• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: Dòng lệ tuôn rơi, từ đôi mắt mù của người đồng đội

BÀI DỰ THI: Dòng lệ tuôn rơi, từ đôi mắt mù của người đồng đội

Cùng đoàn công tác của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam về thăm và tặng quà cho một gia đình NNCĐDC bị ảnh hưởng do bão, lụt, tại thôn Trạch Phổ, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiều ngày 09/11/2020 đã để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đoàn công tác theo chân ông Nguyễn Đăng Đoàn, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Phong Điền đến thăm gia đình ông Trần Văn Nghệ và bà Nguyễn Thị Chín (cả hai vợ chồng đều là NNCĐDC). Nhìn vào cơ ngơi của gia đình họ, tôi thực sự ngỡ ngàng với những gì mà ông, bà đã tạo dựng được sau quãng thời gian dài cực kỳ gian khổ của cuộc chiến tranh và những khó khăn, vất vả của thời “bao cấp”.

Đó là một căn nhà cấp 4, lợp ngói xibro 3 gian, một khoảng sân nhỏ, tráng lớp xi măng mỏng, trang trí thêm vài chậu cây cảnh nhẹ nhàng nên nhìn cũng khá tươm tất. Một khoảnh vườn tuy không rộng, nhưng được trồng khá nhiều loại cây như: bầu, bí, mồng tơi, cam, chanh, chuối, mít…Được quy hoạch ngay hàng, thẳng lối khá bài bản và đẹp mắt.

Nếu không hiểu được điểm xuất phát của họ, thì chắc mọi người đều nghĩ rằng, đây là một gia đình thuộc diện bề thế, có của ăn, của để trong xã, mà cơ ngơi có thể do ông bà ngày xưa để lại.

Nhưng thật sự là: vợ chồng ông Nghệ đều là những người lính, đã từng tham gia chiến đấu trực tiếp tại quê nhà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Hành trang trở về sau cuộc chiến tranh của họ là 2 bàn tay trắng, không hơn, không kém. Ông Nghệ chuyển ngành và tiếp tục tham gia công tác tại địa phương; trước lúc về nghỉ, ông là Chủ tịch UBMTTQ huyện, được mọi người mến phục. Bà Chín ở lại trong quân ngũ, công tác tại viện Quân y 268, Quân khu IV, đóng tại Thừa Thiên Huế cho đến ngày về nghỉ theo chế độ.

Trong chiến tranh, họ cũng đã từng quen biết nhau, hòa bình lập lại, họ nên vợ thành chồng và đều bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ trong thời kỳ đó. Hiện cả 2 vợ chồng đều đang hưởng trợ cấp theo chế độ quy định hiện hành đối với NNCĐDC. Ông nội, chú ruột, bố, chị ruột ông Nghệ là liệt sỹ, bà nội ông (đã mất), mẹ ông (đã mất) được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Và, ông là người con trai duy nhất thuộc thế hệ thứ 3 còn lại trong gia đình của nhánh dòng họ Trần hiện tại.

Trong căn nhà bình dị và ấm áp này, 2 vợ chồng ông Nghệ nương tựa vào nhau vui vầy, hạnh phúc để sống tiếp quãng thời gian còn lại của tuổi già sau những tháng năm cống hiến. Tuy thân thể hiện nay của ông Nghệ không còn trọn vẹn như xưa do di chứng da cam, mà trực tiếp là biến chứng đái tháo đường type 2 đã cướp đi cửa sổ tâm hồn của ông mãi mãi. Vợ ông, chính là đôi mắt của ông trong mọi sinh hoạt của cuộc sống đời thường với một tình yêu thương mãnh liệt.

Thứ nhất, điều may mắn cho gia đình ông Nghệ là: sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, sức khỏe và tinh thần của 2 vợ chồng ông chưa bị suy giảm trầm trọng. Vì vậy, trên mảnh đất do ông cha để lại, hai vợ chồng ông Nghệ đã vừa phải gánh vác công việc xã hội, vừa vất vả nuôi con, bao năm tự mình gánh đất bồi thêm cho nền nhà, nền vườn dần được cao lên để tránh được phần nào trong vùng thường xuyên ngập lụt. Và, kết quả của những tháng năm vất vả đó, vợ chồng ông đã tạo dựng được một cơ ngơi như hiện tại.

Thứ hai, vợ chồng ông Nghệ có 3 người con (2 gái, một trai), sinh ra vẫn bình thường, được nuôi dưỡng, dạy dỗ nên người và hiện tại đang có công ăn, việc làm ổn định. Các con của ông, bà đã tạo lập gia đình, ở riêng, cuối tuần hoặc dịp lễ, tết con, cháu mới về tụ họp, thăm hỏi, động viên và chăm sóc ông bà. Cả nhà lại cùng nhau quây quần, đầm ấm dưới mái nhà miền quê ngập tràn niềm vui bình dị của 3 thế hệ.

Điều không may với ông Nghệ là: đã hơn 10 năm nay, do di chứng của chất độc da cam đã làm cho cả 2 con mắt của ông hoàn toàn không còn thấy gì được nữa.

Vì đã được biết trước kế hoạch, nên 2 vợ chồng ông sắp xếp nhà cửa, đồ đạc gọn gàng. Đón tiếp đoàn chúng tôi, một tay ông Nghệ cầm gậy tre dò dẫm như những ngày thường, một tay được vợ dắt để đưa ông ngồi vào đúng ghế của mình được kê sẵn.

Ngồi nói chuyện, được biết ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam là người đã từng nhiều năm lăn lộn, chiến đấu trên chính mảnh đất quê hương Phong Điền và hôm nay đến thăm, tặng quà thì ông Nghệ xúc động, ngẹn ngào không nói lên lời; ông đứng lên, nắm tay ông Khanh, một lâu sau mới thốt lên: “Cảm động quá đồng chí ơi, quà của Trung ương Hội tặng cho gia đình tôi là rất quý giá, nhưng tình đồng đội, nghĩa tri ân của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đối với chúng tôi là những NNCĐDC còn quý gấp hàng vạn lần giá trị của phần quà này các đồng chí ạ”.

Lặng đi một lúc, hai dòng lệ trào ra từ đôi mắt mù của ông Nghệ cứ vậy tuôn rơi, không thể nào ngăn lại được.

Cũng là người lính, nhưng thuộc thế hệ sau của các ông, nên tôi và mọi người lúc đó thực sự bồi hồi, xúc động đến không cầm lòng được.

Nước mắt của ông Nghệ đã cho chúng tôi hiểu rằng, đó là niềm vui của ông trước tấm lòng của tình đồng chí, đồng đội; đó là tình cảm chân thành của ông trước nghĩa cử của anh em. Đó là trách nhiệm lớn lao của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đối với vợ chồng ông là những nạn nhân đang mang trong mình di chứng do chất độc da cam để lại. Đó là đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của người Việt Nam đã trở thành truyền thống. Và, đó cũng chính là nghĩa tình sâu nặng của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam đối với NNCĐDC tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, đối với NNCĐDC của cả nước nói chung.

Chia tay gia đình ông Nghệ, sau những ngày mưa bão, trong lòng tôi vẫn dâng trào những cung bậc, cảm xúc khác nhau. Đó là, cảm giác được sưởi ấm thực sự trong ngôi nhà bình dị của vợ chồng ông Nghệ vốn là những người lính năm xưa, vẫn nghi ngút khói hương cho 04 liệt sỹ và 02 Bà mẹ Việt Nam anh hùng của 03 thế hệ. Đó là, lòng khâm phục đối với vợ chồng ông Nghệ, đều là NNCĐDC, nhưng đã vượt qua được chính mình, vượt khó vươn lên, tạo dựng được một cuộc sống ổn định về vật chất, đầm ấm về tình cảm; nuôi dạy con cái trưởng thành, xây dựng được một đại gia đình hạnh phúc: một cô con gái là giáo viên, một cậu con trai là Trung tá Công an và một người con gái hiện là Ủy viên Thường vụ - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phong Điền, ngay chính nơi quê hương của ông, bà đang sống. Đó là, nghĩa cử của những người một thời mặc áo lính, nay trở lại chiến trường xưa để thăm và tặng quà cho gia đình đồng đội. Đó là, trách nhiệm cao cả làm xoa dịu nỗi đau cho NNCĐDC của Hội NNCĐDC/dioxin.

Những giọt lệ tuôn rơi vì nghĩa tình từ đôi mắt mù của ông Nghệ, một NNCĐDC cứ hiện rõ trong tôi suốt quãng đường từ xã Phong Hòa về đến thành phố Huế; khoảnh khắc, hình ảnh này chắc chắn sẽ còn mãi trong tôi và đi mãi cùng tôi trong suốt những năm, tháng của đời mình còn lại./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hữu Quyết

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...