• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chuyện tình của một nạn nhân chất độc da cam

Bút ký của Lang Quốc Khánh Chị Nguyễn Thị Phương nằm trên giường, nghiêng người tiếp chuyện tôi. Những câu chuyện chị nhớ và kể cứ như một trang giấy nào đó viết sẵn, nhưng đó là chuyện đời của chị. Bao năm rồi nằm trên giường, những nghĩ suy luôn dằn vặt, giằng xé, tạo thành nỗi đau không bao giờ nguôi đã đi suốt cuộc đời chị. Có nỗi khổ, nỗi đau và bất hạnh nào hơn sức chịu đựng của nạn nhân chất độc da cam.

Chị Nguyễn Thị Phương là NNCĐDC bị liệt toàn thân phải nằm một chỗ từ bé cho đến nay, phải có người chăm sóc

Gã đội cái mũ cối. Cách đi đứng, ăn mặc trông quen quen như tôi đã gặp. Tôi cố lục trong trí nhớ xem đã gặp người này ở đâu rồi. Nhưng tôi trấn tĩnh, chẳng qua đó là hình ảnh những chàng trai mũ cối, đi xe đạp “giải phóng đuôi to” là mẫu hình thanh niên “ga lăng” cách đây hơn ba mươi năm của thế kỷ trước.

Gã ngồi đối diện, trầm ngâm nâng ly cà phê. “Tôi thấy anh quen quá”, tôi nói. Gã gật chào và giải thích, “em mới trong Ban Mê Thuột ra, đợi xe chốc nữa ghé thăm vợ em đang nằm điều dưỡng ở Trung tâm Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam Thanh Hóa”. Tôi ngạc nhiên, “sao vợ em lại nằm đó”. Gã thở một hơi tựa như muốn đẩy lồng ngực ra, nói, “chuyện dài lắm anh ạ, nhưng đó là dấu ấn cuộc đời để em không thể cưới một cô vợ lành lặn”. Nghe gã nói, tôi càng tò mò, “sao lại là cưới cô vợ lành lặn, thế vợ em sao?” Tôi hỏi. “Vợ em tật nguyền cả một đời chỉ nằm chứ chưa từng ngồi lên được, chưa nói là đi đứng”. “Vậy thì sao?” Tôi tò mò hơn.


Khuôn viên Trung tâm Chăm sóc người có công và NNCĐDC tỉnh Thanh Hóa

“Ấy là trong một đêm thanh vắng…” Gã kể: “Chỉ có tiếng ếch nhái, côn trùng kêu và ánh trăng mờ mờ…”. Hôm ấy gã đi đánh cá trên sông Cầu. Con sông lững lờ, nước đục, khởi nguồn từ núi Đàn thuộc huyện Ngọc Lặc, chảy qua các huyện Lang Chánh, Thọ Xuân, Yên Định và Thiệu Hóa rồi hợp với sông Mã ở hạ lưu, có chiều dài gần 90 cây số. Bởi nước đục nên cá rất nhiều, nhất là đánh về đêm. Cũng cái đêm hôm ấy, gã gánh cá về, rẽ tắt qua bụi chuối, nơi có cái lều thò ra bên hiên nhà. Cái lều ấy chỉ dành riêng cho một người. Nhà Nguyễn Thị Phương, thuộc xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Phương là nạn nhân gián tiếp chất độc da cam, chỉ nằm một chỗ vì toàn thân bại liệt. Cái đêm ấy trời xui khiến thế nào mà gã không thể rời cái bụi chuối, ánh trăng và lối rẽ tắt để đem cá về khỏi bị ươn. Mặc cho cá ươn, gã bảo bụng. Rồi gã nhẹ nhàng kéo cánh cửa. Cái cửa đan bằng liếp, trệt dưới mặt đất. Trời tối, ánh trăng mờ dẫn lối cho gã ghé mắt, kéo trệt cánh cửa rồi tót vào trong. Bên hông cái lán nhỏ này là ngôi nhà xây cách tường, bố mẹ Phương đang ngon giấc. Tim gã đập loạn xạ, rối bời. Gã lùi ra một bước giữ lồng ngực, quái lạ sao hôm nay mình lại thế. Gã chợt nghĩ, hay tại mình mới ngâm nước. Rồi gã rón rén đến bên cái giường có một phụ nữ đang nằm, đưa tay nhẹ nhàng chạm vào thân thể người con gái mười tám. Người con gái chỉ ứ lên một tiếng nhẹ rồi cũng im lặng. Đêm ấy đối với gã thật ngắn.

Cái đêm hôm ấy ám ảnh gã, cũng bởi tại gã vừa bước qua tuổi mười tám. Mấy tháng sau làng ầm lên, cái Phương không chồng mà chửa. Nhiều miệng thế còn chửi độc, cái Phương nằm một chỗ thì làm gì, sao lại có thai được, chắc nó bị cưỡng bức, phải làm cho ra nhẽ, xét nghiệm ADN bắt thằng gây chuyện phải đi tù…

Biết bao nhiêu là câu chuyện xung quanh Phương. Gã lúc đó cảm thấy xấu hổ và sợ hãi, nếu lộ ra thì sao, đi tù thì chớ nhưng miệng thế gian cười chê thì không thể chịu nổi. Ở cái làng này, cái xã này, chuyện gì cũng lan nhanh. Nỗi ám ảnh dịu ngọt trở nên tàn độc làm gã phờ phạc, bỏ đánh cá mấy bữa. Chính vì thế gã nghĩ đến chuyện phải đi thật xa, trốn làng, nếu nhỡ có ai biết chuyện cũng không thể làm gì. Thế là gã khăn gói vào tận Ban Mê Thuột làm nghề hái cà phê thuê. Đằng đẵng gần hai mươi năm giờ gã mới dám về quê.

“Thế sao em lại biết vợ em sinh con?” Tôi hỏi. “Sau một thời gian bẵng đi nhưng câu chuyện của em và Phương thì chỉ có trời biết nên em tìm hiểu và luôn dõi theo. Em nghĩ không một ngày cưới nhưng em luôn coi Phương là vợ vì hai đứa có con chung.” Gã trả lời rồi đưa mắt nhìn ra ngoài đường xem chiếc xe Grab đã đến chưa.

Còn Phương, cô nằm trong Trung tâm Nuôi dưỡng đã gần hai mươi năm lại nay. Ông Dương Đình Khải, Chủ tịch và ông Phạm Quang Thư, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa bày tỏ rất vui mừng khi tôi quan tâm đến chuyện cô gái tật nguyền Nguyễn Thị Phương. Cả hai người đều nở nụ cười rất tươi và cho biết: Phúc nhà Phương rất lớn, đã phù hộ độ trì cho chị “mẹ tròn con vuông”. Mặc dù chỉ nằm liệt một chỗ nhưng chị sinh thường chứ không phải mổ. Chị sinh một đứa con trai kháu khỉnh. Biết tin, Hội NNCĐDC/dioxin đã đón chị và cháu bé về Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa. Từ đó đứa bé lớn lên trong vòng tay và tình yêu thương của những cán bộ, nhân viên tại đây, ai cũng coi cậu như con. Giờ cậu đã lớn thành một chàng thanh niên lực lưỡng, khôi ngô, hoạt bát. Trong Trung tâm, ai cần việc gì cậu cũng sẵn sàng giúp, nhất là những việc nặng, cần gánh vác. Biết hoàn cảnh chị Phương, một tòa soạn báo ở Hà Nội đã mời con trai chị ra Hà Nội tìm giúp công ăn việc làm.

Chị Trịnh Thị Yến, Phó trưởng Khoa Quản lý bệnh nhân da cam của Trung tâm cho biết, trường hợp chị Nguyễn Thị Phương là cá biệt, bởi chị không thể ngồi dậy. Từ chuyện vệ sinh cá nhân, ăn uống, giặt giũ đều phải nhờ nhân viên Trung tâm giúp đỡ. Chưa nói đến chuyện chăm con, tất cả mọi việc chị Phương trong gần hai mươi năm qua đều nhờ tình thương và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Trung tâm. Chị Yến còn cho biết, những bệnh nhân vào đây mỗi người một hoàn cảnh rất đáng thương, bố mẹ của họ thì già cả, lại là những lao động chính. Còn các NNCĐDC thế hệ thứ 2, hầu hết đều thiểu năng trí tuệ, chân tay dị tật, nói năng khó khăn và không tự chủ được mọi sinh hoạt của bản thân. Tất cả đều nhờ vào tình thương yêu của cán bộ, nhân viên Trung tâm. Có gia đình vào đây cả hai chị em, có gia đình thì hai anh em ruột.

Tôi quan sát khuôn viên chăm sóc nạn nhân bị di chứng chất độc da cam ở đây như một công viên, có hồ nước, ghế đá, cây xanh, sạch, đẹp, ngăn nắp, không một cọng rác. Bên trong các buồng bệnh, nơi các bệnh nhân nằm, nền nhà sạch bong không chút bụi bẩn. Nhiều bệnh nhân nằm co quắp trên giường, đến giờ lại có nhân viên Trung tâm vào cho uống sữa, lau rửa, cho uống thuốc.

Hằng ngày, từ sáng sớm, nhân viên Trung tâm đến từng phòng lau chùi, quét dọn, giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân, rồi bón cho những bệnh nhân không tự vận động được hoặc nằm liệt giường ăn uống, thu gom đồ dùng giặt giũ, rồi thăm khám bệnh, tất cả những người nằm ở đây đều có bệnh nền rất nặng, theo đó phát thuốc cho họ theo kết quả khám hằng ngày. 

Ông Trịnh Văn Cường, Trưởng phòng Hành chính Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa rót cốc nước, đẩy sang phía tôi: Anh xem, họ toàn là những nạn nhân chất độc da cam, chủ yếu là nạn nhân thế hệ thứ 2. Ở đây chỉ có một bác là nạn nhân trực tiếp. Các đối tượng này mang trong mình nhiều bệnh tật, bệnh lý khác nhau. Có đến 80% số người phải nhờ nhân viên giúp ăn uống, thay quần áo, tắm giặt, quét dọn lau chùi mà chị Phương là điển hình, phải bón ăn, tắm rửa giúp hằng ngày. Riêng Khoa Nạn nhân chất độc da cam được phân làm 2 khu vực, nam riêng, nữ riêng, với 21 nhân viên phục vụ gồm: bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ lý. Ông Cường giãi bày rồi dẫn tôi đi một vòng. Thấy chúng tôi, các bệnh nhân nam túm tụm đứng trong cửa sắt chỉ trỏ, hò hét. “Có người thì thấp lùn, người thì béo, mắt trố, bước khập khiễng, v.v… Thương nỗi, họ cũng là con người, muốn làm người bình thường mà không được.” Ông Cường nói, rồi cười nguýt nguýt pha trò với các bệnh nhân. Họ cùng cười reo như hội.

Trở lại với ông Dương Đình Khải, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa, tôi gợi chuyện chị Phương, ông bảo, trách nhiệm của chúng tôi là đền ơn đáp nghĩa. Bố chị Phương là NNCĐDC trực tiếp, ông ấy là lính chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, Quảng Trị. Khi trở về địa phương, lấy vợ sinh con, thấy con bị tật nguyền, ông ấy đi khám, xét nghiệm mới biết mình bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ phun rải. 

Tôi lục lại ký ức thảm họa, đó là ngày 10/8/1961, máy bay của Không lực Hoa Kỳ bắt đầu phun rải chất độc hóa học với tên gọi chiến dịch “Khai quang”, theo phía họ, đây là “sáng kiến” làm rụng lá cây để đối phương không nơi ẩn náu. Trong 10 năm Mỹ đã thực hiện gần 20.000 phi vụ, phun rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học (trong đó 61% là chất độc da cam/dioxin). Cuộc chiến tranh phi nghĩa đó không chỉ làm cho gần 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc hóa học, có hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, mà hệ lụy của nó còn gây nên biết bao thảm cảnh, buồn đau xuyên thế hệ trong các gia đình cựu chiến binh và người dân Việt Nam.

Nhân viên Trung tâm trò chuyện với các bệnh nhân là NNCĐDC đang điều trị tại Trung tâm

Trong chuyến đi thực tế của văn nghệ sĩ Nghệ An xuyên Tây Nguyên cuối tháng 9 năm 2023, tôi gọi cho chị Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Kon Tum. Chị giới thiệu địa danh làm tôi nổi gai ốc như Đăk Tô, Tân Cảnh, nơi mà năm 1961, Mỹ bắt đầu triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với công thức cố vấn Mỹ cộng quân đội chính quyền Sài Gòn cũ, chúng chọn Đắk Tô làm thí điểm phun rải chất diệt cỏ chiến thuật (tactical herbicides). Theo đó,  ngày 10/8/1961, phi vụ phun rải thí điểm thứ nhất được tiến hành. Một chiếc trực thăng sơn cờ vàng ba sọc đỏ của Không lực Sài Gòn đã bay dọc theo quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắk Tô, phun rải chất độc hóa học. Chúng rải trong 3 ngày liên tục. Những thứ chất mà chúng rải đã phủ lên khoai, sắn, chuối và cỏ tranh hòng cắt nguồn cung lương thực cho du kích quân Cộng sản. Sau đó tất cả các loài thảo mộc đều bị héo rũ. Tiếp đó, trong khuôn khổ kế hoạch Staley – Taylor nhằm bình định Nam Việt Nam trong vòng mười tám tháng, không quân Mỹ đã phun rải xuống vùng Nop, phía tây huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Cũng thời gian này, hóa chất “khai quang” được phun rải dọc đường 15 nối Biên Hòa – Vũng Tàu để giải tỏa con đường đang bị quân du kích kiểm soát. Kon Tum là điểm đầu tiên Mỹ rải chất độc hóa học nhưng sở dĩ nơi đây ít nạn nhân chất độc da cam hơn các tỉnh miền Bắc là bởi khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, những người lính chủ yếu quê đất Bắc đã trở về và nạn nhân chất độc da cam có hầu khắp các làng xã các tỉnh miền Bắc. 

Họ là nạn nhân, là con người, rất cần chúng ta chăm sóc, chị Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Kon Tum nói: Nhắc lại quá khứ để chúng ta biết ai là thủ phạm, ai là nạn nhân và phải có trách nhiệm giữa người với người, chúng ta đang gửi đơn kiện các Công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm với các nạn nhân những vùng nhiễm độc do họ gây ra. Riêng người Việt chúng ta thì đó là nhân văn, là tình người, đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn người có công – những NNCĐDC là những người có công – Chị Bình khẳng định.

Trở lại Thanh Hóa lần này cùng văn nghệ sĩ xứ Nghệ, trò chuyện với ông Dương Đình Khải, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa, ông cứ trăn trở mãi những nghĩ suy. Ông bảo, vẫn có nhiều người quan niệm, chế độ cho những NNCĐDC là “trợ cấp, hỗ trợ” kiểu như là thương hại. Theo tôi, họ là người có công nên các chế độ với họ phải là “đền ơn đáp nghĩa”, tức trả công, trả nghĩa đối với họ. Chúng ta phải quan niệm NNCĐDC cũng là những người có công với đất nước. Lâu giờ hai khái niệm này lẫn lộn, nên nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn, chế độ trợ cấp, chăm sóc rất thấp. Phải tiếp xúc trực tiếp với họ mới nhận thấy điều đó. – Ông Khải nói.

Chị Nguyễn Thị Phương nằm trên giường, nghiêng người tiếp chuyện tôi. Những câu chuyện chị nhớ và kể cứ như một trang giấy nào đó viết sẵn, nhưng đó là chuyện đời của chị. Bao năm rồi nằm trên giường, những nghĩ suy luôn dằn vặt, giằng xé, tạo thành nỗi đau không bao giờ nguôi đã đi suốt cuộc đời chị. Có nỗi khổ nào hơn, nỗi đau nào hơn, bất hạnh nào hơn sức chịu đựng của các NNCĐDC.

Một lúc sau, cán bộ Trung tâm vào phòng, mở hộp sữa cho chị uống rồi lấy khăn ướt lau mặt cho chị. Khi nhắc đến đứa con, Nguyễn Thị Phương nhỏ nhẹ bộc bạch, “Em thực sự có lỗi vì đẻ con ra mà mình không thể chăm sóc, để nó tự lớn lên như cây, như cỏ… May có các anh chị Trung tâm cưu mang”.

Trong câu chuyện, nước mắt chị chảy nghiêng làm ướt đẫm một bên má và tóc.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác