• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: Cô gái NNCĐDC làm nên điều kỳ diệu !

BÀI DỰ THI: Cô gái NNCĐDC làm nên điều kỳ diệu !

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng nông thôn, từ lúc chào đời đã gắn với số phận nghiệt ngã, không được may mắn như những đứa trẻ khác, đôi chân bị bại liệt và trở thành người tàn tật, mọi sinh hoạt hàng ngày chỉ còn biết sử dụng đôi tay; mỗi ngày đến trường, đến lớp đều phải do ông, bà nội, cô, chú và những người thân trong gia đình thay nhau cõng đi. Vậy mà, bằng ý chí và nghị lực vươn lên cô gái ấy đã trở thành vận động viên bơi lội, nổi danh cả nước dành cho người khuyết tật, đạt nhiều Huy chương vàng, bạc, đồng cấp quốc gia, được đi báo cáo điển hình tại đại hội thể thao toàn quốc.

Em Đỗ Thị Khuyên, sinh năm 1983, là nạn nhân chất độc da cam ở ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Có thể nói, tuổi thơ của Khuyên luôn gắn liền với nhiều khó khăn và nỗi bất hạnh của người tàn tật mà số phận như đã an bài, gia đình và người thân phải vất vả đủ điều; trước hoàn cảnh đó, để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, Khuyên học đến lớp 7, quyết định phải xa mái trường, xa bạn bè, thầy cô, bỏ học dở dang, mong tìm được việc làm nào đó phù hợp với khả năng lao động của mình là người khuyết tật, hy vọng có thêm thu nhập phụ giúp cha, mẹ vì đã quá khổ cực, lam lũ mỗi ngày vì các con.

Mười bốn tuổi, rời ghế nhà trường, Khuyên bước vào đời trên chiếc xe lăn bằng đôi tay nhỏ nhắn, gầy gò của một người khuyết tật và đang mang trong mình căn bệnh quái ác do hậu quả của chất độc da cam để lại. Hàng đêm, Khuyên cứ trăn trở mãi, mình phải làm gì đó để phụ giúp gia đình có 5 anh em với 3 công vườn tạp, hàng năm thu nhập chẳng được là bao nhiêu; cuộc sống quá chật vật, thiếu thốn, ăn bữa sáng, phải lo bữa chiều, mình phải làm gì được cho gia đình với cơ thể tật nguyền! Thấy xung quanh có nhiều người làm nghề may giỏ gia công cũng nhẹ nhàng, thu nhập cũng đỡ nên Khuyên tự học và lãnh về làm, đôi chân thì bị liệt, sức khỏe yếu nên mỗi ngày chỉ may được vài chục cái, tiền công khoảng hơn 20.000đ, làm được không bao lâu rồi cũng nghỉ.

Cơ duyên, vận may đến với cô gái tật nguyền Đỗ Thị Khuyên, khi được nghe qua báo, đài và bạn bè, Khuyên biết ở Thành phố Hồ Chí Minh có trường dạy bơi cho người khuyết tật, thấy có liên quan đến hoàn cảnh của mình, Khuyên liền bàn bạc và xin cha, mẹ để được lên thành phố đăng ký theo học và ước mơ ngày nào đó mình sẽ làm nên kỳ tích bất ngờ thì sao! Bởi lẽ, trong cuộc sống ai cũng có lý tưởng, có hoài bão, có quyền ước mơ về tương lai tốt đẹp hơn, dù ước mơ đôi khi cũng chỉ là mơ ước.

Sau nhiều lần năn nỉ, thuyết phục cha mẹ, cuối cùng Khuyên cũng được gia đình đồng ý cho lên thành phố học. Năm 2009, trên chiếc xe lăn, Khuyên đến thành phố học bộ môn bơi lội dành cho người khuyết tật do Sở Thể dục- Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, thấy và cảm thông với hoàn cảnh của Khuyên, sống trong một gia đình nông dân nghèo khó ở vùng nông thôn với ước mơ cháy bỏng, bản thân cô gái 26 tuổi này không may bị tật nguyền từ nhỏ lại có đức tính hiền lành, chất phác nên giáo viên hướng dẫn trực tiếp - thầy Nguyễn Hoàng Anh, người giàu lòng nhân ái đã tận tình giúp đỡ về mọi mặt và cho ăn ở tại nhà mình.

Nhớ lại những ngày đầu theo học, Đỗ Thị Khuyên bộc bạch: “Em còn nhớ rõ lần đầu xuống hồ tập bơi, khi chạm chân xuống nước em thấy sợ quá nên co rúm người lại, hai tay ôm chặt thành hồ không dám buông ra. Cảm giác lo sợ vì bỡ ngỡ thấy quá khó và lo nghĩ trong đầu chắc mình không học bơi được đâu! Như đọc được nỗi lo lắng của em, thầy Hoàng Anh đến an ủi động viên, chỉ dạy tận tình hướng dẫn từng thao tác và để không làm nản lòng và kỳ vọng của cha, mẹ cùng những người thân ở quê nhà nên em đã quyết tâm học, cố gắng tập luyện rồi dần dần cũng thích nghi được với bộ môn này. Chỉ sau 2 tuần là em bơi tương đối thành thạo các kiểu bơi như: bơi bướm, bơi ếch, bơi ngửa và bơi sải. Sau thời gian 2 tháng em đã hoàn thành nội dung chương trình đúng theo yêu cầu của khóa học, sẵn sàng tham gia thi đấu các giải dành cho người khuyết tật…”.

Và bước ngoặc mới đến với Đỗ Thị Khuyên, năm 2009, Hiệp hội Paralympic Việt Nam (Viet Nam Paralympic Association) tổ chức Đại hội Thể dục- Thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật tại tỉnh Quảng trị, Khuyên lần đầu tiên tham gia bộ môn bơi của đơn vị TP Hồ Chí Minh và đạt được 3 Huy chương vàng. Thắng lợi đầu tiên thật lớn lao làm sao, ngoài sự mong đợi của cô gái tật nguyền đầy khát vọng. Mang về những tấm Huy chương vàng đầu tiên trong đời mình như tạo thêm niềm tin, sức mạnh và nghị lực cho Khuyên vươn lên chặng đường phía trước. Thế nhưng, đường đời không bao giờ bằng phẳng cả, đôi khi cũng gặp quanh co, khúc khuỷu; trong cuộc sống, bên cạnh những niềm vui thì luôn ẩn chứa những nỗi buồn.

Đỗ Thị Khuyên trên chiếc xe lăn trước nhà.

Những năm sau đó, Khuyên tiếp tục luyện tập môn bơi lội ở thành phố và quen biết với một thanh niên cũng bị bại liệt 2 chân như Khuyên là Huỳnh Anh Tú, quê ở tỉnh Sóc Trăng, hai người cùng cảnh ngộ, sau thời gian gần gũi và sinh tình cảm nên cả hai đồng ý tiến tới hôn nhân. Năm 2012, đám cưới của Khuyên và Tú được tổ chức tại quê nhà của Khuyên và được cha mẹ Khuyên cất cho một chòi lá đơn sơ gần nhà để sinh sống. Một năm sau, đôi vợ chồng khuyết tật Tú- Khuyên sinh được một cháu gái, vợ chồng rất vui mừng vì đứa bé ra đời hoàn toàn bình thường, không bị khuyết tật nào.

Khi cả hai đang sống trong niềm vui và hạnh phúc vợ chồng thì bỗng hơn một tháng sau, Tú nói với Khuyên và gia đình, một mình đi về quê ở Sóc Trăng thăm gia đình, những tưởng là chuyện bình thường, nhưng đau xót hơn lần về quê duy nhất này kể từ ngày cưới lại là lần cuối cùng, Tú không trở lại sống với Khuyên nữa. Cả hai người chia tay từ ngày đó, Khuyên đành phải một mình với thân thể tật nguyền hàng ngày đi bán vé số nuôi con nhỏ, nay học đến lớp hai.. Đời đã không mang những gì mình mơ ước, nhưng cuộc sống thật sự có ý nghĩa là phải biết phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lến hướng đến những gì tốt đẹp nhất.

Nghĩ vậy, với hoàn cảnh hiện tại, tuy phải đối mặt với nhiều gian nan, thử thách phía trước, cô gái tật nguyền này vẫn tiếp tục tập luyện thường xuyên bộ môn bơi lội, hàng năm Khuyên đều đăng ký tham gia thi đấu giải toàn quốc và Khuyên đều đạt Huy chương vàng, bạc, đồng với các cự ly và kiểu bơi khác nhau. Tham gia thi đấu từ năm 2009 đến nay, Khuyên đã mang về cho mình 11 tấm Huy chương vàng, 11 Huy chương bạc và 2 Huy chương đồng. Một thành tích không hề nhỏ đối với người khuyết tật, một nạn nhân chất độc da cam đã làm nên điều kỳ diệu, đó là kết quả của sự rèn luyện bền bỉ, ý chí phấn đấu vượt khó, kiên trì theo đuổi mục đích và lý tưởng của mình. Chất độc da cam có thể hoành hành, tàn phá, làm đau đớn thể xác con người, nhưng không thể làm mất đi nghị lực vươn lên của con người biết thích nghi với hoàn cảnh của cuộc sống./.

Lê Huỳnh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...