• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

“Chất thép” trong CCB, nạn nhân Lê Bá Phán

“Chất thép” trong CCB, nạn nhân Lê Bá Phán

Là lao động chính trong gia đình, nhưng ông Lê Bá Phán cũng thường đau ốm. Gánh nặng luôn đè lên đôi vai ông là người vợ ốm yếu và 4 người con bị nhiễm chất độc da cam. Một đứa nằm tại chỗ, hai đứa bỏ nhà đi lang thang; đứa nhỏ nhất bệnh nhẹ hơn ba anh chị nó. Khổ sở nhất là con trai đầu gần 40 tuổi, bị bệnh tâm thần bỏ nhà đi lang thang suốt. Vợ chồng ông không sao kiểm soát nổi. Nhiều lúc cháu đói khát nằm bờ bụi đâu đó, rồi được các anh công an đưa về; cũng có hôm bác xe ôm chở đến nhà.

Ông Lê Bá Phán bên cây mai tứ quý trong vườn nhà

“Vợ tôi bệnh tật liên miên, sức khỏe tiều tụy, lại còn bị con trai lớn tâm thần lấy cây đánh gãy xương tay trái. Hai con gái lớn cũng chẳng khác anh nó, khi lên cơn chạy khắp xóm la hét, đập phá bất kể ngày đêm, thậm chí còn đánh chửi cả bố mẹ. Con gái út đỡ hơn nhưng bị bệnh tim bẩm sinh, gia đình cố cho cháu học hết lớp 7 thì nghỉ. Để kiểm soát các con, tôi đã phải ghi họ tên các con, ép bằng nilon khâu vào áo cho từng đứa một…”. Ông Phán bùi ngùi kể với chúng tôi.

Sinh ra, lớn lên trên quê hương huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, năm 1968, ông Phán nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ. Là người lính thuộc Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, ông có mặt trong các trận đánh ở tỉnh Sông Bé, Đồng Nai, Lâm Đồng, Sài Gòn - Chợ Lớn và Campuchia… Khi biết chính ông đã bị ảnh hưởng trực tiếp chất độc hóa học Mỹ và di truyền qua những đứa con, vợ chồng ông rất đau xót, chứng kiến hằng ngày cảnh con mình bị tật nguyền, thần kinh, phải chăm từng miếng cơm, giấc ngủ và cả vệ sinh cho chúng như những đứa trẻ mới lên ba tuổi. Nhìn vợ gầy rọp, bệnh tình ông lại tái phát hành hạ, lắm lúc không đứng dậy nổi, nhưng nghĩ đến vợ và các con, ông Phán quyết không gục ngã, chống lại bệnh tật, cố gắng sống để

nuôi con.

Những ngày tháng đầu, gia đình ông trên vùng quê mới gặp rất nhiều khó khăn. Không có đất sản xuất, vợ ốm yếu, các con bị nhiễm chất độc da cam. Được đồng đội và bà con lối xóm giúp đỡ, dựng cho gia đình ông căn nhà tạm che mưa nắng. Qua những năm lao động và tích góp, cuối cùng gia đình ông cũng chuyển nhượng được 4 ha đất rẫy trồng lúa, từ năm 1995 chuyển sang trồng cây điều; từ đó kinh tế gia đình dần được cải thiện và có thu nhập. Ông đã xây được căn nhà khá khang trang và sắm sửa đủ đồ dùng trong nhà. “Rẫy xa nhà hơn 30km, nên cứ đến mùa vụ là tôi lại thuê xe ba gác máy hay xe bò, xe công nông hoặc máy cày để chở cả gia đình vào rẫy, tiện việc cơm nước và chăm sóc các con”- ông Phán nói.

Đã ngoài tuổi 70, nhưng “chất thép” của người lính Cụ Hồ vẫn nóng bỏng trong ông. Không gục ngã trước bệnh tật, ngược lại ông còn vươn lên sản xuất giỏi và làm từ thiện. Khi chưa có nhà ở, ông được UBND xã Phú Riềng tặng căn nhà tình thương. Ông Phán không nhận mà nhường lại cho một gia đình nghèo khác. Kinh tế khá hơn, ông dành mỗi năm từ 70 -

100 triệu đồng cho hàng xóm vay với lãi suất thấp. Gia đình nào nghèo, khó khăn, ông cho mượn không lấy lãi. Mặc dù được hưởng chế độ miễn giảm đóng góp các khoản ở địa phương, nhưng ông Phán vẫn tự nguyện đóng góp và còn ủng hộ thêm nhiều khoản để xây dựng phúc lợi xã hội ở thôn, xã và ủng hộ người nghèo, người dân tộc thiểu số, đồng bào vùng bị thiên tai bão lũ. Những năm làm Chi hội trưởng Chữ thập đỏ thôn Phú Tân, ông Phán còn đi xin hàng trăm kg gạo giúp người nghèo, cô đơn, già yếu.

Mặc dù là nạn nhân nặng nhưng ông Phán luôn tiên phong đóng góp xây dựng địa phương, xây dựng các công trình nông thôn mới và luôn tự nguyện giúp đỡ lại nạn nhân hoàn cảnh khó khăn cùng huyện Phú Riềng và nhiều địa phương khác. Ông Hồ Viết Trung, Chủ tịch Huyện hội Phú Riềng cho biết thêm, hằng năm ông Lê Bá Phán ủng hộ từ 5 - 7 triệu đồng giúp đỡ nạn nhân da cam, cựu chiến binh khó khăn trên địa bàn huyện.

Vừa là nạn nhân da cam nặng, vừa phải chăm lo một gia đình 4 người con đều bị nhiễm chất độc da cam và người vợ ốm đau liên miên, nhưng vượt lên trên cả nỗi đau - thương các con, thương hàng triệu người cùng bị nhiễm chất độc da cam, mà ông Phán nỗ lực vượt qua tất cả. Có những khi đang làm vườn, nghe tin con trai lang thang ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc bến xe, bến tàu nào đó, ông lại gác việc nhà, tất tưởi bắt xe đò đi kiếm con. Có lúc gặp mưa bão, ông bươn bải đêm hôm tìm bằng được con. Ông sống đức độ, hiền lành nên ai cũng thương mến. Cũng là niềm an ủi, khi các con càng lớn càng bớt quậy phá hơn. 2 cô con gái ngoan hơn, biết gật đầu và mỉm cười mỗi khi có khách đến nhà muốn gặp bố.

Còn một việc làm rất đáng trân trọng nữa là nghĩa tình tri ân đồng đội. Cựu chiến binh Lê Bá Phán là hội viên Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước. Ông đã nhiều lần theo đội cựu chiến binh tình nguyện của tỉnh đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, giúp gia đình liệt sỹ đưa hài cốt về quê hương.

Theo ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bình Phước, ông Lê Bá Phán xứng đáng là tấm gương điển hình được báo cáo thành tích vượt khó làm kinh tế giỏi và lòng thiện nguyện hướng về nạn nhân da cam, người nghèo -

nhân kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021) được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội sắp tới.

Nguyễn Ngọc Thơ

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...