• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Có người lính về từ mặt trận Quảng Trị

Sau gần 40 năm xa nhau, những người lính chúng tôi từng cùng nhau đọc 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật của Quân đội, dù lúc đó có người còn là anh binh nhì, có người là sĩ quan cấp tá. Chúng tôi khao khát tìm lại nhau vì chúng tôi là những người lính. Trong cuộc hội ngộ ấy, tôi đã gặp lại người lính trở về từ mặt trận Quảng Trị

Tôi gặp CCB Nguyễn Hữu Xuân trong lần gặp mặt cựu lính Trung đoàn 764. Hình ảnh của ông làm tôi nhớ lại ngày đầu tiên nhập ngũ, đầu quân vào Tiều đoàn 3, Trung đoàn 764 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Lúc đó ông là Tham mưu trưởng, Trung đoàn phó. Những ngày đầu thật bỡ ngỡ, từ một anh sinh viên, sau đó làm báo, nên tôi thật khó khăn mỗi khi báo động, hoặc chạy đường dài. Thế nhưng lâu rồi thành quen, 3 tháng thao trường làm tôi rắn rỏi hơn bao giờ hết. Sau này tôi vẫn thầm cảm ơn số phận vì được rèn luyện trong môi trường quân đội mới giữ được thể lực như bây giờ.

Lũ chúng tôi khi lên thao trường, bài học đầu tiên phải thuộc lòng là 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mười lời thề danh dự quân nhân là lời tuyên thệ được đọc trong lễ chào cờ, một nghi thức trang trọng trở thành truyền thống lịch sử của quân đội ta. Tôi nhớ lời thề thứ 7 đối với người lính phải: “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt, trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí rồi đồng thanh: "xin thề"... Những lời thề ấy đã theo suốt cuộc đời mỗi con người, tuy đã chuyển công tác, đã ra quân, hoặc đã nghỉ hưu, dù ở đâu, lĩnh vực nào, tâm khảm vẫn luôn nhớ về nhau, nhớ cái nôi rèn luyện để mình trưởng thành.

Hai cựu chỉ huy Trung đoàn 764 Nguyễn Hữu Xuân (trái) và Nguyễn Quang Nuôi

Cuộc hội ngộ có rất nhiều câu chuyện đáng nhớ, nhưng nhớ nhất là người Tham mưu trưởng Trung đoàn phó Nguyễn Hữu Xuân, ông có làn da ngăm đen nhuộm nắng, sắc mặt lạnh lùng, quyết đoán, tác phong nhanh nhẹn và rất thương lính. Trong một lần lao động dã ngoại, ông nhìn tôi đùa, “Cậu nhà báo này cho đi đóng gạch thì không nỡ, cuốc đất trồng rau cũng không xong, tốt nhất hết nghĩa vụ nên cho cậu ta sớm về lo cho gia đình”. Cứ tưởng ông chỉ đùa nhưng khi tôi làm đơn, ông đã bàn với Trung đoàn trưởng Nguyễn Quang Nuôi, cựu lính Sư đoàn 341, ủng hộ tôi ra quân sớm do hoàn cảnh gia đình...

Trong ngày gặp mặt lính Trung đoàn 764, Tham mưu trưởng, Trung đoàn phó Nguyễn Hữu Xuân đã là CCB mang hàm Đại tá, hiện trú tại xóm 3 xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn nhanh nhẹn hoạt bát, giọng nói sang sảng như hồi nào. Ông nhắc lại địa danh Cồn Vàng, nơi đơn vị đóng quân. Cồn Vàng khét tiếng là vùng đất cằn khô bụi cát, nằm trên địa bàn xã Nghi Trường của huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An mà Trung đoàn 764 đóng quân. Đây là một trong những đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chi viện nhân lực cho quân chủ lực khi cần thiết và còn có nhiệm vụ xây dựng các công trình quốc phòng. Sự khắc khổ thiếu thốn của thao trường, của vùng đất và những nhiệm vụ quân đội giao phó đã xích lại gần những người lính chúng tôi.

Mọi người hào hứng ôn lại những kỉ niệm đời lính

Mọi người ôm chầm lấy nhau, nắm tay, cùng miên man kể những câu chuyện đời lính. Cựu Trung đoàn trưởng Nguyễn Quang Nuôi nhắc lại với tôi người đồng đội CCB, Đại tá Nguyễn Hữu Xuân, người lính trận từng vào sinh ra tử ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1968 đến năm 1974 của thế kỷ trước. Qua câu chuyện đồng đội, tôi biết, tháng 11/1968, chiến sĩ Nguyễn Hữu Xuân được đầu quân vào chiến trường B5 (Quảng Trị), trưởng thành trong chiến đấu từ một chiến sĩ lên Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng trinh sát rồi cán bộ đại đội, cán bộ tiểu đoàn thuộc Đoàn 15 mặt trận B5 (sau là D15). Lúc ở trinh sát ông có trọng trách trực tiếp luồn sâu bám địch để bảo đảm cho các đơn vị đặc công và bộ binh của ta thực hiện hàng chục trận tập kích, phục kích đánh tiêu hao tiêu diệt lực lượng Lữ 1, Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới Mỹ từ căn cứ Cồn Tiên và Miếu Bái Sơn thường xuyên nống ra càn quét ngăn chặn ta trên dãy Hồ Khê, Đá Bạc, Cù Đinh, Ba De, cao điểm 122 và đồi Tròn ở Cam Lộ... Với cuộc hành quân Lam Son 719 của địch mở chiến dịch tấn công sang Nam Lào, trong đêm 26/3/1971, ông cùng đồng đội đánh tập kích phủ đầu, tiêu diệt gọn gần 1 đại đội bộ binh cơ giới Mỹ chốt chặn ở đồi Tròn sát cầu Bóng Kho trên trục đường 9 để bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược của chúng; trực tiếp chỉ huy đại đội vận động công tiêu diệt gọn 1 đại đội lính Ngụy bảo vệ vòng ngoài cứ điểm Cồn Tiên bắt sống 26 tên trong trận mở đầu chiến dịch mùa xuân 1972; cùng tập thể Ban chỉ huy tiểu đoàn 2 phòng ngự, liên tục tấn công, tập kích vào đội hình lữ 147 Thủy quân lục chiến Ngụy để phá thế tấn công tái chiếm thành cổ Quảng Trị của địch trên hướng phía tây Tích Tường, Như Lệ, động Ông Gio; Ngày 11/9/1974, ông chỉ huy đơn vị tập kích tiêu diệt đại đội thủy quân lục chiến ngụy và bắt sống 11 tên tại cao điểm Cồn Tre, Phong Điền Thừa Thiên Huế...

Đại tá Nguyễn Hữu Xuân kể về những kỉ niệm đáng nhớ
Những người lính gặp lại nhau sau gần 40 năm

Bước ra từ chiến tuyến, chiến trường Trị Thiên, ông mang trong mình nhiều tổn thương cơ thể và được xếp hạng thương binh 4/4 nhưng vẫn tham gia quân ngũ đến lúc nghỉ hưu và khi về địa phương ông còn tiếp tục nhận trọng trách Phó chủ tịch Hội CCB huyện Nam Đàn gần 9 năm.

“Số mình là trời cho sống, chứ liên tục bám mặt trận Trị Thiên đến 7 năm, biết bao đồng đội đã ngã xuống, nằm lại trên chiến trường mãi mãi không về”. Nhắc đến đồng đội, đôi mắt người lính nhìn mơ màng, ông vuốt lên ngực áo với đầy những Huân huy chương chiến công.

Những năm tháng chiến đấu trực tiếp trên chiến trường, ông đã được tặng thưởng 12 Huân chương cao quý các loại, gồm: Huân chương chiến công Hạng Nhất, Huân chương chiến công Hạng Hai, Huân chương chiến công Hạng Ba, Huân chương chiến công giải phóng Hạng Ba; Huân chương bảo vệ tổ quốc; Huân chương chiến sĩ Giải phóng; Huân chương kháng chiến; Huân chương chiến sĩ vẻ vang và 12 lần được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng.

Ông chính là nhân chứng bước ra trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, là người trực tiếp chiến đấu với quân thù không sợ hi sinh gian khó. Ông chính là một trong số hàng triệu người lính mà hôm nay ra trận nhưng ngày mai không biết mình có về. Nơi hậu phương, mẹ già, quê hương giềng xóm và người yêu ngóng chờ. Họ đằng đẵng, miệt mài phụng sự Tổ quốc, nhân dân.

Hôm nay trên diễn đàn gặp gỡ, họ cùng ôn lại biết bao kỉ niệm đời lính. Những người lính Trung đoàn 764 luôn sống cho nhau, cho dù ai đó đang ở miền quê nào, làm nghề gì trong lĩnh vực nào thì họ vẫn là những người gắn kết với nhau nhất./.

Quốc Khánh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Cội nguồn đoàn kết dân tộc

    Cội nguồn đoàn kết dân tộc

    Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 Âm lịch), người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị vua ...
    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Sáng 16/4, tại thành phố Vinh, 2 tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk (Liên bang Nga) phối hợp Thành ủy, UBND thành phố Vinh, trang trọng tổ chức Lễ tiếp nhận và khánh thành tượng V.I.Lê-nin, một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu ...
    TRAO SINH KẾ, GỬI NIỀM TIN

    TRAO SINH KẾ, GỬI NIỀM TIN

    Nặng tình với quê hương , cảm thông, chia sẻ cùng nạn nhân chất độc da cam, ông Cao Xuân Thắng, đang công tác tại Bảo hiểm xã hội, Bộ Quốc phòng , đã dành 49.500.000 đồng để mua 03 con bò, hỗ trợ cho 03 hộ nạn nhân chất độc da cam còn có điều kiện chăn nuôi bò tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An .