Trong số đó, tôi rất ấn tượng với một người lính già đầu bạc có tên là ông Nam… Cụt!
Ông là Nguyễn Thanh Nam nói về những thành tích trong đời |
Cha tôi gọi ông ấy là “Nam Cụt”, vì ông bị cụt đi cánh tay phải sát nách trong một trận chiến đấu với địch năm 1974, tại Thừa Thiên Huế. Từ đó, đồng đội đặt cho ông biệt danh này. Ông là Nguyễn Thanh Nam, sinh ngày 6/12/1950, quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có 8 anh em, ông là con trai trưởng. Trông dáng người to kệch, giọng nói cứ oang oang, nước da bánh mật, thoạt đầu tôi cứ ngỡ ông tác phong quân sự, nghiêm túc, khó gần nhưng khi tiếp xúc thấy ông thật giản dị, hoà đồng. Được đón nhận niềm vui gặp đồng đội, các chiến hữu một thời, ông Nam không khỏi xúc động, bùi ngùi, nhớ lại ngày đánh Mỹ: “Năm 1968, giặc Mỹ điên cuồng đưa không quân đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Lúc ấy tôi đang học lớp 9/10; chứng kiến nhiều nhà máy, xí nghiệp Vinh - Bến Thuỷ và nhiều nơi khác bị đánh phá, người dân vô tội chết vì bom đạn địch, trái tim tôi khát khao cháy bỏng mong sớm được “xếp bút nghiên” lên đường xung trận cầm súng đánh giặc”. Ông Nam kể.
Được sự đồng ý và khuyến khích của gia đình, ông tình nguyện xin đi Bộ đội. Ngày 28/6/1968 là một bước ngoặt trong cuộc đời của ông khi nhập ngũ về Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 súng máy phòng không thuộc tỉnh đội Nghệ An. Huấn luyện xong, đơn vị ông hành quân vào chiến trường Huế - Trị - Thiên ác liệt. Tại đây, ông được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 54 (nay là Tiểu đoàn 16 phòng không), Sư đoàn 324, là xạ thủ súng máy phòng không 12ly7. Tám năm ở chiến trường, ông tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ ở Phú Lộc, Quảng Điền, A Sầu, A Lưới, Coóc Bai (Thừa Thiên), A Dơi, Tam Tanh (phía tây tỉnh Quảng Trị) hay ở Nam Lào.
Đang hào sảng giọng ông bỗng chùng xuống, đôi mắt ngấn nước, chậm rãi kể: “Có những đêm hành quân khát nước cháy ruột gan, lúc qua suối nghe mùi bom đạn khét lẹt vẫn lấy mũ múc nước uống, sáng mai mới nhìn thấy đồng đội mình hy sinh dưới đó, vội vàng cùng nhau lấy tay bới đất để chôn”. Ông vẫn còn nhớ như in những trận sốt rét rừng hành hạ, run lẩy bẫy, giật co rúm từng cơn, thuốc không đủ điều trị, đói khát bò đi tìm rau củ rừng ăn, vừa luồn tránh bom đạn địch, đôi khi cả ngày chỉ được bát cháo loãng, được may mắn sống sót trở về là hạnh phúc lắm.
Ông Nam thăm lại chiến trường xưa và tưởng niệm đồng đội |
Mặc dù tham gia hàng trăm trận đánh ác liệt và gần đến cái tuổi thất thập lai hy, công việc đời thường áp lực trí nhớ có phần phai nhạt nhưng có những trận đánh với ông như vừa diễn ra hôm qua, điển hình là trận đánh ở A Dơi (phía tây Quảng Trị ) vào lúc 3 giờ 30 phút sáng ngày 08/9/1970, Khẩu đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn 54 (Sư đoàn 324) ông là xạ thủ số 1, được lệnh xuất kích bắn máy bay trực thăng vũ trang (AH1G) chi viện cho Tiểu đoàn đặc công 33. Khi máy bay trực thăng vũ trang của địch đang vây quần xả súng loạn xạ vào đội hình của Tiểu đoàn đặc công. Để kéo sự chú ý và hỏa lực của địch về phía khẩu đội, chia lửa cho Tiểu đoàn đặc công 33 tiền nhập đánh địch và rút quân an toàn, khẩu đội của ông nổ súng liên tiếp, đã bắn cháy 2 chiếc trực thăng vũ trang. Đây là 2 chiếc máy bay trực thăng vũ trang duy nhất do Tiểu đoàn 54 bắn rơi vào ban đêm khi trời chưa sáng. Sáng hôm sau, khi được lệnh lui quân, ông và đồng đội thấy toàn bộ trận địa bị bom đạn cày xới nhưng không ai bị thương, súng vẫn an toàn. Đó là một chiến thắng hiếm hoi thời binh nghiệp làm ông nhớ mãi.
Trong trận đánh khiến ông bị trúng đạn mất cánh tay phải. Một ngày đầu tháng 9/1974, ông và đồng đội đang phối thuộc với bộ binh đánh chiếm điểm cao 30, Nam Núi Bông, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Lúc đó Khẩu đội vừa chiếm lĩnh trận địa, lắp súng xong, đang lấy phần tử bắn thì nghe tiếng vút bên tai, cảm giác lạnh người, tê buốt, ông quay sang thấy cánh tay phải gần đứt, treo lủng lẵng, ông lấy hết sức giật mạnh rồi nhờ đồng đội ga rô, vì bị mất máu quá nhiều ông ngất lịm ngay trên trận địa; khi tỉnh dậy mới biết mình đang nằm điều trị ở Quân y viện. Trong thời gian ở chiến trường Huế Trị Thiên khói lửa ông và đồng đội đã lập được nhiều chiến công hiển hách, bắn rơi nhiều máy bay; ông được tặng thưởng danh hiệu Dũng sỹ diệt máy bay; danh hiệu Dũng sỹ quyết thắng, Chiến sỹ thi đua và Huân chương chiến công giải phóng hạng 3. Đặc biệt tháng 3/1973, ông được kết nạp Đảng trong chiến trường.
Anh hùng Đặng Thọ Truật là bạn kề vai chiến đấu của ông cho biết: “Trong chiến đấu, đồng chí Nam mưu trí, dũng cảm, luôn lạc quan yêu đời; ông có biệt tài bắn máy bay ban đêm; sống nghĩa tình với đồng đội, căn nhà ông ở hiện tại (Khối 15, phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An) luôn là một trong những địa chỉ đỏ quen thuộc mỗi khi chúng tôi gặp nhau ôn lại chuyện xưa. Đồng thời vợ ông Nam là một người phụ nữ dịu dàng, chịu thương chịu khó, hết lòng chăm chồng, chăm con và phụng dưỡng mẹ già.
Khi về điều trị tại Trạm thương binh I, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, một lần ông về thăm nhà, thương đứa con trai bị cụt một cánh tay, cha ôm ông vào lòng tâm sự: “Trước đây con học giỏi và chỉ còn lớp 10 nữa; để cuộc sống đỡ khổ, theo cha, con quyết tâm tập viết bằng tay trái rồi đi học tiếp. Những lời răn dạy ấy đã ngấm vào máu và ý chí cũng như nghị lực vượt lên số phận của người lính một thời vào sinh ra tử, ông không cho phép mình gục ngã trước thách thức của một thương binh “tàn nhưng không phế” giữa thời bình. Thế rồi, những ngày điều trị ở Trạm thương binh Tân Kỳ I, mọi người lại quen với hình ảnh một người lính cụt tay vẫn ngày ngày xin phấn tập viết từng con chữ, phép toán trên nền gạch, lúc thì mượn được cây bút chì tập viết trên giấy…
Đồng đội vẫn thường gặp nhau ôn kỉ niệm chiến trường |
Sau hơn 1 năm kiên trì, bền bỉ tay trái của ông đã viết được. Năm 1978, ông xin vào học văn hóa tại Trường bổ túc văn hoá Công nông Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1979, ông thi và đậu vào Trường Đại học Tài chính, Kế toán Hà Nội. Trong 4 năm học (1979 - 1983) ông luôn chăm chỉ học hành và được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Đảng ủy viên khoa Tài chính Ngân sách của Trường. Những năm tháng này ông may mắn được cô bạn đồng hương xứ Nghệ, Phạm Thị Ngọc Trâm - cùng khoá quý mến và say đức tình cần cù, chịu khó và học giỏi. Thường xuyên được O Trâm động viên, giúp đỡ… và dần dần biến sự quan tâm thành tình yêu đôi lứa. Ngày ra trường hai người đăng ký kết hôn nên duyên vợ chồng. Tốt nghiệp nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vợ chồng xin về công tác ở Ngân hàng đầu tư và xây dựng Nghệ Tĩnh, vợ công tác ở Cục thuế tỉnh nhà. Ông Nam chia sẽ: “Hồi đó đang thời bao cấp cuộc sống bộn bề vất vả. Chỉ còn một cánh tay nhưng ngoài thời gian làm việc tại cơ quan ông khai phá đất trống để trồng rau, chăn nuôi lợn, gà cải thiện đời sống, ngày nghỉ tranh thủ sửa xe đạp, vá xăm… kiếm thêm thu nhập”.
Trải qua hơn 30 năm công tác trong ngành tài chính, ngân sách với nhiều chức vụ, đơn vị Ngân hàng đầu tư và xây dựng, Cục đầu tư, Kho Bạc Nhà nước; ông luôn cần cù chịu khó học tập nâng cao trình độ, nghiên cứu các chế độ chính sách mới, sử dụng thành thạo vi tính và thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo, UBND tỉnh nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp mang lại hiệu quả cao trong thực hiện vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh nhà. Thực hiện cấp phát, thanh toán vốn đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ. Với phẩm chất của người lính cụ Hồ không lúc nào ông nghĩ đến tư lợi cho bản thân, sống giản dị, khiêm nhường, luôn được mọi người tin yêu, ngoài công việc ở cơ quan ông chỉ mong được chăm sóc gia đình, vợ con và mẹ già. Hiện nay, hai đứa con trai đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Với những thành tích trong ngành tài chính, ngân sách, hàng năm ông luôn đạt danh hiệu Lao động xuất sắc được UBND Tỉnh, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng Bằng khen. Tháng 3 năm 2011, ông về nghỉ hưu, hằng ngày ông cùng vợ chăm sóc các cháu và phụng dưỡng mẹ già đã ngoài 90 tuổi.
Cát Tường
Bình luận