• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Điều tra theo thư bạn đọc: Hồ sơ của ông Lê Huynh đủ chứng cứ chứng minh thời gian và địa bàn hoạt động tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học.

Điều tra theo thư bạn đọc: Hồ sơ của ông Lê Huynh đủ chứng cứ chứng minh thời gian và địa bàn hoạt động tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học.

Gần đây, Tạp chí Da cam Việt Nam nhận được “Thư Kêu cứu” của ông Lê Huynh, sinh năm 1950, tại xóm 3, Đông Thành, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Để có cái nhìn khách quan, toàn diện sự việc, Tạp chí đã cử phóng viên làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương.

Theo như nội dung bày, ông Lê Huynh có người con trai là Lê Danh, sinh1982, bị dị tật, dị dạng bẩm sinh, từ ngày 01/01/2000 được hưởng chế độ trợ cấp đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH). Đến tháng 10/2019 (sau 19 năm), gia đình ông nhận được Quyết định số: 06/QĐ-SLĐTBXH, ngày 25/10/2019, của Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa do Phó Giám đốc Dương Văn Huệ ký, V/v tạm đình chỉ chế độ trợ cấp đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Theo đó, ông Lê Danh bị tạm đình chỉ chế độ trợ cấp kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.

Lý do: “Ông Lê Huynh chưa cung cấp được chứng cứ thể hiện thời gian tham gia công tác ở chiến trường miền Nam tại các vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học trước 30/4/1975”.

Qua điều tra của phóng viên, ông Lê Huynh đã đưa ra những loại giấy tờ ghi nhận thời gian ông chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam trước ngày 30/4/1975 bao gồm: Quyết định xuất ngũ; Giấy chứng nhận X-Y-Z; Giấy điều trị; Bản sao Lý lịch quân nhân, Lý lịch đảng viên, Huân chương Chiến sỹ giải phóng…và Bằng Vinh danh do “Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử Vinh danh - Tặng Kỷ niệm chương chiến sỹ Quảng Trị”.

Về quá trình tại ngũ của mình, ông Lê Huynh cho biết: tháng 2/1968, ông Lê Huynh đang học cấp 3 thì được tuyển vào Quân dự bị động viên, do Huyện đội Triệu Sơn quản lý. Tháng 6/1968, ông được điều động sang Sư đoàn 338, đơn vị huấn luyện quân đi B. Tháng 9/1968, ông Lê Huynh vào chiến trường Tây Thừa Thiên và được biên chế vào c2, d2 - BT 42 - BTL 559. Liên tục từ năm 1968 đền 12/1974, ông Lê Huynh đã tham gia nhiều trận đánh, bảo vệ giao thông vận tải trên địa bàn Tây Thừa Thiên, như A Sầu, A Lưới, bản Đông, Lao Bảo, Đường 9, Khe Sanh, Đường 14, Quảng Trị, Tà Khẹt, Sa Va Na Khét (Lào)… đúng 16 giờ, ngày 3/2/1972, sau trận đánh ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị, ông Lê Huynh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Hơn 6 năm ở chiến trường, ông Lê Huynh đã 3 lần bị thương. Được điều trị tại Quân y viện 68 Thừa Thiên; Quân y viện 14 – BT 12 – BTL 559; Quân y viện 31 – BT 31 – BTL 559, thương tật 18%, mất sức lao động 51%. Trong 3 lần bị thương, có hai lần bị nhiễm chất độc hóa học Mỹ (có Giấy chứng nhận của Quân y viện). Trong những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, do có nhiều thành tích trong chiến đấu, ông Lê Huynh được Mặt trân dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tặng thưởng 3 Huân chương Chiến sỹ giải phóng (hai Huân chương hạng Ba, 01 Huân chương hạng Nhì), Dũng sỹ cấp ưu tú, Dũng sỹ cấp 1. Binh trạm 42, 31, 28, 12 - Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tặng thưởng Bằng khen “Chiến sỹ dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu”…

Tháng 11/1975 ông Lê Huynh phục viên, về quê xã Hợp Lý, Triệu Sơn, Thanh Hóa. Tháng 3/1979, ông Lê Huynh tái ngũ và được biên chế vào đơn vị C9, d3, E 48, Sư đoàn 390 – Quân đoàn I. Sau hơn 3 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2/1982 ông Lê Huynh xuất ngũ (Quyết định xuất ngũ số: 76/B, ngày 05/02/1982).

Như vậy, theo Hồ sơ của ông Lê Huynh thì ông có đủ cơ sở chứng minh thời gian và địa bàn hoạt động tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐHH trước ngày 30/4/1975. Con trai ông là Lê Danh, đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp đối với con đẻ người HĐKC bị nhiễm CĐHH.

Vợ chồng ông Lê Huynh bên người con trai Lê Danh bị dị tật

Làm việc với Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, (sau khi kiểm tra một số giấy tờ, trong đó có Lý lịch quân nhân của ông Lê Huynh cung cấp cho Tạp chí Da cam Việt Nam), ông Hoàng Đình Thanh, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH cho biết: khi đoàn thanh tra của Sở làm việc, ông Lê Huynh không cung cấp Lý lịch quân nhân cho đoàn thanh tra. Vì vậy hồ sơ của ông Lê Huynh chưa đủ chứng cứ để chứng minh ông Lê Huynh đã tham gia kháng chiến ở vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH. Sở LĐTBXH ra quyết định tạm dừng trợ cấp chế độ NNCĐDC đối với anh Lê Danh, con trai ông Lê Huynh là đúng quy định. Ông Thanh cho rằng, với các giấy tờ, trong đó có bản Lý lịch quân nhân mà ông Lê Huynh đã cung cấp cho Tạp chí Da cam Việt Nam thì hồ sơ của ông Lê Huynh đủ căn cứ chứng minh ông đã tham gia HĐKC tại vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH và con trai ông là anh Lê Danh đủ điều kiện hưởng trợ cấp con đẻ người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Ông Lê Huynh cần cung cấp bản gốc Lý lịch quân nhân, Lý lịch đảng viên cùng một số giấy tờ khác theo quy định để phòng LĐTBXH huyện Triệu Sơn lập hồ sơ trình UBND huyện Triệu Sơn làm văn bản gửi Sở LĐTBXH xem xét phục hồi chế độ trợ cấp cho anh Lê Danh.

Làm việc với Phòng LĐTBXH huyện Triệu Sơn, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng cho biết: khi đoàn thanh tra làm việc, ông Lê Huynh đồng ý giao bản gốc các giấy tờ, trong đó có bản gốc Lý lịch quân nhân cho đoàn thanh tra theo quy định để Đoàn đối chiếu, xem xét. Bà Trịnh Thị Hằng, chuyên viên phụ trách Người có công, phòng LĐTBXH cho biết: một số giấy tờ trong hồ sơ của ông Lê Huynh có “nghi vấn”. Như: tại Quyết định xuất ngũ số: 76/B, ngày 05/02/1982 của Thủ trưởng Trung đoàn 48 – QĐ I, cấp cho ông Lê Huynh ghi: Việt Nam dân chủ cộng hòa… là không đúng. Mà phải là: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới đúng. Theo Trưởng phòng Nguyễn Văn Hùng, thì ông Lê Huynh cần làm đơn, cung cấp hồ sơ đề nghị Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh, xác định thời gian chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH, làm căn cứ để xác lập hồ sơ người HĐKC bị nhiễm CĐHH.

Trao đổi về trường hợp cháu Lê Danh, con ông Lê Huynh bị tạm dừng trợ cấp, anh Nguyễn Nguyên Nghiêm, công chức Chính sách - Xã hội xã Hợp Lý cho biết: khi đoàn thanh tra Sở LĐTBXH về làm việc, anh Nghiêm đã cung cấp đầy đủ giấy tờ theo đúng hướng dẫn của Thông tư 05/2013 của Bộ LĐTBXH. Các giấy tờ đã được đối chứng với bản gốc và công chứng đúng quy định, thực tế anh Lê Danh, con trai ông Lê Huynh bị dị tật bẩm sinh, mất khả năng lao động là đúng. Ông Lê Huynh tham gia quân đội, đã có thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Nam là đúng. Minh chứng là những tấm Huân, Huy chương chiến sĩ giải phóng, giấy XYZ. Và quan trọng nhất là Lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân của ông Lê Huynh cũng đủ căn cứ thể hiện ông Lê Huynh đã tham gia kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH.

Như vậy, theo ý kiến của ông Hoàng Đình Thanh, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, thì hồ sơ của ông Lê Huynh là đủ, đúng quy định, đảm bảo tính pháp lý, không cần thiết phải giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị trong chiến tranh như phòng LĐTBXH huyện Triệu Sơn yêu cầu. Quan điểm của ông Hoàng Đình Thanh, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH là thấu tình đạt lý. Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Đề nghị Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Triệu Sơn hướng dẫn ông Lê Huynh hoàn thiện hồ sơ để anh Lê Danh sớm được hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam.

Những tấm huân, huy chương đeo trên ngực (Có đủ giấy chứng nhận) minh chứng là người đã từng tham gia kháng chiến, là người có công với Tổ quốc

Căn cứ vào Khoản 2, Điều 27, Thông tư số: 05/2013/TT- BLĐTBXH, ngày 15/5/2013 của Bộ LĐTBXH, Hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân thì trường hợp của anh Lê Danh đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ. Để giảm bớt khó khăn và có điều kiện sinh hoạt như trước, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền huyện Triệu Sơn và Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa hoàn chỉnh hồ sơ để anh Lê Danh sớm được phục hồi chế độ trợ cấp đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Tạp chí Da cam Việt Nam trân trọng cảm ơn các cơ quan chức năng của xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn và Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa đã hợp tác, phối hợp cung cấp thông tin để có cơ sở xem xét giải quyết trường hợp của anh Lê Danh - con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học./.

Nguyễn Hồng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...