Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, số người đi Lễ chùa vào dịp đầu năm tăng đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều người đi Lễ chùa với tâm lý cầu may, cầu tài lộc, cầu danh vọng, chức tước… mà quên mất mục đích chính của việc đi Lễ chùa là thành tâm, tìm kiếm sự thanh tịnh, an lạc trong tâm hồn, đúng với nghĩa tốt đời đẹp đạo.
Một số hiện tượng mê tín, dị đoan thường thấy ở Lễ chùa đầu năm là: xem bói, xin xăm… đây là những hành động thiếu căn cứ khoa học, thậm chí còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, hệ lụy trong đời sống. Điển hình như cúng sao giải hạn; nhiều người tin rằng việc này giúp họ tránh được những điều xui xẻo trong năm mới. Tuy nhiên, đây là một hình thức biểu hiện của mê tín, dị đoan, không có tác dụng thực tế.
Khá nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, một trong những nguyên nhân ấy là sự thiếu hiểu biết về Phật pháp của một bộ phận người dân; nhiều người đi Lễ chùa cũng chỉ là “dị ứng đám đông” thấy người khác đi, mình cũng đi thiếu hiểu biết về ý nghĩa của việc đi Lễ chùa là gì. Song song với đó là một số đối tượng xấu đã lợi dụng tâm lý lo sợ, bất an vì năm tuổi, năm sao xấu, năm gặp hạn… của người dân để trục lợi.
Giữa cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, lo toan, không gian thanh tịnh của chùa chiền, tiếng chuông ngân vang, mùa hương trầm dịu nhẹ giúp con người xua tan muộn phiền, lo âu, tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Đầu năm còn là dịp để mọi người cầu mong điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội; những lời nguyện ước chân thành, xuất phát từ tâm sẽ mang đến niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới an lành, hạnh phúc.
Đi Lễ chùa đầu năm cũng là dịp để mọi người cùng nhau vui xuân, vãn cảnh, gặp gỡ, giao lưu kết nối sẻ chia những chuyện vui buồn, cùng nhau cầu nguyện cho một năm mới tốt đẹp là những khoảnh khắc đáng quý và trân trọng, giúp gắn kết cộng đồng. Cô Nguyễn Thị Ly, 58 tuổi, ở xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An chia sẻ: “Tôi cảm thất rất vui khi được hòa mình vào không gian thanh tịnh của cảnh chùa, đi Lễ chùa đầu năm không chỉ để cầu may mắn, mà còn để tìm hiểu thêm về Phật pháp, về những giá trị đạo đức tốt đẹp. Tôi mong muốn mình sẽ sống tốt, sống tử tế hơn trong năm mới”.
Quả thật, đi Lễ chùa đầu năm là một phong tục đẹp, cần được giữ gìn và phát huy; tuy nhiên, cần hết sức tránh việc đi Lễ chùa trở thành hành động mê tín, dị đoan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mọi người hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc đi Lễ chùa, giúp họ phân biệt được đâu là tín ngưỡng chân chính, đâu là mê tín, dị đoan. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tăng cường quản lý hoạt động tôn giáo, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Các tổ chức tôn giáo cần phát huy vai trò của mình trong việc hướng dẫn người dân thực hành tín ngưỡng đúng đắn, tránh xa mê tín, dị đoan; quan trọng hơn cả là mỗi người tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, để việc đi Lễ chùa thực sự mang lại sự thanh tịnh, an lạc trong tâm hồn.
Ảnh minh họa
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 09/CĐ-TTg ngày 3/2/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025.
Công điện nêu: Trong dịp Tết, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025 đã và đang diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút đông đảo Nhân dân tham dự ở các địa phương trên cả nước.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo liên quan, bảo đảm tổ chức các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025 theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của Nhân dân các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định tại Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản khác liên quan.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, Nhân dân và khách du lịch, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; tuyệt đối không tổ chức và tham dự các lễ hội tràn lan, lãng phí; nhất là lợi dụng để tác động, hoạt động mê tín dị đoan v.v…
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội để trục lợi, tác động tiêu cực, nhất là tại các địa phương diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, thu hút đông đảo Nhân dân tham dự.
Thành tâm tín ngưỡng là tốt, nhưng đừng để văn hóa đi Lễ chùa bị biến tướng, có như vậy, đi Lễ đầu năm mới thực sự đem lại sự thư thái, bình an, vui vẻ, tin tưởng vào những điều tốt đẹp và may mắn trong năm mới.
Nguyễn Lang
Bình luận