• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: Gương sáng vượt lên nỗi đau da cam làm kinh tế giỏi

BÀI DỰ THI: Gương sáng vượt lên nỗi đau da cam làm kinh tế giỏi

Theo giới thiệu của ông Bùi Trung Giao, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi về thăm gia đình ông Bùi Thiết Thực, hộ có 6 NNCĐD thuộc xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, một tấm gương sáng về vượt lên “nỗi đau da cam” làm kinh tế hộ đạt hiệu quả cao.

Con đường vào xã Thành Long, quê hương của ông Bùi Thiết Thực đã đổi thay, nhiều nhà được xây dựng kiên cố, một số hộ còn mua sắm được cả xe ô tô. Nghe tin có đoàn khách của Tỉnh hội về thăm, dù đang nằm điều trị bệnh ở bệnh viện huyện, ông đã vội xin về gặp đoàn chúng tôi. Nhìn ngôi nhà mới khang trang của gia đình NNCĐDC Bùi Thiết Thực, ông Bùi Trung Giao báo cáo: “Ngôi nhà của ông Bùi Thiết Thực được xây dựng từ nguồn kêu gọi vận động của Hội NNCĐDC/dioxin huyện và sự ủng hộ của các cấp, các ngành trong huyện, tỉnh, cùng với tiền thu hoạch từ trồng rừng, kết hợp chăn nuôi của gia đình mà xây dựng được ngôi nhà trị giá lên đến 100 triệu đồng.

ÔngThực chăm sóc cặp bò giống sinh sản

Ông Bùi Thiết Thực, sinh năm 1947, là người dân tộc Mường, xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Nhập ngũ năm 1969 và cùng năm đó ông vào chiến trường thuộc đơn vị Tiểu đoàn 28, sau này trực thuộc Quân đoàn 3, Binh đoàn Tây Nguyên tại tỉnh Kon Tum. Suốt quãng thời gian từ năm 1969 - 1981, ông chiến đấu và công tác tại các đơn vị thuộc tỉnh Kon Tum. Năm 1982, sức khỏe ông giảm sút, đơn vị cho ông ra Bắc điều trị bệnh và nghỉ dưỡng, động viên ông khi sức khỏe ổn định trở lại đơn vị làm nhiệm vụ. Ông được thăng quân hàm thiếu úy, nhưng ông một mực viết đơn xin phục viên về quê. Ông báo cáo với lãnh đạo đơn vị: “Quê ông, đồng bào dân tộc có nhiều bài thuốc từ thảo dược, căn bệnh ông sẽ được chữa khỏi”. Động viên, thuyết phục ông ở lại quân đội không được, tháng 5 năm 1982, ông ra quân theo nguyện vọng. Trong hành trang trở về quê, ngoài mấy bộ quân tư trang và ít thuốc Quinin (loại thuốc chữa sốt rét) và nỗi nhớ đồng đội.

…Ngày vào Nam chiến đấu, bố, mẹ ông còn khỏe, nay trở về đều già yếu. Một thời gian sau, ông xây dựng gia đình với bà Bùi Thị Ước người cùng quê. Sau ngày cưới, ông được bố, mẹ cho ra ở riêng với 3 gian nhà làm tạm bằng tre nứa… Có lẽ, đây là thời gian ông nếm trải, thấm thía hết những khó khăn, vất vả của người lính trở về sau chiến tranh. Lúc này, ông muốn trở vào đơn vị, trở lại Kon Tum, nhưng tất cả đều đã muộn. Sau đó, vợ chồng ông lần lượt sinh các con: Bùi Văn Thành (1983), Bùi Thị Long (1985), Bùi Văn Xuyên (1988). Cả 3 con ông đều có thân hình gầy, teo tóp, khẳng khiu, đầu to, mắt xếch. Nhìn các con, ông đau đớn: “Không hiểu sao, cả hai gia đình nội ngoại đều khỏe mạnh mà con ông lại thế này?”

Sau đó nghỉ một thời gian, vợ ông sinh thêm 4 lần nữa, nhưng các con ông đều dị dạng, dị tật, đứa thì chết ở Bệnh viện Phụ sản tỉnh, đứa thì chết ở Bệnh xá của xã… Gia đình, dòng họ ông động viên vợ chồng ông sinh tiếp, biết đâu sẽ có những đứa con sinh sau khỏe mạnh. Nhưng khát vọng ấy đã không mỉm cười với vợ chồng người cựu chiến binh Bùi Thiết Thực. Vợ chồng ông chạy đôn, chạy đáo vay mượn tiền để đưa các con ông ra Bệnh viên Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Trung ương. Ở đâu các bác sĩ kết luận các con ông bị di chứng của chất độc da cam/dioxin ông lại thất vọng mang con quay về.

Với ông, từ năm 1969 đến năm 1975, ông chiến đấu dọc quốc lộ 14, phía Bắc thị xã Kon Tum. Sau này, khi trở thành NNCĐDC ông mới hay biết chính địa bàn ông chiến đấu, từ ngày 10 tháng 8 năm 1961, chiếc máy bay H34 của quân đội Ngụy quyền được sự hậu thuẫn của quân đội Mỹ đã phun rải “Chất khai quang” chính là chất độc hóa học có chứa chất dioxin. Nhiều đêm, nằm ôm các con vào lòng, ông nhớ lại những năm tháng chiến đấu ở Kon Tum, nhìn lên bầu trời, thấy những vệt sương khói từ máy bay Mỹ phun ra, ngay ngày hôm sau, cây rừng vàng úa rồi chết. Cây măng rừng vừa nhú khỏi mặt đất rũ xuống và thối rữa. Con chim trên cành cây rã cánh, con chồn, con dúi rúc trong gốc cây le, cũng lừ đừ như chuột phải khói rồi lăn ra chết. Nuôi quân, đơn vị xuống khe suối lấy nước, thấy cá chết nổi lên. Anh em trong đơn vị, hít phải làn khói từ máy bay địch phun rải ra, nhiều người ho, nôn ra máu, mắt mờ đi… Ngày ấy, bộ đội ta không hay biết gì về chất độc hóa học mang chất dioxin giết người. Bộ đội xuống suối lấy nước, nhìn thấy cá lờ đờ còn bắt về nấu canh chua… Mãi sau này, chiến tranh kết thúc 15 năm (1990), những người lính trở về như Bùi Thiết Thực mới hay biết rằng bản thân mình và các con ông sinh ra bị dị dạng, dị tật là hậu quả của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

…Quê ông, những năm tháng của thời bao cấp, gia đình ông chơi vơi với bộn bề khó khăn chồng chất, chẳng khác nào “cánh bèo tơi tả, trôi dạt đầu sóng, ngọn gió, ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh”. Cho đến đầu năm 1990, Nhà nước có chủ trương cho đấu thầu đất của các lâm trường để sản xuất, ông quyết định nhận 10,8 ha đất của Lâm trường huyện Thạch Thành. Thời hạn thầu là 50 năm để trồng cây keo và cây Lát hoa. Những ngày đầu, gặp thời tiết khô hạn, lại chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây trồng bị chết, cùng với nạn “lâm tặc” phá hoại rừng, có lúc ông chán nản định bỏ cây, bỏ rừng đi vào miền Nam sinh sống, nhưng nghĩ đến các con, nghĩ đến rừng quê ông, ông quyết định ở lại với suy nghĩ “Thất bại ở đâu, mình phải biết đứng lên ở đó”. Sau đó, được sự hướng dẫn của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ông đã có thêm kinh nghiệm chăm sóc tốt 10,8 ha cây keo và cây Lát hoa. Dưới tán cây, ông tận dụng nuôi gia cầm, gia súc, nuôi ong lấy mật; ông còn có thêm 1 ha đất rừng, cách nhà chừng 5 km để canh tác trồng cây keo và trồng cỏ để nuôi bò sinh sản. Hằng ngày, từ mờ sáng tinh sương, ông cùng vợ hành quân 5 km vào chăm sóc đồi cây keo. Nhìn những thân cây keo chuẩn bị cho thu hoạch, ông mừng vui khôn tả. Công sức của ông bỏ ra đã cho kết quả trên cả mong đợi. Thỉnh thoảng, những di chứng của chất độc da cam lại trỗi dậy hành hạ ông, nhưng ông có niềm tin và ông đã chiến thắng.

Từ đói nghèo vươn lên, nạn nhân Bùi Thiết Thực bám lấy đất quê hương, bám lấy rừng để sống. Cho đến hôm nay, trừ chi phí, hằng năm ông còn thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng. Số tiền đó với ông là rất lớn, ông tiếp tục đầu tư cho việc tái sinh rừng, kết hợp chăn nuôi và tạo dựng cuộc sống cho 5 đứa con “da cam” của ông. Ông dẫn chúng tôi ra thăm đồi “Ông da cam”, nhìn dáng bộ nhỏ thó của ông trong bộ quân phục bạc màu và đôi dép cao su truyền thống của Anh Giải phóng quân năm xưa, càng khâm phục ý chí của một con người như ông. Vào thăm cặp bò đang đứng trong lán trại, ông nhẹ nhàng vỗ vỗ vào đầu chúng, nhận ra chủ nhân của mình, chúng lắc lắc cái đầu và rống lên như chào hỏi. Ông thuần thục đưa vào miệng chúng những bó cỏ non, tươi để bò ăn rồi ông nói: “Năm sau bằng giờ, ông sẽ có thêm 2 cặp bò nữa. Hiện giờ giá mua 1 con bò sinh sản theo giá thị trường từ 20 – 25 triệu đồng”. Trước lán nuôi bò của ông là đồi cây keo xanh ngát, xen lẫn dưới tán cây là những bọng ong. Ông tâm sự: “Con ong quê nghèo của ông cũng cảm nhận được thân phận của nó, mùa thu không còn nhiều hoa rừng nữa, đàn ong phải bay tít tắp vào những cánh rừng xa để tìm kiếm những bông hoa mua, hoa sim còn sót lại, hoặc phải “hành quân” vào tít lâm trường để tìm mật trong những khóm hoa của các gia đình công nhân trồng làm cảnh. Thế nhưng, đàn ong của ông vẫn tồn tại, sinh sôi và phát triển để đến mùa xuân tới, mang về cho gia đình ông những giọt mật ong sánh vàng, thơm ngon”.

Trên đường trở về nhà, ông chỉ cho chúng tôi khu mộ gia đình ông. Ở đó, có phần mộ bố mẹ và 4 đứa con của vợ chồng ông do bị di chứng chất độc da cam đã lìa bỏ vợ chồng ông trở về với đất mẹ. Ông nói: “Vợ ông sinh nở 9 lần nhưng chỉ có 5 con còn sống nhưng đều dị dạng, dị tật, 4 con chết do bệnh tật di truyền chất độc da cam của ông sang”. Gia đình ông mang nỗi đau trần thế, nỗi đau da cam này không riêng gia đình ông mà của hơn 3 triệu NNCĐDC Việt Nam phải hứng chịu…

Trong căn nhà tình nghĩa nơi vợ chồng ông sinh sống, có treo nhiều tấm Bằng khen của Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, của các ngành, các cấp là sự ghi nhận và vinh danh về thành tích của ông. Trong "nỗi đau da cam” ông đã trụ vững trên quê hương, bám lấy đất rừng để tồn tại và sinh sống. Ông thật xứng đáng là tấm gương vượt khó vươn lên, tiêu biểu cho trên 16.000 NNCĐDC của tỉnh Thanh Hóa./.

Phạm Quang Thư

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...