• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Đến Hà Tĩnh gặp người Phụ nữ hết lòng với nạn nhân chất độc da cam

Bà Hồ Thị Xuân Hồng, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là một người phụ nữ năng động, hoạt bát, khó đoán tuổi, không ai nghĩ bà đã xấp xỉ tuổi thất thập. Hằng ngày bà vẫn tự lái xe đến tận “thôn cùng, ngõ hẹp” thăm hỏi, động viên, hoặc tặng quà cho các NNCĐDC.
\
Mỗi khi biết tin có nạn nhân ốm đau, bệnh tật không kể mưa, nắng, ngày hay đêm bà đều có mặt để động viên, an ủi họ

Bà Hồng luôn suy nghĩ, kết quả công việc chính là niềm vui và là động lực để bản thân mình tiếp tục góp phần nhỏ bé xoa dịu nỗi đau da cam/dioxin cho các nạn nhân trong huyện.

Bén duyên với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) ngay từ khi thành lập Hội đến nay đã 15 năm. Bà kể: Từ những ngày đầu khởi động thành lập Hội, không đếm xuể những gian nan vất. Có điều thuận lợi, lúc đó bà là Uỷ viên Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng ban Dân vận nên được phân công kiêm nhiệm công tác vận động thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin của huyện.

Thời điểm đó, tận dụng ngày nghỉ, giờ nghỉ, thậm chí có đêm về tận từng địa phương vận động hội viên thành lập ban vận động lâm thời ở các xã, rồi đại hội huyện; cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, kinh phí eo hẹp, chủ yếu đi làm không công. Có được như ngày hôm nay bà cảm thấy là đã rất may mắn.

Với chất giọng ấm áp, dễ nghe của người được đào tạo bài bản từ ngành sư phạm và với kinh nghiệm 10 năm làm quản lý trong ngành giáo dục, nhiều năm làm Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, những kinh nghiệm đó đã giúp bà gây dựng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của huyện như ngày nay. Bà Hồng cho biết: Đến với các nạn nhân, tôi luôn dành cho họ là tình thương yêu chân thành và cả sự biết ơn, vì họ là những người có công với đất nước, với dân tộc, đã chiến đấu, hi sinh và dành cả tuổi thanh xuân để đổi lấy hòa bình, độc lập ấm no cho dân tộc, nhưng khi về với đời thường thì điều còn lại là nỗi đau, đau về thể xác, đau cả tâm hồn khi những đứa con, đứa cháu lần lượt ra đời bị dị tật bẩm sinh, đau đớn lắm. Tôi trực tiếp chứng kiến và chia sẻ nỗi đau với hàng nghìn nạn nhân mới thấy hết sự khốc liệt của chiến tranh, sự huỷ hoại chết người, nỗi đau tột cùng về thể xác do hậu quả của chất độc da cam/dioxin.

\
Tôi làm việc và cống hiến phần sức lực nhỏ bé của mình, chỉ để góp phần xoa dịu nỗi đau, vơi đi nỗi buồn cho các nạn nhân và làm được gì cho họ bản thân tôi cũng cảm thấy được an ủi

Được biết: bà Hồ Thị Ngân Hồng là con liệt sĩ, bà mồ côi cha từ khi mới 4 tuổi, bà thấu hiểu được nỗi đau và sự mất mát khi mất đi người thân yêu và là trụ cột chính trong gia đình. Nhưng, liệt sĩ còn được vinh danh vào sử sách, viết tên lên bia đá, còn những nạn nhân chất độc da cam đôi khi còn bị coi là gánh nặng của xã hội, họ mới đáng thương làm sao, đáng thương nhất trong những người đáng thương, nên quà, tiền dù có nhiều đến mấy đi chăng nữa, cũng chỉ là mang ý nghĩa giúp và động viên họ mà thôi, chứ tiền thuốc men, công chăm sóc và kiểu sống không bằng chết thì tiền đối với họ đôi khi cũng như muối bỏ biển. Tôi chỉ có một mong muốn, đó là những người chăm sóc nạn nhân chất độc da cam nặng cũng phải có chế độ như chăm sóc thương binh nặng, đồng thời Đảng và Nhà nước cần quan tâm thiết thực đến nạn nhân gián tiếp thế hệ thứ ba, thậm chí thứ tư. Vì nỗi đau này chưa có dấu hiệu kết thúc hay dừng lại.

Anh Trần Văn Sơn, sinh năm 1989, thân hình èo uột, ngồi xe lăn hơn 30 năm nay, là nạn nhân gián tiếp thế hệ thứ 2, ở xã Xuân Liên, Nghi Xuân cho biết: “Dì Hồng rất quan tâm đến các nạn nhân, nhất là các nạn nhân gián tiếp như chúng tôi, gia đình tôi có ba thế hệ đều là nạn nhân da cam, Dì luôn động viên thăm hỏi, đặc biệt, nhờ có Hội mà bây giờ chúng tôi có ngôi nhà tình nghĩa để ở và sinh sống, chúng tôi rất biết ơn dì và các mạnh thường quân”. Bố của Nguyễn Minh Gắng, nạn nhân chất độc da cam nằm 1 chỗ hơn 40 năm nay, ở thôn An Toàn xã Xuân Hội, bày tỏ: “15 năm qua mỗi khi trái gió, trở trời người đau ê ẩm, các ngày lễ, tết, bà Hồng luôn có mặt an ủi, động viên cháu và gia đình, những việc làm đó đã tiếp thêm tinh thần, nghị lực để cháu tiếp tục sống, vượt qua nỗi đau bệnh tật. Nhiều lúc cháu không nhận ra ai, nhưng khi bà Hồng xuất hiện cháu đều mỉm cười, nhận biết được và ánh lên niềm vui”.

\
Bà Hồng đã kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức chính trị, xã hội trong và ngoài huyện ủng hộ hàng trăm triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà cho NNCĐDC những ngày lễ, tết

Ông Nguyễn Minh Nguyên – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Bà Hồ Thị Xuân Hồng là một trong những Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện năng động và biết cách vận động nguồn xã hội hoá của xã hội dành cho NNCĐDC, dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Nghi Xuân chưa tìm được người kế cận thay thế và Tỉnh hội cũng đang động viên bà hoạt động đến mức có thể. Huyện hội Nghi Xuân là một huyện có 1.390 nạn nhân, trong đó nạn nhân gián tiếp thế hệ thứ ba có đến hàng chục cháu. Huyện hội hoạt động rất tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng khen ngợi, nhiều năm liền được Trung ương Hội, Tỉnh hội và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen”.

15 năm qua bà Hồ Thị Xuân Hồng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngoài việc thăm hỏi, động viên các NNCĐDC, bà đã kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức chính trị, xã hội trong và ngoài huyện ủng hộ hàng trăm triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các NNCĐDC những ngày lễ, tết; tại các cuộc họp lớn, nhỏ bà luôn có tiếng nói đề xuất chính sách hỗ trợ, tránh thiệt thòi cho các nạn nhân. Với những kết quả trong công tác hội bà Hồng được các cấp tặng bằng khen, giấy khen. Nhưng phần thưởng lớn nhất, cao quý và ý nghĩa nhất đối với bà là vinh dự được tặng Huân chương lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Danh hiệu phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

\
Đến tận “thôn cùng, ngõ hẹp” thăm hỏi, động viên, hoặc tặng quà cho các NNCĐDC

Chia tay người phụ nữ dành nhiều tâm huyết cho công tác Hội NNCĐDC/dioxin huyện Nghi Xuân, chúng tôi thầm chúc cho bà luôn mạnh khoẻ và tiếp tục cống hiến cho quê hương, vì NNCĐDC mà phát huy tất cả nhiệt tình và trí tuệ của mình.

Cát Tường

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...