Tỉnh hội Hà Tĩnh gặp mặt tặng quà nhân kỉ niệm 62 năm ngày "Thảm họa da cam ở Việt Nam"
Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Minh Nguyên - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương tại văn bản số 1294-CV/BDVTW và “Kế hoạch Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023” của Trung ương Hội, Thường trực Tỉnh hội đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh có các văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các huyện, thị, thành phố cũng như các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn… vào cuộc thực hiện một một cách bài bản, quyết liệt với tinh thần “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, vì nạn nhân chất độc da cam”. Đến nay, 100% các cấp từ xã, phường đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc đã có các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Qua các văn bản, tài liệu, các tọa đàm, các phương tiện thông tin đại chúng… đặc biệt là các chuyến đi đến với nạn nhân, gia đình nạn nhân đã hiểu hơn về cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ tiến hành tại Việt Nam và tác hại khôn lường của nó đối với môi trường và sức khỏe của nhiều thế hệ người Việt Nam. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đối với nạn nhân chất độc da cam; Thấy được những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và thân nhân của họ, cũng như việc huy động các nguồn lực từ các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, nhà hảo tâm… nhằm hỗ trợ, động viên, giúp đỡ các nạn nhân, gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn hòa nhập cộng đồng”.
Ông Nguyễn Minh Nguyên - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hà Tĩnh
Thực hiện tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023, Hà Tĩnh đã vận động các nguồn lực xã hội bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương như: Gửi thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhà hảo tâm. Tổ chức các đêm ca nhạc quyên góp từ thiện. Thông qua câu lạc bộ các nạn nhân kêu gọi sự chung tay ủng hộ theo tinh thần “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”… Ủng hộ bằng nhiều cách, đó là: Góp công lao động giúp nạn nhân sửa chữa nhà cửa, trang bị đồ dùng; Sẻ chia lương thực, thực phẩm đồ dùng sinh hoạt; Thăm hỏi tặng quà, tặng học bổng, tặng sổ tiết kiệm; Phối hợp với các cơ sở y tế để tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nạn nhân… Kết quả, các cấp hội của tỉnh Hà Tĩnh đã huy động được 1.613.700.000đ, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 346 lượt/nạn nhân với số tiền 58.640.000đ. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các nạn nhân bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, mắc bệnh hiểm nghèo, các gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn… Các huyện hội làm tốt, đáng biểu dương, khen ngợi là huyện hội Nghi Xuân, Hương Khê, Thị xã Kỳ Anh…
Tính đến năm 2023, ở Hà Tĩnh tổng số nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam là 19.017 người (trong đó nạn nhân trực tiếp là 13.674 và nạn nhân gián tiếp là 5.343 người) rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, vì họ là “những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Và khắc phục hậu quả da cam là lương tâm, trách nhiệm của cộng đồng và xã hội. Nạn nhân chất độc da cam cần lắm sự chia sẻ, quan tâm của cộng đồng, của chúng ta và của mọi người.
Cát Tường
Bình luận