Báo cáo Quốc gia về khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam đã đề cập khá toàn diện về hậu quả của chiến tranh, những thiệt hại về con người, vật chất, môi trường sinh thái mà Việt Nam đã và đang phải hứng chịu, trong đó có vấn đề về hậu quả của chất độc hóa học mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là chất độc da cam/dioxin. Đây là vấn đề đặc thù của Việt Nam, bởi Việt Nam là nước duy nhất chịu ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin với qui mô lớn nhất và với thời gian dài nhất.
Chiến tranh đã đi qua gần 50 năm nhưng di chứng của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam còn rất nặng nề, môi trường sinh thái ở Việt Nam bị hủy diệt, nhiều trẻ em sinh ra không hề biết chiến tranh là gì nhưng đã phải chịu hậu quả với hình hài dị tật, tàn phế, không có sức lao động. Rất nhiều gia đình ở Việt Nam chịu di chứng chất độc da cam/dioxin kéo dài từ thế hệ này đến thế hệ khác; đến nay, đã được xác định chất độc da cam di chứng đến thế hệ thứ 4 (chắt), làm cho cuộc sống của gia đình họ vô cùng khó khăn và bất hạnh.
Bà Mai Khanh phát biểu tại buổi tọa đàm |
Báo cáo đã tập hợp 09 bài nghiên cứu của các tác giả. Đây là một công trình nghiên cứu có ý nghĩa lớn và vô cùng nhân văn; thể hiện rõ trong tình cảm và cảm xúc của các tác giả trong báo cáo và các bài nghiên cứu. Tuy vậy, vấn đề quan trọng là, cần hiện thực hóa các báo cáo đó thành các chính sách quốc gia ở mỗi nước, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là ngăn ngừa thảm họa của vũ khí giết người hàng loạt – vũ khí hóa học, thực hiện tốt công ước quốc tế về cấm sử dụng vũ khí hóa học, để tất cả người dân trên thế giới không phải chịu hậu quả chất độc hóa học như Việt Nam; đồng thời qua đó, lan tỏa sự cảm thông, đồng hành với nạn nhân chất độc da cam nói riêng và những người phải chịu hậu quả của các cuộc chiến tranh nói chung.
Để bổ sung vào các nghiên cứu có đầy đủ tính lý luận, khoa học và mang tính hiện thực, thực tế hơn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) sẵn sàng hợp tác với các nhà nghiên cứu, có thể thực hiện những chuyến đi thực tế đến các địa phương, nơi mà ở đó có thể thấy rõ hậu quả chiến tranh còn hiện hữu, qua đó sẽ nâng cao hơn chất lượng thực tế của Báo cáo. Ngoài ra, trong Báo cáo mới thể hiện quan điểm và chính sách của Việt Nam, cần đưa thêm những đánh giá của Mỹ, của các nước về vấn đề hậu quả chiến tranh ở Việt Nam và khuyến nghị các giải pháp khắc phục để Báo cáo có thể trở thành một công trình nghiên cứu toàn diện, chất lượng hơn, làm cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết sách hợp lý trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh.
Ông Hoàng Anh Tuấn phát biểu |
Bình luận