• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Cựu chiến binh Vương Đình Cừ, một tấm gương luôn tỏa sáng giữa đời thường

Về xóm 3, xã Diễn Cát, Diễn Châu, (Nghệ An), hỏi thăm gia đình ông Vương Đình Cừ ai cũng biết, bởi ông Cừ năm nay đã 95 tuổi, có hơn 70 năm tuổi Đảng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông còn nhanh nhẹn, minh mẫn lắm. Ông là bác sĩ quân y nghỉ hưu và cũng là NNCĐDC. Ông không còn nhớ rõ những năm tháng xông pha nơi trận mạc để cứu chữa thương binh, ông đã bị nhiễm chất độc da cam lúc nào không hề hay biết!
CCB Vương Đình Cừ

Ông Cừ, sinh năm 1928, lên 18 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ chống thực dân Pháp xâm lược. Trải qua bao khói lửa, bom đạn chiến tranh từ chiến trường Bình Trị Thiên, Trung Lào, Hạ Lào, Khu 3 đã giúp ông trưởng thành, từ yêu cầu của mặt trận ông đã được cử đi học ngành y, rồi trở thành bác sĩ quân y, được rèn luyện trưởng thành trong chiến tranh kháng chiến chống Thực dân Pháp, rồi chống Đế quốc Mỹ. Ông cùng đồng đội hoạt động khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nam Bộ, Sài Gòn Gia Định, ngày đó 10 năm ở miền Nam được quy đổi bằng 30 năm vì chiến tranh quá khốc liệt. Ông được biên chế chính thức tại Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 Bình Trị Thiên; trải qua các chức vụ chủ nhiệm quân y trung đoàn, phó chủ nhiệm quân y quân khu; đã trực tiếp mổ cứu chữa cho hàng ngàn thương binh, bản thân ông cũng bị thương 6 lần, hiện nay vẫn còn một mảnh đạn trong đầu.

Ông Cừ kể: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp quân y là bộ đồ mổ mà Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 Bình Trị Thiên được tiếp nhận do điệp viên Lâm Bình lấy từ Huế (trong lòng địch) ra chiến khu Dương Hòa, mà tôi là người may mắn được sử dụng nhiều nhất. Từ thời kỳ chống Pháp phục vụ các chiến dịch Bình Trị Thiên, Thanh Hương, Thanh Lâm Bồ, các trận chống càn, Trung Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia; rồi trong chống Mỹ lại tiếp tục Trung Hạ Lào, Tây Nguyên, Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ, Sài Gòn – Gia Định. Hộp đồ mổ thời đó được coi là hiện đại nhất, rất đa năng từ tiểu phẫu, trung phẫu cho đến đại phẫu, cấp cứu nhiều ca ngoại khoa và thương binh nặng. Bộ đồ mổ ấy đã theo tôi phẫu thuật xử trí trên 2000 thương binh trong thời kỳ chống Mỹ. Đó cũng là cơ duyên sau này tôi làm nhân chứng phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho anh Lâm Bình.” Ông Cừ mắt nhìn xa xăm, nhớ lại.

Ông luôn có trách nhiệm tìm lại sự công bằng, ghi công xứng đáng cho đồng đội đã hy sinh

Khi nhà nước cho nghỉ hưu tưởng rồi ông an phận bên con cháu nhưng trong lòng ông Cừ cứ đau đáu với đồng đội cũ. Ngoài việc đem kiến thức y học ông đã khám, chữa bệnh cho hàng ngàn lượt bà con lối xóm, không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, trong xã, ngoài xã có ai bệnh tật gì khi gọi là ông có mặt khám, chữa bệnh miễn phí. Đặc biệt, ông đã đóng góp nhiều công sức đi làm hồ sơ Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Liệt sĩ Vương Văn Khảng và làm nhân chứng cho anh hùng Lâm Bình ở Huế, đó là trách nhiệm lớn lao và điều ông đau đáu nhất, nếu không làm lương tâm ông còn day dứt mãi.

Khi kể về những đồng đội cũ của mình, ông tự hào nhắc đến liệt sĩ Vương Văn Khảng. Tháng 4/1970, khi vừa tròn 18 tuổi, hưởng ứng lời kêu gọi, hiệu triệu của non sông, Vương Văn Khảng lên đường đi đánh Mỹ. Anh được biên chế về đại đội 3 đặc công, Tiểu đoàn 631 trực thuộc bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Trong trận đánh cư xá Mỹ ở thị xã Pleiku đêm 6/4/1972, Khảng chính là người dùng thân mình chèn cửa sổ không cho địch đẩy khối bộc phá đã điểm hỏa ra ngoài. Bộc phá nổ, anh dũng cảm hy sinh nhưng đã tiêu diệt được toàn bộ quân địch trong nhà. Sau chiến công vang dội đó, tên anh vang khắp chiến trường, mặt trận và trở thành tấm gương kích thích ý chí chiến đấu gan dạ, dũng cảm trong toàn quân. Báo, đài dồn dập đưa tin về anh và ví anh như một “Phan Đình Giót của Tây Nguyên”. Nhưng nhiều năm sau, tấm gương dần bị lãng quên, đến năm 1994, ông Cừ mới bắt đầu đi làm hồ sơ cho Vương Văn Khảng và sau một năm lặn lội khắp trong nam, ngoài bắc, ông mới có đầy đủ giấy tờ đề nghị xét truy tặng anh hùng cho liệt sĩ Vương Văn Khảng. Ông nói trong rơm rớm nước mắt: “Sau hơn một năm tôi liên tục di chuyển, nắm trong tay 16 văn bản có đầy đủ chữ ký và xác nhận của chính quyền cũng như đồng đội liệt sĩ Khảng năm xưa. Mọi tài liệu đã được chuyển lên Quân đoàn 3 (nơi liệt sĩ Khảng gắn bó trên chiến trường), tiếp tục thẩm tra và lập tờ trình gửi lên các cấp trên xem xét. Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 30/9/1995, liệt sĩ Vương Văn Khảng đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.

Hàng ngày ông vẫn vui thú điền viên và sáng tác thơ

Với 70 năm tuổi Đảng cũng là cả quá trình làm việc, cống hiến không mệt mỏi, ông có nhiều đóng góp cho việc của thôn, việc của chi bộ, ông luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, ông luôn răn dạy con cháu tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Ông Cừ kể: Tôi đã vinh dự một lần được nhìn và tham gia phục vụ sức khỏe cho Bác Hồ, nên cả cuộc đời tôi phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của Bác. Vợ chồng ông Cừ nay đã ngoài 95 tuổi, có 4 người con, 7 cháu và 1 chắt; các con, cháu ông Cừ đều học tập giỏi và thành đạt.

Ông Vương Đình Thanh, xóm Trưởng xóm 3, Diễn Cát cho biết: “Khắp vùng Diễn Cát (Diễn Châu, Nghệ An), không ai là không biết cựu chiến binh bác sĩ quân y Vương Đình Cừ. Ông ấy không chỉ là anh Bộ đội Cụ Hồ trên chiến trường với ý chí đanh thép, lòng quả cảm, mà khi về với địa phương, ông vẫn nêu cao tinh thần của người chiến sĩ cộng sản, rất hăng hái với nhiều hoạt động tình nghĩa và trở thành tấm gương hết lòng với đồng đội. Với xóm làng, ông sống gần gũi, chan hòa, máu thịt. Ông luôn đi đầu trong các hoạt động tại địa phương, đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới”.

Bà Nguyễn Thị Do, Bí thư Chi bộ Xóm 3 bày tỏ: Năm 2022, ông Vương Đình Cừ vinh dự được đón nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, đây là vinh dự của Chi bộ Xóm, niềm tự hào của Đảng ủy địa phương. Sau khi nhận huy hiệu Đảng và tiền, cụ đã trích một nửa đi nhà các hộ nghèo và neo đơn trong xóm, chia sẻ với họ niềm vui cũng như san sẻ tình yêu thương dành cho những mảnh đời yếu thế trong xóm, bà con ai cũng phấn khởi, cũng tin yêu, chỉ mong cho cụ sống lâu, sống thọ và sống khỏe mạnh để bà con được nhờ”.

Ông cũng là người có đóng góp nhiều thông tin giá trị cho cuốn sử địa phương

“Ông Vương Đình Cừ là một tấm gương học tập không ngừng nghỉ đối với thế hệ trẻ chúng tôi. Hiếm khi có một người đã trực tiếp đi làm hồ sơ anh hùng cho đồng chí, đồng đội của mình như cụ, dù tuổi cao, sức yếu, đã hai lần bị đột quỵ nhưng may qua khỏi, cụ còn là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, nhưng tinh thần, nghị lực và trí tuệ của cụ không phải ai cũng sánh kịp, cụ còn tham gia biên soạn sách lịch sử Đảng bộ địa phương, nhớ và ghi lại lịch sử xóm làng, quê hương, dòng họ, ít ai có trí tuệ minh mẫn và trái tim giàu tình thương yêu quê hương đến vậy, chúng tôi rất trân quý và tự hào”. Ông Tạ Danh Hùng – Bí thư Đảng ủy Diễn Cát cho biết thêm.

Chia tay ông Vương Đình Cừ khi nắng xuân đã xế chiều, nhìn những nụ hoa đào vẫn đang vươn mình khoe sắc, chúng tôi nhớ mãi câu chuyện ông kể đang viết cuốn sách “Lịch sử xóm 3 Hà Cát” quê ông chuẩn bị xuất bản, đây là pho tư liệu quý với con cháu sau này. Trong lòng chúng tôi chộn rộn niềm vui và hạnh phúc, cầu mong cho ông Vương Đình Cừ thật nhiều sức khỏe để tiếp tục đóng góp việc có ích cho cuộc đời, luôn là tấm gương sáng giữa đời thường.

Cát Tường

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Cội nguồn đoàn kết dân tộc

    Cội nguồn đoàn kết dân tộc

    Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 Âm lịch), người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị vua ...
    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Nghệ An: Thành phố Vinh khánh thành tượng V.I.Lênin

    Sáng 16/4, tại thành phố Vinh, 2 tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk (Liên bang Nga) phối hợp Thành ủy, UBND thành phố Vinh, trang trọng tổ chức Lễ tiếp nhận và khánh thành tượng V.I.Lê-nin, một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu ...