• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Có một người yêu Lào đến thế

Ghi chép Ngày 2/12/2022 là Quốc khánh Lào lần thứ 47. Nhân dịp này Tạp chí Da cam Việt Nam- Văn phòng Đại diện Bắc miền Trung xin giới thiệu bài viết về NSNA, Nhà báo Trần Duy Ngoãn, hiện trú Khối 17, tp Vinh, Nghệ An, người đã có tập sách ảnh “Đất nước Lào tươi đẹp” được bạn Lào ghi nhận sâu sắc và đánh giá cao về giá trị các tác phẩm ảnh của ông.

Phó Thủ tướng chính phủ Lào Somsavath Lengsavad ký nhận xét tập sách ảnh “Đất nước Lào tươi đẹp của NSNA, Nhà báo Trần Duy Ngoãn

Chữ ký của Phó Thủ tướng Somsavath Lengsavad
Tác giả bài viết chuyển tặng tập sách ảnh của NSNA, Nhà báo Trần Duy Ngoãn cho Phó Thủ tướng Somsavath Lengsavad

Ông say miền đất đến mức kỳ lạ và khám phá hết mình. Những người sống trên đất Lào như tôi (Lúc đó là Trưởng Cơ quan đại diện VOV tại Vientiane) cảm thấy rất ngỡ ngàng bởi cái nhìn tinh đời của Trần Duy Ngoãn. Tôi chợt nhớ lời một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thành có câu: “Tôi mến yêu đất nước Lào như yêu trái tim tôi…” chắc là để dành tặng những người như ông.

Người Nghệ sĩ mà tôi muốn kể ở đây là Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nhà báo Trần Duy Ngoãn. Ông nói, chẳng thích viết về mình, chẳng cần khoe mẽ, đánh bóng mà làm gì. Ông bảo mình vì yêu đất Lào, cái nghiệp và lòng đam mê đã thôi thúc mình. Nhưng lẽ đời “Hữu xạ tự nhiên hương” mà, những dòng tôi viết đây cứ chảy ra bởi một niềm cảm phục.

Đã hơn bốn mươi năm từ quân ngũ của một thời “Hoa lửa” Quảng Trị rồi gắn bó với nhiều chức vị từ huyện đến tỉnh, bề bộn với công việc nhưng niềm đam mê và cái tâm Nghệ sĩ vẫn không một giây phút buông tha ông.

Thời làm biên tập ở Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, tôi thường xuyên nhận được những bài viết từ huyện Thanh Chương gửi về với bút danh Trần Duy Ngoãn hoặc Trần Lan Anh. Hồi đó ông còn là Trưởng Phòng văn hóa huyện. Đến khi tôi nghe tin ông lên chức Phó chủ tịch huyện, những bài viết vẫn cứ gửi về đều đặn, thậm chí mật độ dầy hơn. Rồi khi ông học xong văn bằng ba, lớp Đại học báo chí, ông lại được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện, những bài báo gửi về vẫn đều đặn, nhưng lại ký dưới cái tên Trần Lan Anh (Gồm họ mình, tên vợ và con). Ban biên tập chúng tôi hồi đó có người không biết đã thốt lên, cái ông Trần Lan Anh này, làm gì mà viết khỏe thế.

Một dịp, đoàn công tác của Sở văn hóa Nghệ An kết hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An có chuyến công tác tại Lào, qua vùng núi Bản Nahin, một miền đá trùng điệp huyền ảo của tỉnh Bolikhamxay, đoàn đi một chặng xa, không thấy xe ông Ngoãn đâu, cả đoàn nháo nhác quay lại, thấy ông đang nằm bò trên các mỏm đá chụp ảnh. Ông Cao Đăng Vĩnh, giám đốc Sở Văn hóa Du lịch và Thể thao mắng yêu: “Cái lão Ngoãn này, lần sau không thèm nhập đoàn với lão nữa. Làm mình hết hồn, tưởng lão tai nạn ở đâu đó!”.

Trần Duy Ngoãn đam mê tâm hồn nghệ sĩ “Vốn sẵn tính trời”, từ thời ở huyện. Không ai khuyên nhủ, không ai phê bình nếu như ông không làm việc ấy, vì ông đường đường là một vị lãnh đạo. Thế nhưng ông vẫn cứ trằn ra, lăn xả hết mình, như quên mọi sự. Ông bình dân đến nỗi thường chăm sóc mọi người trong những bữa ăn.

Ông đã viết hàng nghìn bài báo, ghi chép, ảnh báo chí và nghệ thuật. Sau những chuyến rong ruổi khắp miền quê nước Lào từ Bắc chí Nam, đến với những người nông dân vùng cao, những công nhân chăm sóc cao su ở tít tận Nam Lào. Ông đã ra mắt được một tập sách ảnh đồ sộ về Lào mà đến bây giờ vẫn đang là sản phẩm duy nhất của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam về Lào.

“Qua sách ảnh của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Duy Ngoãn, bạn bè Quốc tế sẽ thấy rằng đất nước Lào chúng tôi vô cùng tươi đẹp, có nền văn hóa phong phú và giầu bản sắc. Một đất nước đang trên đà phát triển trên những tầm cao mới… Như thế mới biết được những giá trị cao quý mà các anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã đánh đổi cả cuộc đời của mình để giành lại cho các thế hệ người Lào. Điều đó chúng tôi không bao giờ quên. Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Duy Ngoãn đã gửi cho chúng ta thông điệp đó.” Nhà báo Bounchom Vongphet, Tổng giám đốc Đài truyền hình Quốc gia Lào đánh giá.

Trong hai sê-ri phim “Ký sự nước Lào” gồm năm mươi tập mà Đài PTTH Nghệ An, lúc đó ông là Giám đốc, phối hợp cùng Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc VTV thực hiện, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bà con Việt kiều và bạn Lào.

Với cảm nhận của một người Lào, ông Khampien Sinuanthong –Phó tỉnh trưởng Xiengkhuang cho rằng: “Xem phim này, các thế hệ mai sau sẽ ghi nhớ thêm về lịch sử và truyền thống của 2 dân tộc chúng ta, đó là mối quan hệ đặc biệt, vô giá. Thông qua đó làm cho mọi người nhận thức thêm được bổn phận và trách nhiệm của mình đối với vận mệnh mỗi đất nước chúng ta. Trong thời gian tới, mỗi địa phương, mỗi tổ chức đoàn thể lại càng phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm tuyên truyền lịch sử quan hệ đặc biệt của 2 Đảng, 2 đất nước cho mọi người hiểu và không bao giờ quên những giá trị truyền thống ấy.”

Nước Lào chỉ có hai mùa, khô và mưa. Bên mình đang rét cắt da cắt thịt, nhưng ở Lào trời vẫn nắng chang chang. Gọi là mùa mưa nhưng năm nay mưa hiếm hơn mọi năm. Các nhà khoa học Lào từng cảnh báo, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến Lào một cách nghiêm trọng. Mùa khô, nhiều vùng quê hạn hán, chỉ có vùng thủ đô vẫn còn dồi dào nước. Ngoài con sông Mekong chảy theo ven thành phố Vientiane chia biên giới Lào - Thái, thì thành phố này còn có những vùng đầm quanh phía Bắc. Những vùng đầm ấy không chỉ là lá phổi cho đô thị Vientiane mà còn là vựa cá cung cấp cho cư dân Vientiane nguồn thực phẩm dồi dào. Không biết các đời vua Lào thời ấy đã bằng cách nào lại chọn được chỗ này để dời đô từ thành phố Luangprabang) kiều diễm về đây. Năm 2010, cả nước Lào nô nức mừng đón đại lễ kỷ niệm 450 năm ra đời của thành phố Vientiane và cũng là thời khắc cả nước ta kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long Hà Nội.

Ngoài Vientiane thì nơi nào trên đất Lào cũng phải hứng chịu khí hậu khắc nghiệt. Nếu đang mùa mưa mà vào các bản vùng sâu, đường sụt thì rất khó ra. Thế mà Trần Duy Ngoãn đã lặn lội đến những miền đó. Ông say sưa chụp ảnh, say sưa ghi chép, chỉ đạo đoàn làm phim... Mỗi ngày lại có một phóng sự ảnh bề thế gửi về nước. Đều đặn như thế có khi cả tháng trời.

Vientiane có nghĩa đen là thành quách vững chãi hay Thành trăng rằm. Cho dù hiểu theo cách nào thì Vientiane đúng là một thành phố xinh đẹp, hiền hòa hội đủ các yếu tố Thiên- địa-nhân. Từ bên này thành phố nhìn qua sông Mekong là đất Thái Lan. Ta có thể thấy người và xe bên đất Thái đang hối hả chắc cũng lắm chuyện sinh kế. Cũng như Lý Công Uẩn chọn thành Thăng Long khi nhà vua nhận thấy đây là miền đất “Được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng”. Nên đã chọn.

Thành trăng này cũng vậy, tiền Nhân của người Lào đã có cái nhìn xa trông rộng. Đất Luangprabang tuy cổ kính mỹ lệ nhưng chỉ phù hợp cho các ngai vàng, còn đất Vientiane lại tiện lợi cho việc kinh bang tế thế, giao thương con cháu sau này. Nước Lào không có biển nhưng có con sông Mekong chạy dọc từ bắc chí Nam, chỉ cần qua cầu hữu nghị là đã sang đất Thái Lan. Chạy theo con đường quốc lộ Mười ba thì Vientiane muốn đến với vùng đất nào cũng thuận tiện. Con đường nối liền hành lang kinh tế Đông Tây, như các nước Việt Nam, Thái Lan, Cam pu chia, Miến Điện và các nước cận Đông. Trong tương lai Vientiane sẽ là trung tâm cho cả vùng Đông Nam Á. Hiện Vientiane đã có một cảng biển do Việt Nam dành giúp để thông thương với các nước trên thế giới đó là Vũng Áng, thuộc đất Hà Tĩnh. Chính phủ Việt Nam và Lào đã ký thỏa thuận cho phép Lào sử dụng Vũng Áng để giao thương thế giới. Vậy nên, các nhà tiền nhân của Lào chọn Vientiane là chí lý lắm.

Dọc các chợ nội thành được bày bán la liệt những thứ đặc sản vùng quê truyền thống khoái khẩu của người Lào như ếch, nhái, trứng kiến, cá lóc, lươn, nòng nọc, cá sông Mekong, sông Namngeum… Theo đó nhiều vô kể các loại cá nước ngọt mà tôi chưa biết tên được người dân lấy từ tứ xứ về.

Một số tác phẩm ảnh NSNA, Nhà báo Trần Duy Ngoãn chụp tại Lào

Những lời tôi vừa kể đã có trong sách ảnh và trong phim của NSNA, Nhà báo Trần Duy Ngoãn.

Mỗi lần Trần Duy Ngoãn có điều kiện đi công tác sang Lào là mỗi lần góp nhặt, tích lũy những hình ảnh, tư liệu về những miền quê, đất nước Lào tươi đẹp, trù phú, thơ mộng, đầy bản sắc của gần năm mươi tộc người cũng được thể hiện trong tập sách ảnh và gần năm mươi tập phim tài liệu của ông và các cộng sự đã thực hiện.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực, Chủ tịch Phân Ban hợp tác Lào -Việt Nam; ông Somsavath Lengsavad, nhận xét về cuốn sách ảnh của Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trần Duy Ngoãn như sau: Sách ảnh “Đất nước Lào tươi đẹp” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Duy Ngoãn chứng tỏ rằng đồng chí rất am hiểu và yêu đất nước Lào. Nếu chỉ là người chụp ảnh thôi thì sẽ khôngđược như thế này. Nghệ sĩ đã có cái nhìn rất sâu sắc về đất nước Lào chúng tôi, nhìn vào đây người xem đã có thể cảm nhận toàn diện về cuộc sống cũng như văn hóa Lào, đất nước và con người Lào. Rất cảm ơn đồng chí Trần Duy Ngoãn, mong đồng chí có thật nhiều những bức ảnh đẹp về đất nước Lào. Trong này có nhiều ảnh về Luangphabang. Tôi rất khâm phục nghệ sĩ, vì Luangprabang là quê hương của tôi. Tập sách ảnh này rất có ý nghĩa trong năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam- Lào; kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao và năm ký Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác toàn diện Việt Nam –Lào.” Ông Somsavath Lengsavad nhấn mạnh trong tập sách ảnh “Đất nước Lào tươi đẹp" của NSNA, Nhà báo Trần Duy Ngoãn như vậy. Và nhận xét của ông cũng đã hội đủ ý tứ mà tôi thay cho đoạn kết của bài viết này.

NSNA, Nhà báo Trần Duy Ngoãn (Hàng cuối, đội mũ, thứ 4, phải sang) cùng các đồng nghiệp Việt Nam- Lào trong chuyến sáng tác tại Lào

Lang Quốc Khánh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...