• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chung ý chí và khát vọng vươn lên

Trong dịp gặp mặt điển hình tiên tiến nhân Tháng hành động “Vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023 và kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2023) của tỉnh Cao Bằng, chúng tôi được gặp những “chứng nhân” bất hạnh tột cùng của chiến tranh, nhưng tất cả cùng có chung một ý chí vươn lên kiên cường, trở thành tấm gương sáng tiếp thêm nghị lực cho những người cùng cảnh ngộ.

Vượt lên nỗi đau da cam 
Ông Hà Đinh Hèo (xóm Bản Hỏ, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình) tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và bị thương. Xuất ngũ trở về quê, ông Hèo không chỉ mang trong mình thương tật mà còn bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ông có 4 người con, con gái cả Hà Đinh Thị Huệ (sinh năm 1979) và con gái út là Hà Đinh Thị Linh (sinh năm 1987) bị di nhiễm CĐDC; cả 2 bị câm, điếc, hiện đang hưởng trợ cấp 974.000/người/tháng. 

Khó khăn vất vả, nhưng nỗi đau da cam không khuất phục được ý chí của người lính Cụ Hồ. Không cam chịu đói nghèo, ông cùng gia đình động viên nhau tăng gia sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi. Mỗi năm, ông nuôi hai lứa lợn xuất chuồng 1,5 tấn lợn hơi, nuôi 3 con lợn nái đảm bảo lợn giống, 2 con trâu làm sức kéo và tận dụng nguồn phân để trồng trọt, mỗi năm gia đình ông thu hoạch 2,5 tấn lúa, 5 tấn ngô, 2 tấn quả thanh long,... Ngoài ra, ông nuôi gà, vịt và trồng các loại rau màu như đậu, lạc phục vụ cuộc sống sinh hoạt. Nhờ tích cực lao động sản xuất, đời sống của gia đình được nâng lên, ông xây được ngôi nhà mái bằng khang trang, mua sắm những vật dụng thiết yếu.
Dù mang trong mình nỗi đau da cam, sức khỏe suy giảm nhưng NNCĐDC Hà Đinh Hèo có một nghị lực đáng khâm phục. Ông Hèo chia sẻ: Tôi mong những người cùng cảnh ngộ hãy cố gắng vươn lên sống thật vui, sống khỏe chăm lo phát triển kinh tế như những gì Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Nghị lực của người mẹ
Trong chiến tranh, những người phụ nữ đã tiễn chồng, con lên đường ra trận, là hậu phương vững chắc cho những người lính nơi chiến trường. Khi trở về, nhiều người mang trong mình di chứng chiến tranh, bị phơi nhiễm CĐDC, lại chính những người phụ nữ ấy tiếp tục hành trình âm thầm chăm sóc chồng, con, xoa dịu nỗi đau trong những ngày trái nắng, trở trời. Không gì đong đếm hết nỗi đau của những người mẹ phải chứng kiến giọt máu của mình sinh ra với hình hài, trí óc không trọn vẹn. Trong căn nhà đáng lẽ phải đầy ắp tiếng cười nhưng lại chỉ có tiếng đập phá, la hét của con... 

Lãnh đạo huyện Bảo Lạc tặng quà gia đình bà Vi Thị Ngoan là vợ, mẹ của nạn nhân da cam

Đó là gia đình bà Vi Thị Ngoan, xóm Bản Ỏ, xã Đình Phùng (Bảo Lạc) có chồng và 5 người con là nạn nhân da cam. Gặp bà trong buổi gặp mặt điển hình tiên tiến nhân Tháng hành động vì nạn nhân CĐDC năm 2023, bà vừa quệt những giọt nước mắt chảy dài trên đôi gò má hốc hác, vừa kể cho chúng tôi nghe quãng đời khó nhọc gần 30 năm qua, nếu không có nghị lực phi thường, có lẽ bà đã không thể trụ vững trước nỗi đau da cam mà chồng và các con phải gánh chịu. 
Tháng 5/1972, chàng thanh niên Trương Văn Đình lên đường nhập ngũ trực tiếp tham gia chiến đấu tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Sau giải phóng năm 1977, ông xuất ngũ trở về địa phương và cùng bà Vi Thị Ngoan nên duyên vợ chồng.
Niềm vui chớm nở khi bà mang thai đứa con đầu, cả gia đình đặt niềm hy vọng về gia đình và những đứa trẻ. Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu khi người con cả mới lên 10 tuổi thì chồng bị CĐDC phát bệnh. Thời gian đầu, ông bị đau đầu thường xuyên, sau đó bị ngứa và lở loét toàn thân, vết lở loét ngày càng lan rộng và sâu, người dân xóm bản nói ông Đình bị bệnh hủi và đề nghị phải đưa ông lên hang núi để cách ly. Bà Ngoan nén đau thương đưa chồng lên hang núi cách nhà 3 km để cách ly, hằng ngày cậu con trai thứ hai nắm cơm treo trên đầu cây sào trúc đưa lên miệng hang và gọi “Bố ơi, bố còn sống không”, nghe tiếng bố, cậu mới giơ cây sào buộc nắm cơm đưa cho bố. Sau gần một năm sống trên núi đá, cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, giải thích cho người dân là ông Đình đi bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước bị nhiễm chất độc hóa học không phải bị bệnh hủi, sau đó, ông được đưa về nhà chăm sóc, các vết loét khô lại. Một năm sau, 2 chân ông tự rụng rời từ đầu gối tới bàn chân. 
Đến năm 2009, ông qua đời để lại cho bà 5 đứa con đều bị nhiễm CĐDC. Con trai thứ 2 Vi Văn Phú (sinh năm 1982) mắc chứng đau đầu, mất ngủ, nội tạng bên trong bị đen sẫm, sau đó cũng qua đời, bỏ lại người vợ và 2 đứa con. Con gái thứ 3 Vi Thị Phiến (sinh năm 1986) bị liệt 2 chân từ nhỏ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do bà Ngoan chăm sóc. Con trai thứ 4 Vi Văn Nghiệp (sinh năm 1993) ngay sau khi được gia đình tổ chức đám cưới (năm 2012) thì Nghiệp đã bỏ về nhà mẹ ở. Người con trai út Vi Văn Chiêng (sinh năm 1999) bị hỏng một mắt. Năm 2021, người con cả lấy vợ và ra ở riêng cũng có biểu hiện đau đầu, mất ngủ, khiến bà Ngoan ngày càng thêm lo lắng. Hàng chục năm qua, một mình bà ngày ngày tần tảo làm ruộng, trồng trọt, chăn nuôi, lo kinh tế cho cả gia đình. Với sự hy sinh thầm lặng, bà nhiều lần được ghi nhận, biểu dương là tấm gương điển hình trong chăm sóc NNCĐDC...
Thời gian trôi qua, không thể nói hết nỗi vất vả, buồn đau mà bà Vi Thị Ngoan hàng ngày nhìn đứa con mình sinh ra, lớn lên trong bệnh tật, sức khỏe ngày càng giảm sút. “Bây giờ tuổi đã cao lại hay đau ốm, chẳng biết là sẽ sống được bao lâu để nuôi con. Khi tôi mất đi, ai sẽ chăm sóc con hằng ngày” - đó là nỗi niềm mà bà ngày đêm trăn trở.
Trên những vết thương và nỗi đau dai dẳng do hậu quả của chiến tranh nhưng sự sống vẫn nảy sinh từ khát vọng và ý chí con người. Những tấm gương nạn nhân da cam đầy nghị lực như ông Hèo, sự hy sinh cả cuộc đời của người mẹ, người vợ như bà Ngoan đã và đang thắp sáng, tiếp thêm động lực cho những người không may bị nhiễm chất độc hóa học vươn lên trong cuộc sống.  

Nông Thị Kim Thoa
Báo Cao Bằng   

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...