Ấy là cuộc chiến của những người lính đang mang trong mình chất độc da cam do Mỹ rải thảm trong 10 năm từ 1961 đến 1971 ở miền Nam nước ta. Trở về hậu phương, sức khỏe của họ bị tàn phá, mắc nhiều chứng bệnh, trong đó ung thư là căn bệnh thường thấy. Khi họ lấy vợ, những đứa con sinh ra, nặng thì quái thai, không đầu, không xương, không mắt; nhẹ có thành người thì cũng bị tàn tật, chân tay co quắp, bị mù, câm điếc, tâm thần hay toàn thân bị lở loét… Ở huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) hiện có gần 1.000 cháu sinh ra bị tàn tật bởi ảnh hưởng CĐDC.
Vũ Thư, một huyện gần như thuần nông của tỉnh Thái Bình, trong kháng chiến chống Mỹ đã có hàng vạn người ra trận, vượt qua bao bom đạn, chết chóc, đói rét, bệnh tật và khi đã hoàn thành sứ mệnh cao cả, đem lại hòa bình cho đất nước, họ trở về quê hương. Rất nhiều người trong số họ không thể biết rằng tuy chiến tranh đã kết thúc nhưng một “cuộc chiến” mang tên da cam còn khốc liệt, bi thương hơn vẫn theo suốt cuộc đời họ, con họ, cháu họ. Toàn huyện hiện có gần 2.000 nạn nhân đang được hưởng chế độ trợ cấp nhà nước, trong đó có tới 100 gia đình có trên 400 nạn nhân nặng, đặc biệt khó khăn; có nhiều gia đình đã bị di chứng lây truyền sang 3,4 thế hệ; đặc biệt có gia đình có từ 3 - 5 nạn nhân.
Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày 10/8 và dịp Tết cổ truyền, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Vũ Thư kết nối, kêu gọi các tổ chức, cộng đồng, các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC và triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm khơi dậy tình cảm của cộng đồng đối với nạn nhân. Cán bộ Hội trực tiếp cùng các đoàn đến thăm, trao quà cho các gia đình nạn nhân nặng đặc biệt khó khăn, như gia đình ông Bùi văn Nhượng (xã Vũ Vân), ông Phạm Văn Vĩnh (xã Vũ Đoài), bà Nguyễn Thị Mến (xã Việt Hùng), ông Lại Văn Biên (xã Tân Hoà), ông Trần Văn Huống (xã Trung An), ông Phạm Văn Phán (xã Song Lãng), ông Lê Văn Bính (xã Vũ Hội)… Hầu hết họ đều mắc chứng bệnh ung thư, tâm thần, bại liệt.
Cảm thông với nỗi đau mất mát quá lớn của những người lính trở về bị nhiễm CĐDC, Huyện hội Vũ Thư luôn khắc phục khó khăn, trực tiếp vận động nhiều tập thể, cá nhân có tấm lòng hảo tâm ủng hộ nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bằng nhiều hình thức như: xây tặng nhà tình nghĩa, trợ cấp khó khăn, cấp xe lăn, trao tặng hàng nghìn suất quà vào dịp ngày 10/8 và Tết nguyên đán cổ truyền hàng năm… 150 nạn nhân gián tiếp nặng được bảo trợ hàng quý, mùa đông được tặng thêm chăn màn, áo ấm, tiền chữa bệnh, chỉnh hình, mổ tim bẩm sinh. Nạn nhân trực tiếp được cấp thuốc miễn phí, được tẩy độc, đi điều dưỡng ở Viện 108, điều trị phục hồi chức năng, lắp chân tay giả tại bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình. Nạn nhân nặng đặc biệt khó khăn, nạn nhân ốm đau, hoạn nạn, hoặc khi qua đời được hỗ trợ đột xuất; nạn nhân thế hệ thứ 3 có hoàn cảnh đặc biệt được cấp học bổng… Món quà tuy ít ỏi, nhưng phần nào đã động viên tinh thần, giúp nạn nhân lạc quan, vượt lên nỗi đau da cam.
Hội thường xuyên tiếp đón nhiều đoàn đến thăm và tặng quà cho nạn nhân. Càng đi càng hiểu rõ từng hoàn cảnh gia đình nạn nhân Nhớ nhất dịp 10/8/2016, lãnh đạo Hội dẫn đoàn làm phim của Nhật Bản về thực hiện phóng sự tại một số gia đình nạn nhân trong huyện: Ông Nguyễn Công Sự sinh năm 1944, thôn Trực Nho, xã Minh Quang có 3 thế hệ bị phơi nhiễm CĐDC: Con trai là Nguyễn Văn Thoan, từ khi sinh ra (năm 1975) đã bị liệt toàn thân, nằm một chỗ; cháu nội Nguyễn Thị Sửu, sinh năm 1998 bị liệt 1 chân. Ông Lê Văn Bính, thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội có ba người con bị nhiễm CĐDC, trong đó một bị tàn tật, hai bị tâm thần, lang thang khắp nơi. Bản thân ông Bính ủ đầy bệnh trong người, vậy nhưng vợ chồng ông vẫn phải lăn lộn kiếm sống…
Trong gần 10 năm qua, Hội huyện Vũ Thư đã vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức, cơ quan đoàn thể trực tiếp giúp đỡ, chăm sóc và trao quà trị giá gần 7 tỷ đồng cho các gia đình nạn nhân và thường xuyên bảo trợ cho 150 cháu. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều cháu chưa nhận được trợ cấp của Nhà nước, như cháu Trần Thị Gương, con CCB Trần Thanh Bình (xóm 10, xã Trung An). Ông Bình có 10 năm đóng quân tại chiến trường Quảng Trị, năm 1981 ông trở về địa phương, CĐDC trong ông đã di truyền sang hai người con, khiến người con trai bị lở toàn thân, cô con gái sinh 1984 thì đến năm 2010 bị phát bệnh tâm thần, nhưng cháu Gương vẫn chưa được hưởng chế độ nạn nhân CĐDC (trong khi bố đã được xác nhận là nạn nhân CĐDC năm 2008). Năm 2017, Hội huyện Vũ Thư đón đoàn cán bộ Trung tâm nhân đạo Hoà Bình (thành phố Hà Nội) về thăm 6 gia đình nạn nhân nặng đặc biệt khó khăn trong huyện. Vào thăm cháu Đoàn Thị Gấm, thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai nhưng mọi người chỉ lặng lẽ nhìn cháu qua cửa sổ trong một căn buồng dành riêng cho cháu, bởi chỉ sợ cháu tỉnh dậy, vớ được cái gì là ném túi bụi vào khách như nhiều lần cháu từng làm).
Dịp gần Tết năm 2018, Hội tiếp tục đưa đoàn từ thiện thành phố Hà Nội đến nhà nạn nhân Phạm Văn Tác, sinh năm 1975, con của CCB Phạm Xuân Nịnh, thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá. Năm 1965 ông Nịnh vào bộ đội, là lính lái xe Trường Sơn. Những trận bom Mỹ dội xuống khiến bao nhiêu lần ông thoát chết trong gang tấc không làm ông buồn đau bằng cảnh hàng ngày phải chứng kiến đứa con tâm thần của mình bị xích chân, nếu không thì cháu lên cơn đập phá, đánh cả bố mẹ, xé nát quần áo. Chúng tôi cũng nhiều lần dẫn các đoàn đến thăm và tận mắt chứng kiến cảnh CCB Phạm Văn Vĩnh (sinh năm 1946, ở xóm 1, xã Vũ Đoài) bị nhiễm chất độc da cam, nay biến chứng sang ung thư phổi và dạ dày. Ông ngồi trên giường, thở dốc tiếp khách. Ông có hai con trai, một con bị ung thư xương, hai đứa cháu nội cũng bị di truyền bởi CĐDC…
Còn nhiều gia đình khác trên mảnh đất Vũ Thư có nhiều thế hệ, bố, con, cháu đều bị tàn phá bởi CĐDC. Và cũng giống như ông Vĩnh, họ vẫn là những người lính với khẩu súng “tinh thần” trong cuộc chiến với CĐDC, vẫn ngày ngày động viên vợ, con, cháu của mình để vượt lên nỗi đau da cam!
Trần Thanh Minh
Bình luận