Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh đã có bước chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc việc quán triệt, phổ biến Chỉ thị và cụ thể hóa thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Công tác tuyên truyền về thảm họa da cam ở Việt Nam được đẩy mạnh, từng bước đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) ở Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động tiếp tục phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Công tác quản lý nhà nước về thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động cách mạng và NNCĐDC được tăng cường. Nhiều tỉnh, thành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo xây dựng, củng cố Hội NNCĐDC/dioxin, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Hội trong tình hình mới[1]. Qua 15 năm xây dựng, phát triển, hiện nay tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố; 615 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 6.539 xã, phường, thị trấn. Các cấp hội đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực; qua đó, từng bước khẳng định vị thế, vai trò của Hội, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích của NNCĐDC. Trong 5 năm 2013 – 2018, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã vận động ủng hộ quỹ NNCĐDC được trên 1.140 tỷ đồng; trong đó, đã hỗ trợ xây 1.972 nhà tình nghĩa, trợ cấp 3.958 suất học bổng, hỗ trợ vốn sinh kế, tìm việc làm, khám chữa bệnh, thăm, tặng quà vào các dịp lễ, tết, v.v..
Đồng chí Trương Thị Mai làm việc với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (Ảnh: Đình Trọng)
Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức còn chưa nhận thức đầy đủ, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu giải pháp để cụ thể hóa cũng như chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị của Đảng. Công tác giải quyết chế độ, chính sách còn nhiều bất cập; tỷ lệ người được hưởng chế độ so với số nạn nhân còn thấp; vẫn chưa có chính sách đối với nạn nhân là thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Công tác thẩm định, giám định thực hiện chế độ, chính sách ở một số địa phương chưa chặt chẽ, vẫn để lọt đối tượng không đúng quy định được hưởng chế độ. Sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể có nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Thực tế cho thấy, mức hỗ trợ đối với NNCĐDC còn thấp, chưa có sự nghiên cứu điều chỉnh phù hợp; điều kiện làm việc của Hội NNCĐDC/dioxin cấp cơ sở còn khó khăn; chế độ thù lao đối với cán bộ làm công tác hội ở cấp huyện, xã còn bất cập, nhiều nơi cán bộ Hội không có phụ cấp, v.v. Bên cạnh đó, việc sắp xếp tổ chức Hội theo Nghị quyết 18-NQ/TW (2017) ở một số địa phương chưa thật phù hợp, ảnh hướng đến hiệu quả hoạt động của Hội.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tạo chuyển biến vững chắc, toàn diện trong giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Hội NNCĐDC/dioxin các cấp cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Chỉ thị số 43-CT/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và toàn dân để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Vì vậy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục quán triệt, nắm chắc quan điểm, chủ trương, mục đích, yêu cầu, nội dung của Chỉ thị. Về quan điểm, cần nhận thức rõ: chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói chung và đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nói riêng là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tri ân những người đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Do đó, cấp uỷ các cấp phải tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 43-CT/TW, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện; tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC và công tác củng cố, xây dựng Hội NNCĐDC/dioxin vững mạnh.
2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh.
Những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học, trong đó hết sức coi trọng giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng nói chung và người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nói riêng[2]. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn vướng mắc, bất cập. Bên cạnh đó, hồ sơ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học còn tồn đọng nhiều, chưa được xem xét để được hưởng chế độ. Qua thanh tra vẫn phát hiện có trường hợp hưởng sai chính sách phải đình chỉ chế độ; kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học phải điều chỉnh mức trợ cấp v.v. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định chế độ, chính sách đối với NNCĐDC; sớm nghiên cứu, ban hành chế độ, chính sách với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Chỉ thị 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) theo chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho NNCĐDC và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tiêu cực, làm ảnh hưởng đến tư tưởng, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho Hội NNCĐDC/dioxin phát huy chức năng, vai trò, vị trí, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động.
3. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với nhiệm vụ giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh và chất lượng hoạt động Hội NNCĐDC/dioxin. Hội các cấp cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về xây dựng tổ chức Hội; đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ; qua đó, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Hội trong việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NNCĐDC.
4. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về thảm họa chất độc hóa học do Mỹ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền đã đạt kết quả tích cực, tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong tình hình mới, đòi hỏi công tác tuyên truyền phải đổi mới cả về nội dung và hình thức, coi trọng tuyên truyền cả ở trong nước và nước ngoài. Tiếp tục thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến thảm họa chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam, làm cơ sở để tuyên truyền và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC. Hoạt động tuyên truyền cần tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú; cùng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thông qua hoạt động ngoại giao Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân, các diễn đàn, hội nghị quốc tế, v.v.. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hành động vì NNCĐDC ở Việt Nam”, kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, đồng bào và chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam bằng những hành động và việc làm cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện để họ nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần, không để ai bị bỏ lại phía sau. Quá trình tổ chức cần chú trọng biểu dương và khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhâncó thành tích tốt.
5. Tiếp tục vận động, đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam.
Trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có bước phát triển mới nên phương hướng, hình thức, phương pháp đấu tranh cũng cần có sự đổi mới, phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong đấu tranh đòi Chính phủ, Quốc hội và chính giới Mỹ phải có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Cùng với đó, cần tích cực ủng hộ các vụ kiện của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đòi các công ty hoá chất của Mỹ đã sản xuất, cung ứng chất độc hoá học cho Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam bồi thường cho NNCĐDC Việt Nam.
Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đó là đạo lý, lương tâm, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội đối với NNCĐDC. Vì vậy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 43-CT/TW, góp phần nâng cao hiệu quả khắc phục hậu quả chất độc hóa họcdo Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam./.
Trương Thị Mai
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng ban Dân vận Trung ương
[1] - Nhiều tỉnh thực hiện tốt như: Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cần Thơ, v.v..
[2] - Có 17 văn bản liên quan, gồm: các chỉ thị của Đảng; pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị định của Chính phủ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông tư và quyết định của các bộ, ngành.
Bình luận