Tạo sinh kế bền vững.
Là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, năm 2023, ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Thạnh Hòa 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang được Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng để chăn nuôi bò. Tâm huyết với mô hình này, ông mạnh dạn vay vốn để mua thêm bò, mỗi ngày, ông vừa đi cắt cỏ cho bò ăn, vừa làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Trong 2 năm qua, tuy việc nuôi bò chưa mang lại lợi nhuận khá, nhưng giúp gia đình ông có thêm niềm tin, hy vọng để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ông Hùng tâm sự: “Nhớ lại hồi đó mà rớt nước mắt, nhà tôi nghèo, thiếu trước, hụt sau, nhờ được Hội quan tâm hỗ trợ bò rồi cho tiền cất nhà, giờ mới thấy đỡ; còn 2 con bò tôi ráng nuôi, có 1 con mới phối giống, mong là sắp tới nó sinh nở thuận lợi để gia đình có thêm thu nhập”.
Ông Nguyễn Văn Hùng tin tưởng vào việc nuôi bò sẽ mang lại lợi nhuận, giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định hơn
Nhận thấy tín hiệu khả quan từ việc triển khai mô hình sinh kế, các cấp Hội NNCĐDC/dioxin trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm, đẩy mạnh hoạt động theo mô hình này. Qua mỗi năm, lại có thêm những nguồn vốn được trao tay, giúp NNCĐDC và gia đình họ phát triển mô hình sinh kế phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực.
Năm 2024, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã hỗ trợ sinh kế cho 24 hộ gia đình NNCĐDC, với tổng số tiền 90 triệu đồng. Các mô hình đa dạng như: trồng trọt; chăn nuôi; buôn bán nhỏ; đầu tư đồ nghề,… đã thực sự là những “cần câu” giúp các hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập, vượt khó vươn lên, cải thiện cuộc sống.
Đầu tư cho những mô hình khả thi.
Đã 55 tuổi, nhưng bà Trần Kim Ngô, ở ấp 3, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, có hành động đóng khung của một đứa trẻ, có cha là liệt sĩ, bà không may là người con duy nhất trong gia đình bị nhiễm CĐDC/dioxin. Suốt 55 năm qua, mọi ăn uống, sinh hoạt của bà đều phụ thuộc vào người thân. Sau khi cha mẹ lần lượt qua đời, bà ở cùng gia đình với người em trai út và được họ cưu mang, chăm sóc. Gia đình em trai bà Ngô vốn làm ruộng, thời gian gần đây định chuyển đổi sang trồng mít, nhưng nguồn vốn là điều khiến họ trăn trở nhiều nhất. Bà Võ Thị Thúy Diễm, em dâu bà Ngô, chia sẻ: “Vợ chồng tôi được địa phương gợi ý trồng mít ruột đỏ, vừa rồi cũng đã đắp mô trên bờ ruộng sẵn rồi; nhưng giống tới cả trăm ngàn một cây nên còn ngán quá; may nhờ Hội hỗ trợ 5 triệu đồng, tôi nhận về là mua cây giống trồng liền”. Gia đình bà Trần Kim Ngô là 1 trong những gia đình NNCĐDC được hỗ trợ sinh kế năm nay, trung bình mỗi huyện, thị, thành phố có 2 trường hợp được hỗ trợ. Tùy vào nhu cầu của mô hình, mà mỗi hộ sẽ được trao 5 hoặc 10 triệu đồng. Đây là nguồn vốn để các gia đình NNCĐDC triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của gia đình mình.
Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh tiếp tục trao vốn sinh kế cho các gia đình NNCĐDC có mô hình khả thi
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các hội cấp huyện để rà soát, chọn lọc những trường hợp thật sự khó khăn và có nhu cầu phát triển sinh kế. Mô hình được hỗ trợ phải phù hợp với khả năng, điều kiện của từng gia đình và tình hình thực tế tại địa phương để đảm bảo bền vững và phát huy hiệu quả; qua đó giúp các gia đình NNCĐDC có cuộc sống ổn định”.
Đang Thư
Bình luận