• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Địa chỉ nhân ái, ấm tình người, dành cho NNCĐDC ở tỉnh Thanh Hóa

Trên cả nước, hiếm có một địa chỉ dành riêng chăm sóc NNCĐDC/dioxin như ở tỉnh Thanh Hóa. Tỉnh đã xây dựng Trung tâm bề thế, trị giá hàng chục tỷ đồng để chăm sóc những người có công là thương binh nặng, mất sức 81% và thương binh nặng bị bệnh tâm thần kinh; đặc biệt nơi đây có khoa dành riêng chăm sóc các nạn nhân thế hệ thứ hai nhiễm chất độc hóa học.
Khuôn viên của Trung tâm xanh, sạch, đẹp, ngăn nắp như một khu nghỉ dưỡng

Chị Nguyễn Thị Phương, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, là nạn nhân gián tiếp chất độc da cam/dioxin, chỉ nằm một chỗ, vì bại liệt toàn thân, thế nhưng trong một đêm thanh vắng, mơ màng, có gã đi đánh lưới về ghé qua nhà, trong cơn bản năng trỗi dậy, gã đã làm cho Phương mang thai. Người nhà chị Phương lúc ấy lo chị khó qua khỏi cả mẹ lẫn con vì chị không thể tự chủ vận động. Thế nhưng phúc nhà, chị đã sinh hạ “Mẹ tròn con vuông”. Đứa bé lớn lên trong tình thân ái của láng giềng và Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa.

Ông Dương Đình Khải, Chủ tịch và ông Phạm Quang Thư, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa cho rằng, bản năng sinh tồn đã giúp chị Phương vượt qua những trở ngại. Để đỡ đần cho một phận người, Hội Thanh Hóa đã đón chị về chăm sóc tại Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người có công của tỉnh. Từ đó đứa bé lớn lên trong vòng tay và tình yêu thương đùm bọc của những cán bộ, nhân viên tại đây.

Đó là câu chuyện 16 năm của chị Nguyễn Thị Phương. Cám cảnh với cuộc sống và hoàn cảnh chị Phương, một tòa soạn báo đã mời con trai chị Phương ra Hà Nội tìm giúp công ăn việc làm cho cháu.

Nguyễn Thị Phương vẫn chỉ nằm liệt một chỗ nhờ người khác giúp mọi sinh hoạt

Chị Trịnh Thị Yến, Phó trưởng Khoa Quản lí bệnh nhân da cam cho biết, những bệnh nhân vào đây mỗi người một hoàn cảnh rất đáng thương, bố mẹ của họ thì già cả, lại là những lao động chính. Còn các NNCĐDC hầu như đều thiểu năng trí tuệ, chân tay dị tật, nói năng khó khăn và không tự chủ được mọi sinh hoạt cá nhân. Tất cả đều nhờ vào tình thương yêu của cán bộ, nhân viên ở đây. Có gia đình vào đây cả hai chị em, hai anh em.

Tận mắt chứng kiến những việc làm của cán bộ, nhân viên ở đây và ấn tượng mà tôi nhận thấy là khung cảnh khuôn viên của Trung tâm xanh, sạch, đẹp, ngăn nắp như một khu nghỉ dưỡng, có hồ nước rộng, nhà xây khang trang; vào bên trong, nơi các bệnh nhân nằm, nền nhà sạch bong không chút bụi bẩn. Những bệnh nhân nằm co quắp trên giường, thỉnh thoảng lại có nhân viên Trung tâm vào cho uống sữa.

Chị Trịnh Thị Yến, cho biết, tất cả mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều do chị em nhân viện ở đây làm hết. Hàng ngày, từ sáng sớm, nhân viên Trung tâm đến từng phòng lau chùi, quét dọn, giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân, rồi bón cho những bệnh nhân không tự vận động được hoặc nằm liệt giường ăn uống. Theo đó thăm khám, phát thuốc cho tất cả các bệnh nhân.

Chị Trịnh Thị Yến trò chuyện với các nạn nhân chất độc da cam đang điều trị tại Trung tâm

Ông Trịnh Văn Cường, Trưởng phòng hành chính Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện Trung tâm đang chăm sóc 102 người là nạn nhân chất độc da cam, chủ yếu là nạn nhân thế hệ thứ 2, chỉ có một bác là nạn nhân trực tiếp. Các đối tượng này mang trong mình rất nhiều bệnh tật, bệnh lí khác nhau; có đến 80% người phải nhờ nhân viên giúp ăn uống, thay quần áo, tắm giặt, quét dọn lau chùi; trường hợp nằm liệt tại chỗ như chị Phương phải bón ăn, tắm rửa giúp hàng ngày.... . Riêng Khoa Da cam được phân làm 2 khu, nam riêng, nữ riêng, có 21 nhân viên phục vụ gồm bác sĩ, Y sĩ, điều dưỡng, hộ lí.

Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó giám đốc phụ trách Y tế, thỉnh thoảng lại đi một vòng kiểm tra hoạt động của khoa và hội ý với nhân viên phục vụ. Ông Thanh cho biết, bên cạnh những nạn nhân da cam, thì Trung tâm còn phục vụ 45 bác thương binh nặng có tỉ lệ thương tật 81% trở lên và 70 bác thương binh tâm thần kinh. Riêng Khoa da cam, chúng tôi phân công công việc hàng ngày rõ ràng, sáng thăm khám kê đơn, vệ sinh, bón ăn, giặt giũ cho bệnh nhân, mặc dù rất vất vả nhưng mọi người đã quen vì đó là bổn phận, trách nhiệm và là công việc hàng ngày. Bên cạnh đó, cán bộ nhân viên cũng rất tuân thủ kỉ cương, kỉ luật. Mọi hoạt động rất nghiêm túc, làm việc đúng chức năng, nên nội vụ cơ quan khang trang sạch sẽ ngăn nắp, gọn gàng, quy củ, bài bản.

Ông Nguyễn Viết Thanh (Áo sọc, giữa) trao đổi nghiệp vụ với cán bộ nhân viên Trung tâm

“Về chế độ ăn, nhà nước chi cho một đối tượng 974.000/tháng, cơ quan phục vụ 30 hoặc 31 ngày chia 3 bữa ăn thì mỗi bệnh nhân hưởng chỉ từ 10 đến 17.000 đồng cho một bữa ăn, nên rất eo hẹp. Sau này đơn vị đề nghị Sở và được tỉnh đồng ý nâng chế độ cho bệnh nhân da cam lên 1.400.000 đồng, nên bữa ăn cho bệnh nhân đã tốt hơn. Còn các bác thương binh thì có lương tháng theo chế độ, ngoài chi cho khẩu phần ăn, phần tiền thừa các bác được rút về chi tiêu trang trải cho cá nhân vì phần thuốc chữa bệnh, các bác thương binh được cấp từ trung ương về...” Ông Nguyễn Viết Thanh cho hay.

Về chế độ điều trị, ông Nguyễn Viết Thanh cho biết, đối với bệnh nhân là NNCĐDC được tỉnh chu cấp hàng tháng nên có phần đỡ hơn. Tại đây đơn vị điều trị những bệnh thông thường, vì các đối tượng da cam chủ yếu phục vụ tại chỗ nên rất khó di chuyển đi tuyến điều trị khác, vì vậy đơn vị cố gắng điều trị tại chỗ cho họ. Còn các bác thương binh thì họ có nguyện vọng chuyển tuyến trên.

Trung tâm hiện có 3 bác sĩ, mỗi khoa có một bác sĩ phụ trách, riêng Phó giám đốc Nguyễn Viết Thanh phụ trách khoa da cam. Còn hai khoa gồm Khoa Thương binh tổng hợp và khoa thương binh tâm thần kinh, cũng đều được cán bộ Trung tâm lo hết từ ăn uống, vận động, tắm giặt, chăm sóc cá nhân, đi ngủ. Trung tâm còn thường xuyên hướng dẫn các bệnh nhân tự vận động , kết hợp vận động lí liệu pháp hoặc tham gia quét dọn, trồng rau để cải thiện sức khỏe tốt hơn.

Chị Trịnh Thị Yến làm việc tại đây gần 20 năm, tốt nghiệp dược sĩ, chị theo nghiệp bố khi ông nghỉ hưu: “Lúc đầu em cũng thấy nản nhưng càng làm việc lâu em càng yêu công việc mình hơn. Ngoài trình độ chuyên môn thì những người phục vụ ở đây phải có tâm, đức, đó là điều quan trọng nhất. Điều em vinh dự là chúng em thay mặt Đảng, Nhà nước chăm sóc những người có công với nước và phải yêu nghề mới làm được những việc như này”. Nghe chị Trịnh Thị Yến nói, làm tôi nhớ lại trong một lần phỏng vấn ông Dương Đình Khải, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa, ông cho rằng nuôi dưỡng NNCĐDC là “Đền ơn đáp nghĩa” đối với cha ông họ (tức trả công); là trả công cho người có công với cách mạng chứ không phải là ban ơn, là trợ cấp xã hội.

Nạn nhân trực tiếp già yếu sẽ không thể chăm sóc những con người này

Chị Trịnh Thị Yến cũng bày tỏ: “Bên cạnh chăm sóc bệnh nhân, cán bộ nhân viên còn trồng cây tạo cảnh quan, trồng rau, nuôi lợn, gà để cải thiện cho đối tượng. May mắn là ban lãnh đạo luôn quan tâm tạo nhiều điều kiện cho anh em, kể cả việc cho đi tham quan. Chúng em xác định thế hệ kế tiếp của người nhiễm chất độc da cam sẽ ngày càng nhiều hơn vì các bác là nạn nhân trực tiếp đã già yếu không còn khả năng chăm sóc những người con, cháu của họ, chỉ có thể vào đây thì những nạn nhân gián tiếp mới được chăm sóc đầy đủ, kể cả việc tổ chức tang lễ cho nạn nhân tại cơ quan đây.” Chị Trịnh Thị Yến nói.

Ông Phạm Quang Thư, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh một lần nữa địa chỉ nhân ái, ấm áp cho những NNCĐDC tỉnh Thanh Hóa là Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người có công, địa chỉ tại xã Quảng Thọ, trên đường đi Sầm Sơn mà ai cũng biết.

Quốc Khánh, Uyên Nhi

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...