• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Bộ đội Biên phòng thắp sáng lớp học biên cương

Chúng tôi đến 'vùng lìa' (cách gọi về các xã của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị dọc theo bờ sông biên giới Sê Pôn, cũng là nơi sinh sống của cộng đồng người Pa Cô, Vân Kiều) để tìm hiểu về các lớp học xóa mù chữ của những người lính Biên phòng Quảng Trị. Ánh sáng từ lớp học, tiếng đánh vần bi bô xua đi cái rét đầu đông trong đêm tĩnh lặng miền biên giới.

Bài 1: Ngày làm nhiệm vụ trên chốt, tối trở thành người thầy gieo trồng con chữ

Buổi sớm làm nhiệm vụ trên Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, tối lại trở thành thầy giáo quân hàm xanh là công việc thường ngày của “tổ giáo viên” Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị. Đối với những người lính Biên phòng, việc đem con chữ đến với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô không chỉ là nâng cao dân trí mà cũng là thêm một cách thắt chặt thêm “sợi dây kết nối” tình quân dân nơi biên giới.

Lớp học đặc biệt

Tối nào cũng vậy, Trung úy QNCN Hồ Văn Lăng (Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 64) đều ăn cơm sớm hơn mọi người để đúng 18 giờ đi xe đến nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A Ho (xã Thanh). Trung úy Hồ Văn Lăng được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ làm giáo viên lớp học chống tái mù chữ cho phụ nữ thôn A Ho. 19 giờ lớp học mới bắt đầu nhưng anh luôn đến sớm làm công tác chuẩn bị cũng là để các học viên biết giờ học sắp bắt đầu, cần nhanh chóng tới lớp. Mặc dù không có tiết nhưng Trung úy Nguyễn Văn Hoàng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cũng có mặt, bởi: “Tôi là tổ trưởng nên ngoài việc đứng lớp ra thì còn phải phụ trách đảm bảo nội dung giảng dạy. Lớp học khá đông nên giáo viên cũng cần nhiều trợ giảng để hỗ trợ, kèm cặp cho các học viên. Lớp học chống tái mù chữ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tốt nhất”.

Trung úy Hồ Văn Lăng hướng dẫn học viên lớp học chống tái mù chữ ở thôn A Ho.

Có đến mới thấy được sự cố gắng của thầy trò ở lớp học đặc biệt nơi biên cương này. Phụ nữ Vân Kiều, Pa Cô phải đảm đương việc nương rẫy, nuôi lợn, chăn gà, cơm nước nhưng 19 giờ đã lại có mặt ở lớp và học liên tục từ thứ 2 đến thứ 6. Tuy nhiên, theo Trung úy Nguyễn Văn Hoàng thì tỉ lệ học viên xin nghỉ học rất ít. Nhiều hôm chưa tới 19 giờ, thế nhưng 30/30 học viên đều đã có mặt đầy đủ nên giáo viên cho lớp học bắt đầu để “học sớm về sớm mai còn đi làm”. Những người phụ nữ vốn quen cầm dao chặt củi, cầm cuốc rẫy cỏ nay lóng ngóng cầm bút, viết những nét chữ đầu tiên. Những lúc như vậy, Trung úy Nguyễn Văn Hoàng, Hồ Văn Lăng lại kiên trì hướng dẫn các chị, các mẹ nắn nót từng nét. Trung úy Hồ Văn Lăng động viên chị Pỉ Thiết: “O cố gắng nhé, ban đầu ai cũng thế. Không biết thì hỏi, muốn giỏi phải học và không phải ai cũng giỏi ngay được đâu”.

Theo Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh thì lớp học chống tái mù chữ ở thôn A Ho là lớp học thứ hai được đơn vị phối hợp với Hội Phụ nữ xã Thanh mở dành cho phụ nữ trên địa bàn 2 xã Thanh và Xy. Giáo viên là cán bộ đồn và hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh. “Căn cứ vào tình hình cụ thể, chúng tôi sẽ mở các lớp học chống tái mù chữ cho phụ nữ trên địa bàn. Để tạo thuận lợi cho các học viên và lớp học có kết quả, lớp học sẽ luân phiên mở tại các thôn. Việc “cơ động” lớp học ở nhiều nơi là bộ đội thêm việc nhưng vì bà con nhân dân, chúng tôi không ngại khó, ngại khổ”- Trung tá Ngô Trường Khôi chia sẻ.

Trung úy Nguyễn Văn Hoàng với “niềm vui” làm thầy giáo quân hàm xanh.

Con chữ nhọc nhằn

Tổ giáo viên của Đồn Biên phòng Thanh gồm Trung úy Nguyễn Văn Hoàng là tổ trưởng và các tổ viên là Trung úy QNCN Hồ Văn Lăng (nhân viên Đội Vũ trang), Trung úy QNCN Hồ Văn Dưng (nhân viên Đội Vận động quần chúng), Trung úy QNCN Hồ Văn Đức (nhân viên Trạm Kiểm soát Biên phòng Xy) và Trung úy QNCN Hồ Văn Huy (nhân viên Quân khí). Điều đặc biệt là các thầy giáo đều ở Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 chỉ duy nhất Trung úy Hồ Văn Huy làm nhiệm vụ chuyên môn ở đơn vị. Biết những người lính còn nhiều việc nên Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh là chị Hồ Thị Tê, Hồ Thị Nghiêm cũng nhận đứng lớp. Chị Hồ Thị Nghiêm vốn có nghiệp vụ phạm, bởi vậy, những tiết học đầu tiên thường đến hỗ trợ các thầy giáo Biên phòng.

28 tuổi chỉ mang quân hàm Trung úy, thế nhưng thầy giáo Hoàng không phải là người “chậm tiến” mà hoàn toàn ngược lại. Với các học viên trong lớp, thầy Hoàng là tấm gương về việc “Việc học không bao giờ muộn, không phân biệt lứa tuổi”. Sinh ra trong một gia đình làm nông ở huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), hết lớp 12, anh ở nhà phụ bố mẹ làm ruộng rồi nhập ngũ và được biên chế về một đơn vị thuộc Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Năm 2015 anh xuất ngũ và quyết định thi vào Học viện Biên phòng. Lối sống khiêm tốn, trách nhiệm với công việc nên anh luôn được cấp trên, đồng đội tin tưởng. Từ khi biết câu chuyện riêng của thầy giáo Hoàng mọi người nể lắm, vì thế mà ai cũng cố gắng học nghiêm túc hơn.

“Bài học” về chuyển đổi cây trồng từ khoai sang lạc trên đất cát của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh dành cho đồng bào Vân Kiều trên địa bàn.

Lớp chống tái mù chữ nên học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Bà Hồ Thị Hương đã lên chức bà nội, bà Hồ Thị Nang có con gái là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế Huế…. Thế nhưng, bằng cả sự kính trọng lẫn biết ơn, các học viên trong lớp đều gọi Trung úy Hồ Văn Lăng, Nguyễn Văn Hoàng là “thầy”. Bà Hồ Thị Nang được mọi người chú ý vì là người thường đến sớm và về muộn nhất. “Các thầy ban ngày phải đi làm, buổi tối còn lên lớp dạy học thì mình phải tôn trọng. Tôi đi học mong biết đọc, biết viết thì sẽ không còn phải điểm chỉ mỗi lần cần ký giấy. Biết cộng trừ sẽ biết tính toán khi mua bán và chi tiêu trong gia đình”, bà Hồ Thị Nang bày tỏ.

Tiết học của thầy Lăng, thầy Hoàng rất thú vị, bởi giờ giải lao lại được nghe câu chuyện pháp luật, nhất là về xóa đói giảm nghèo. Những “bài học” này đã được các thầy giáo Biên phòng hiện thực hóa trong cuộc sống hằng ngày. Ai chẳng biết, Đồn Biên phòng Thanh đã giúp nhiều hộ “đổi” trồng khoai thành trồng lạc trên đất cát, trồng cà gai leo bán cho công ty dược liệu để có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Hay chuyện Đồn Biên phòng Thanh phối hợp với chính quyền xã, các tổ chức thiện nguyện tặng cho người dân 2 xã Thanh, Xy 1 triệu cây keo giống để trồng dọc theo bờ sông Sê Pôn. Vài năm nữa, những vườn keo sẽ gia cố bờ sông khi lũ về nhưng các hộ dân vẫn có thể thu hoạch bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Cứ thế, ai cũng mong cho nhanh đến tiết học ngày hôm sau.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MBBank tổ chức phát động Chiến dịch Tết vì nạn nhân chất độc da cam với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn”. Với ...
    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Ngày 24/12/2024, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029. Dự Đại hội có: Thiếu tướng, TS Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban TC-CS Trung ương Hội; bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại biểu ...