.jpg)
Vào thăm gia đình ông Trình Văn Đạo, tất cả ai cũng ấn tương bởi rất nhiều huân, huy chương của vợ chồng ông treo trang trọng trên bức tường trong phòng khách, phía bên là nơi thờ ông, bà, tổ tiên. Đây là một gia đình đặc biệt, cả vợ, chồng và con gái đầu là NNCĐDC. Với mức lương hưu và phụ cấp chất độc hóa học hàng tháng trên dưới 15 triệu đồng, nhưng ông, bà và con gái vẫn lạc quan, sống thanh đạm suốt gần 50 năm nay. Chị Trình Thị Hằng, con gái đầu lòng của vợ chồng ông, năm nay đã 47 tuổi nhưng vẵn như một đứa trẻ, bởi bản thân cô không tự làm được bất cứ việc gì cho bản thân. Tất cả, từ vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ của Hằng đều do người mẹ chăm bẵm. Ông Trình Văn Đạo, nay đã gần 90 tuổi, còn đi lại bình thường, còn đọc sách báo, duy chỉ có hai tai bị điếc. Ông về hưu hơn 40 năm, có gần 20 năm tham gia Ban đại diện Người cao tuổi của phường. Ông tâm sự “tôi không chịu khuất phục trước di chứng quái ác của chất độc da cam, tôi luôn tự nhắc mình phải lạc quan, làm chỗ dựa, động viên vợ con nỗ lực vươn lên xây dựng gia đình và chăm sóc con gái thật tốt, qua đó giảm bớt một phần gánh nặng cho xã hội”.
Bà Nguyễn Thị Chín, chia sẻ: Bà và ông Đạo đều là người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Đạo, người xã Bảo Toàn, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, tham gia cách mạng từ năm 1955, là bác sỹ; bà quê Quảng Ngãi, là y sỹ, tham gia cách mạng năm 1968. Ông và bà gặp và quen nhau ở Ban dân y Quân khu 6. Sau năm 1975 họ cưới nhau; một năm sau, họ sinh được một bé gái đầu lòng, nhưng hạnh phúc không trọn vẹn, bé bị thiểu não bẩm sinh. Bù đắp lại phần nào, năm 1979, ông bà sinh tiếp được cậu con trai lành lặn, nay cháu đã có gia đình, đã có hai con khỏe mạnh. Thương con gái, ông bà thống nhất, bà xin nghỉ hưu sớm (1986) dốc lòng chăm con, còn ông tiếp tục công tác đến năm 1982 mới nghĩ hưu. Trước khi nghĩ hưu ông là Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Thuận. Bà Nguyễn Thi Chín, kể thêm: khi sinh cháu Hằng ra cả hai vợ chồng thấy nản, họ biết mình đã bị nhiễm chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống vùng căn cứ nơi ông, bà từng công tác. Với nghị lực của người lính, hai vợ chồng không chịu khuất phục, họ động viên, an ủi nhau để nuôi Hằng và hy vọng sẽ có những đứa con lành lặn. Mong ước, hy vọng của cặp vợ chồng chiến sỹ đã được bù đắp. Ngừng một chút, quay mặt lau vội giọt nước mắt, nhìn Hằng, bà thở dài, không biết khi vợ chồng tôi chết đi, cháu Hằng sẽ sống ra sao?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Thức, chủ tịch Hội NCĐDC/dioxin phường Phú Thủy nói: Gia đình ông Trình Văn Đạo, bà Nguyễn Thị Chín, họ biết mình và con gái đều là NNCĐDC, nhưng ông, bà không hề kêu than. Ở địa phương cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, động viên gia đình, nhưng ông bà không trông chờ, ỷ lại mà luôn tự lực, tự cường vươn lên bằng chính bản thân mình. Rất xúc động, vào các ngày Lễ, Tết, ngày da cam Việt Nam (10/8), mỗi khi chính quyền đến thăm và tặng quà cho gia đình, ông bà, ông đều hỏi: các gia đình nạn nhân khác họ đã có quà chưa? Hãy ưu tiên họ - Ông Thức cho biết thêm.
Chúng tôi, hết thảy đều cảm phục trước ý chí, nghị lực, tấm lòng hai vợ chồng ông Đạo bà Chín - những người đã từng vào sống ra chết, nay trở về với đời thường họ vẫn lạc quan, vượt lên số phận, vượt lên bệnh tật do chất độc da cam gây ra. Ở họ ngời sáng phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
Danh Lư
Bình luận