• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

“Chủ tịch Phạm Xuân Hô - người anh cả của hội”

“Chủ tịch Phạm Xuân Hô - người anh cả của hội”

Năm 1966, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, thầy giáo Phạm Xuân Hô (sinh năm 1944) khi đó đang là hiệu trưởng trường cấp 2 xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, tạm gác nghề dạy học lên đường đánh Mỹ. Tham gia nhiều trận đánh ở mặt trận quân khu Thừa Thiên - Huế và trong một lần bị sức ép bom B52 rải thảm, ảnh hưởng nặng tới sức khỏe, ông Phạm Xuân Hô được chuyển ra ngoài Bắc an dưỡng, sau đó được xuất ngũ, trở về địa phương sinh sống.

Năm 2000, ông được Nhà nước công nhận là NNCĐDC. Thời kỳ ấy chưa có chủ trương thành lập Hội, ông đã có sáng kiến phải tổ chức số đồng đội là nạn nhân trên địa bàn xã thành một hội để động viên an ủi nhau; rồi ông lập kế hoạch xây dựng tổ chức Hội, báo cáo với Đảng ủy, UBND xã và được cấp ủy Đảng, chính quyền cho phép thành lập Hội NNCĐDC/dioxin xã Tiên Thanh - đúng vào ngày 30/4/2002 và là tổ chức hội cấp xã đầu tiên của cả nước.

Ngày đầu thành lập, chỉ có 17 hội viên, quỹ hội chưa có, ông Hô soạn thảo nội quy, ghi rõ tiêu chí hoạt động của Hội, được hội viên đồng thuận, nhất trí cao. Rồi ông phát động mỗi hội viên bỏ tiền lương 100.000đ để gây quỹ, mục đích thăm hỏi nhau khi ốm đau, nằm viện và phúng viếng đồng đội khi qua đời. Cách làm này cũng chỉ là để giải quyết tạm thời. Qua bao đêm trằn trọc suy nghĩ, ông nảy ra sáng kiến phải làm công tác xã hội hóa, vận động nhân dân chung tay ủng hộ xây dựng quỹ Hội NNCĐDC/dioxin. Ông gặp Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã, sau đó xã phát động cán bộ nhân viên mỗi người trích lương 100.000đ ủng hộ quỹ và đã thu được số tiền 3.000.000đ. Ông tiếp tục đến từng nhà những người con em quê hương đi công tác, kêu gọi họ cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Kết quả đã vận động được 10 triệu đồng ủng hộ quỹ Hội. Khi đã có quỹ (năm 2007), ông quyết định triển khai thực hiện theo tiêu chí của Hội đã đề ra: Hội viên ốm đau nằm viện, Hội có túi quà trị giá 50.000đ; hằng năm, vào dịp tết nguyên đán, Hội có túi quà trị giá 100.000đ/hội viên; hội viên tuổi 70 được mừng thọ 1.000.000đ/người…

Sự quan tâm đó góp phần làm vơi đi nỗi đau da cam cho các nạn nhân và gia đình họ. Niềm vui của hội viên là động lực để ông Hô tiếp tục vận động, dù có lúc ông đã phải trải qua cuộc phẫu thuật tiền liệt tuyến, nhưng ông luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn không phế”, còn sống, còn sức khỏe, còn vì đồng đội - những NNCĐDC. Thế là chiếc xe đạp cọc cạch đã đồng hành với ông khắp nẻo đường, từ nông thôn đến thành phố, gần thì đến trực tiếp, xa thì gửi văn bản cho các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Rồi ông viết bài kêu gọi phát trên đài truyền thanh huyện, xã, mỗi tháng một lần. Kết quả đã gây quỹ thêm cho Hội, đủ để thực hiện được các tiêu chí của Hội đề ra trong chăm sóc, giúp đỡ hội viên.

Năm 2012, nạn nhân Phạm Văn Doánh qua đời để lại 4 người con cho người vợ thường xuyên ốm yếu, con trai lớn bị điên dại, con trai thứ 2 thần kinh, vợ bỏ đi; hai con gái tuổi 40 mới có chồng vì trai làng sợ di chứng da cam. Trước hoàn cảnh éo le của gia đình, Hội đã cùng địa phương tổ chức lễ tang, đưa đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó, ông đề nghị Hội Chữ thập đỏ thành phố và được sự quan tâm của Đảng, chính quyền thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể cùng đoàn cổ động viên bóng đá Hải Phòng về tận gia đình nạn nhân thắp hương, chia buồn và tặng quà, hỗ trợ cho gia đình.

17 năm xây dựng và hoạt động, Hội xã Tiên Thanh đã trở thành chỗ dựa tin cậy của nạn nhân. 17 năm, Hội đã tiếp nhận tiền hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà mới cho hội viên tổng trị giá 215 triệu đồng; các doanh nghiệp hỗ trợ tiền và quà trị giá 561 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi 95 lượt hội viên ốm đau trị giá gần 48 triệu đồng; tiễn đưa 8 hội viên qua đời, 18 lần phúng viếng tứ thân phụ mẫu với số tiền gần 38 triệu đồng; tổ chức mừng thọ cho 10 hội viên tuổi từ 70 - 80 trị giá 10 triệu đồng; hằng năm vào dịp tết nguyên đán, ngày 10/8, Hội đều có quà tặng hội viên, mỗi suất 100 ngàn đồng. Hội đã vận động thầy Thích Thanh Nhàn, trụ trì chùa Tam Tứ Tự Thiên tài trợ mỗi hội viên 1 mũ mềm và bộ quân trang quân đội. Năm 2012, Hội tổ chức cho hội viên đi tham quan các di tích lịch sử của đất nước; trao quỹ khuyến học cho 1 cháu con hội viên số tiền 600 ngàn đồng; hỗ trợ 2 hội viên hoàn cảnh khó khăn 1,6 triệu đồng…

17 năm đóng góp, là nòng cốt duy trì hoạt động của Hội xã Tiên Thanh, ông Phạm Xuân Hô được Trung ương Hội tặng Kỷ niệm chương (năm 2019), 7 năm liên tục được Thành hội Hải Phòng tặng giấy khen và 3 năm liên tục (2012, 2013, 2014) được UBND huyện Tiên Lãng tặng giấy khen. Hội xã Tiên Thanh được Huyện hội Tiên Lãng công nhận vững mạnh toàn diện, dẫn đầu hội cấp xã. Thành tích đó là do sự đoàn kết, thương yêu đùm bọc của các hội viên, cùng nhau xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, trong đó công đầu là của Chủ tịch Hội - Phạm Xuân Hô. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu, nhưng nhiệt huyết trong ông vẫn sung mãn: “Còn chút ít sức khỏe, còn được đồng đội tin yêu, tôi vẫn tiếp tục cống hiến cho Hội, cho đến khi mắt mờ, chân chậm, tôi mới nghỉ”. Một câu nói đơn giản, mộc mạc, nhưng đã khiến đồng đội thêm tin yêu, quý mến, cảm phục. Ai cũng bảo: “Chủ tịch Phạm Xuân Hô đúng là anh cả của Hội ta!”.

Dương Minh Tân

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...