗi khi có ai hỏi về lý do tại sao ông bị cắt chế độ, ông ấy lại gạt đi, bảo đừng kể lể, đơn từ đòi hỏi làm gì, không giải quyết được gì đâu, họ cắt thì đã cắt rồi. 
Ông Phạm Văn Việt ra hiệu cho bà Vi nâng ông ngồi dậy, tựa lưng vào thành giường, ông nói giọng ngắt quãng: Bệnh của tôi có phải do ảnh hưởng chất độc da cam của quân đội Mỹ hay không thì cả xã Xuân Phong, cả huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đều biết. Còn thằng con tôi đã khỏi bệnh lở loét da, đấy là phúc ông trời dành cho vợ chồng tôi. Điều mong ước duy nhất của tôi là: đề nghị Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định xóa bỏ 6 chữ “giả mạo, khai man hồ sơ” trong quyết định đình chỉ chế độ đối với tôi; để khi về nơi suối vàng gặp lại anh em đồng đội, đồng chí cho thanh thản, không phải hổ thẹn. Ông Việt dừng lời, nước mắt chảy dài trên má.                        
Ông Vũ Ngọc Cẩn,  cho biết: Nhân dân trong thôn, trong xã đều khâm phục bà Vi, một người vợ giàu nghị lực, trọn nghĩa vẹn tình. Nói về việc ông Việt bị cắt chế độ người HĐKC bị nhiễm CĐHH, ông Cẩn nói: Dù Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định có căn cứ vào Thông tư 07, 08 hay thông tư gì gì đi chăng nữa để đình chỉ chế độ đối với CCB Phạm Văn Việt đều không thuyết phục. Vì, căn cứ vào Nghị định số 54/2006/NĐ-CP; Pháp lệnh số: 02/2020/UBTVQH 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14, thì CCB, bệnh binh Phạm Văn Việt có đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Anh em đồng đội, CCB xã Xuân Phong mong cơ quan chức năng xem xét, phục hồi chế độ ưu đãi cho ông Phạm Văn Việt. Như vậy mới thấu tình, đạt lý./. 

                                                                 Nguyễn Hồng Bài

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác