• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Gia đình ông Trần Văn O vượt qua nỗi đau da cam

Gia đình ông Trần Văn O vượt qua nỗi đau da cam

Chiến tranh đã đi qua, nhưng hậu quả và nỗi đau vẫn còn đó, đặc biệt là đối với những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam, bệnh tật triền miên, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng họ đã biết vượt qua nổi đau để vươn lên trong cuộc sống, tiêu biểu là ông Trần Văn O, ngụ ấp 4, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Ông Trần Văn O tham gia kháng chiến năm 1968, đến năm 1971 ông trở về quê hương. Cũng như nhiều người khác, ông mang trong mình chất độc da cam nhưng không hề hay biết. Ông có 6 người con, 5 người con lúc mới sinh ra đều bình thường, đến khoảng 9 - 10 tuổi, các con ông có biểu hiện đau nhức, ngực lõm, chân tay teo dần, co rút…. Vợ chồng ông đưa đi điều trị khắp các bệnh viện nhưng không nơi nào chữa trị được. Những căn bệnh đó đã đẩy gia đình ông lâm vào cảnh nghèo khó. Để chữa bệnh cho các con, vợ chồng ông phải lặn lội khắp nơi tìm thầy tìm thuốc; có thời gian dài, hai vợ chồng rời quê hương, đùm túm các con đến tỉnh Hậu Giang để làm thuê, làm mướn lấy tiền chữa bệnh cho các con. Nơi đây, đất khách, quê người, làm lụng quanh năm, suốt tháng chỉ đủ nuôi mấy đứa con; trong khi đó bệnh tình của 5 đứa con không suy giảm.

Trở về quê hương, được sự giúp sức của những tấm lòng hảo tâm, của chính quyền địa phương, gia đình ông được tiếp thêm nghị lực, quyết tâm vượt qua nỗi đau da cam, vươn lên trong cuộc sống và chăm lo cho các con.

Gia đình ông O canh tác 20 sào đất lúa, làm 3 vụ/năm, đủ để ăn hàng ngày, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của bản thân, gia đình ông O còn được sự giúp đỡ từ Hội NNCĐDC/dioxin huyện Gò Công Đông và xã Tân Tây, trợ giúp cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông được vay 50 triệu đồng để sửa sang nhà cửa và mua dê về nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Các con của ông O giờ đã lớn, có người đã ngoài tuổi 40, hiện còn 4 người (3 gái,1 trai) đi đứng khó khăn, đau nhức triền miên. Để không trở thành gánh nặng của ba mẹ, 4 chị em cố gắng vượt qua bệnh tật, hằng ngày nhận hàng về làm gia công, có lúc thì tách vỏ hạt điều, lúc thì nhận kết cườm…. Trong 4 chị em có chị Ngô Thị Lệ Dung học được nghề may, nhưng do hàng may sẵn bán nhiều, nhu cầu đặt may của người dân ít lại, chị cũng bỏ nghề may quần áo, sang làm kết cườm. Hiện đứa em trai út bị tật nặng, hai chân không đi lại được, nhưng cũng xin đi học nghề thợ bạc để làm công kiếm tiền nuôi sống bản thân…

Thật đáng mừng, 3 đứa con gái của ông O giờ đã lập gia đình và đều sinh được con cái, tình yêu của họ đã thật lòng, can đảm đến với nhau, hiện những đứa trẻ do họ sinh ra là niềm an ủi, động viên những nạn nhân này và cũng góp phần xua đi nỗi âu lo của ba mẹ lúc tuổi già.

Hiện nay, vợ chồng ông O vẫn đùm bọc, cưu mang các con tật nguyền và thêm những đứa cháu ngoại, (vì bản thân các con ông không chăm sóc được con của mình do bệnh tật, đi đứng rất khó khăn). Còn con dể cũng nghèo khó, đi làm mướn cho ghe đánh bắt hải sản ngoài khơi, vài ba tháng mới về nhà 1 lần.

Trước đây ông O thường tâm sự: bản thân ông dù đau nhức đến đâu, ông cũng chịu được, nhưng chứng kiến các con đau đớn vật vã ông không thể chịu được! Vợ chồng ông lo nhất, nếu như chẳng may vợ chồng ông chết trước, ai sẽ nuôi các con? Đến nay nỗi lo của vợ chồng ông đã có lời giải.

Gia đình ông Trần Văn O là gia đình có nhiều NNCĐDC nhất trong huyện Gò Công Đông, nhưng đã nỗ lực, vượt qua nỗi đau, vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, là một điển hình để những hoàn cảnh tương tự học tập, tổ chức Hội cơ sở triển khai nhân rộng./.

Ông Võ Văn Lưu, Chủ tịch Hội huyện Gò Công Đông tặng quà cho gia đình ông O

Lê Hằng

Hội NNCĐDC/dioxin huyện Gò Công Đông

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...